1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

3 ưu tiên chính sách lớn của tân Thủ tướng Nhật Bản

Nguyên Long

(Dân trí) - Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba nhậm chức đánh dấu sự khởi đầu một chương mới trong lịch sử "đất nước Mặt Trời mọc".

3 ưu tiên chính sách lớn của tân Thủ tướng Nhật Bản - 1

Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba (Ảnh: Reuters).

Ngày 27/9, ông Shigeru Ishida, 67 tuổi, đã vượt qua 9 ứng cử viên của đảng Dân chủ cầm quyền (LDP) sau 2 vòng bỏ phiếu để giành chiến thắng trong cuộc đua chức Chủ tịch đảng LDP.

Ông Ishida là một chính trị gia kỳ cựu của Nhật Bản với hơn 3 thập niên kinh nghiệm trên chính trường và có sức ảnh hưởng lớn trong LDP. Ông được bầu vào quốc hội năm 1986 ở tuổi 29 và nổi tiếng là một chuyên gia về chính sách quốc phòng. Ông đã giữ các chức vụ chủ chốt trên chính trường Nhật Bản bao gồm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng thư ký LDP, Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản.  

Ngày 1/10, tức là 3 ngày sau khi trở thành Chủ tịch LDP, ông Shigeru Ishida đã được Quốc hội Nhật Bản bầu làm Thủ tướng. Ngay trong chiều ngày 1/10, tân Thủ tướng Ishida đã ra mắt nội các mới, trong đó có nhiều chuyên gia về quốc phòng và an ninh, đồng thời tuyên bố sẽ giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, vào ngày 27/10 để người dân Nhật Bản có thể đánh giá được chính quyền mới càng sớm càng tốt.

Nội các mới của tân Thủ tướng Shigeru Ishida

Tân Thủ tướng Ishida đã chọn cả đồng minh và đối thủ vào nội các gồm 20 bộ trưởng. Trong đó, 2 cựu Bộ trưởng quốc phòng có mối quan hệ thân cận với ông là ông Takeshi Iwaya được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và ông  Gen Nakatani giữ chứ Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông Yoshimasa Hayashi giữ chức Chánh văn phòng Nội các; ông Katsunobu Kato làm Bộ trưởng Tài chính; cựu Bộ trưởng Yoji Muto giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Kinh tế... Có 2 phụ nữ trong nội các là Bộ trưởng Chính sách Trẻ em Junko Mihara và Bộ trưởng Bộ giáo dục Toshiko Abe. 

Cử tri Nhật Bản kỳ vọng chính quyền mới của Thủ tướng Ishida sẽ giúp đưa đất nước vượt qua các thách thức, thực hiện các cải cách quan trọng với các biện pháp đột phá giúp kinh tế Nhật Bản bứt tốc, tìm lại sức cạnh tranh hàng đầu cũng như tạo ra các bước thay đổi lớn trong chính sách an ninh quốc phòng và đối ngoại.

3 ưu tiên chính sách lớn của tân Thủ tướng Nhật Bản - 2

Tân Thủ tướng Shigeru Ishiba chụp ảnh cùng các thành viên nội các ngày 1/10 (Ảnh: Reuters).

Các ưu tiên chính sách của Thủ tướng Ishiba

Các nhà quan sát nhận định, để lấy lại niềm tin của cử tri Nhật Bản, chính quyền của tân Thủ tướng Ishiba sẽ phải tiến hành một số cải tổ, trong đó tập trung vào các vấn đề đối nội như cải cách chính trị, phục hồi kinh tế, đồng thời vẫn phải thúc đẩy các chương trình nghị sự về an ninh quốc phòng và đối ngoại:

Về đối nội: Là một chính trị gia kỳ cựu, ông Ishida có sự nhạy bén về chính trị và kinh nghiệm chính sách phong phú. Ưu tiên hàng đầu của ông là "khôi phục niềm tin của người dân" cũng như sự đoàn kết trong nội bộ đảng cầm quyền LDP, nhất là trong bối cảnh đảng đã dính vào hàng loạt bê bối chính trị và tham nhũng thời gian qua, làm mất niềm tin trầm trọng từ người dân.

Các nhà quan sát đánh giá, nội các mới của tân Thủ tướng cho thấy, quyết tâm của ông trong việc "tiếp tục tham gia chính phủ liên minh và cống hiến hết sức mình cho cải cách chính trị và thực hiện các chính sách ưu tiên người dân".

Vấn đề kinh tế là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu mà Thủ tướng Ishida quan tâm. Ông cam kết sẽ tiếp tục chính sách kinh tế của người tiền nhiệm Kishida Fumio nhằm đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát và đạt được mức tăng lương thực tế, đồng thời giải quyết các thách thức như tỷ lệ sinh và dân số giảm cũng như khả năng phục hồi trước thiên tai của Nhật Bản.

Ngay trong chiến dịch tranh cử chức Chủ tịch LDP, ông Ishida đã công bố chiến dịch "An toàn và An ninh cho tất cả mọi người", trong đó vạch ra các sáng kiến nhằm hồi sinh các khu vực nông thôn thông qua việc cải thiện việc chia sẻ thông tin cũng như khuyến khích các doanh nghiệp thành lập hoạt động bên ngoài các thành phố lớn. Ông Ishida cũng đề xuất khả năng tăng thuế doanh nghiệp đối với đầu tư công, trong đó có việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một ưu tiên khác là tìm ra cách điều chỉnh khi lạm phát quay trở lại. Trong nhiều thập kỷ qua, hết chính phủ này đến chính phủ khác ở Nhật Bản đã phát hành hàng núi nợ để tránh phải thực hiện các việc khó trong điều chỉnh lại động cơ tăng trưởng và tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, giờ đây đã đến lúc, chính quyền của tân Thủ tướng Ishida phải tìm ra biện pháp giảm nợ mà không làm nền kinh tế sụp đổ cho dù là rất khó khăn.

Về an ninh, quốc phòng: Tân Thủ tướng Ishiba nổi tiếng với lập trường vững chắc về các vấn đề an ninh và quốc phòng, thậm chí ông còn được coi là chính trị gia có quan điểm cứng rắn khi thúc đẩy điều chỉnh tăng ngân sách quốc phòng nhằm tăng cường tiềm lực quân sự của Nhật Bản trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là các mối đe dọa ngày càng tăng ở khu vực Đông Á. Thủ tướng Ishida là người ủng hộ việc hiện đại hóa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và việc Nhật Bản tham gia tích cực hơn vào các nhiệm vụ quân sự quốc tế.

Nội các mới mà Thủ tướng Ishida vừa công bố cho thấy sự coi trọng của ông đối với vấn đề an ninh và quốc phòng tới mức nào. Do đó, có thể thấy, răn đe sẽ là chủ đề chính trong cương lĩnh chính sách an ninh quốc gia và đây cũng được coi là điểm cộng chính sách cho tân Thủ tướng, nhất là trong bối cảnh các mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng gia tăng cũng như sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương.

Về đối ngoại: Các nhà phân tích đánh giá, Thủ tướng Ishiba sẽ tiếp nối chính sách đối ngoại thực tế mà người tiền nhiệm Kishida đã vạch ra. Trong đó, liên minh với Mỹ vẫn là nền tảng của chính sách đối ngoại và chiến lược an ninh của Nhật Bản. Là người ủng hộ mạnh mẽ việc hợp tác với Mỹ, Thủ tướng Ishiba sẽ tìm cách nâng liên minh Mỹ - Nhật lên một tầm cao mới, tuy nhiên, theo hướng xây dựng "một mô hình hợp tác cân bằng hơn", nhất là trong việc kiểm soát chung các căn cứ quân sự.

Chính quyền Thủ tướng Ishida cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy khuôn khổ "Bộ tứ kim cương" (Mỹ - Nhật - Australia - Ấn Độ) cũng như các hợp tác song phương và đa phương khác để cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Ishida đã từng đề xuất thành lập một phiên bản châu Á của NATO để chống lại các mối đe dọa ngày càng gia tăng, mặc dù cho đến nay đề xuất này vẫn gây nhiều tranh cãi.

Đối với vấn đề Triều Tiên, ông Ishida đã có đề xuất về việc thành lập văn phòng liên lạc ở Tokyo và Bình Nhưỡng để tạo điều kiện đàm phán với Triều Tiên trong vấn đề trao trả các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Ishida sẽ tiếp tục thúc đẩy thịnh vượng kinh tế khu vực thông qua đối thoại với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc.

Ông Nicholas Szechenyi - thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đánh giá, thực tế là môi trường an ninh khu vực xấu đi nhanh chóng thúc đẩy Nhật Bản tiếp tục quỹ đạo chiến lược dựa trên việc có được các khả năng phòng thủ tiên tiến, củng cố liên minh với Mỹ và hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng. Quá trình chuyển đổi chính trị của Nhật Bản có thể báo hiệu động lực cải cách chính trị, tuy nhiên, những thay đổi mạnh mẽ về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại khó có thể xảy ra.

Thách thức là không nhỏ

Giới phân tích nhận định, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ phải đối mặt hàng loạt vấn đề "gai góc" từ uy tín của đảng LDP đến tình trạng già hóa dân số, kế hoạch phát triển kinh tế, chính sách an ninh xã hội…

Một là, ông Ishida và nội các mới của mình phải nỗ lực để khôi phục niềm tin của cử tri Nhật Bản với đảng LDP nói riêng và nền chính trị Nhật Bản nói chung. Giáo sư về chính trị Nozomi Yamazaki tại Đại học Chuo ở Nhật Bản cho rằng, để giải quyết các vấn đề này, Thủ tướng Ishida phải mạnh dạn đổi mới ngay từ chính trong nội bộ đảng LDP.

Hai là, ông Ishida phải tìm cách giải quyết các thách thức liên quan đến nhu cầu hiện đại hóa kinh tế, ổn định phúc lợi xã hội và các vấn đề nhân khẩu học. Điều quan trọng là chính quyền phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa những người Nhật giàu có và đại đa số các hộ gia đình hiện mới bắt đầu được hưởng lợi từ việc tăng lương. Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản chỉ hơn 33.000 USD - có rất ít thay đổi so với đầu những năm 1990 và thấp hơn khoảng 2,6 lần so với Mỹ.

Hơn nữa, nền kinh tế Nhật Bản cũng rất dễ bị tổn thương trước các cú sốc quốc tế như sự suy thoái của Trung Quốc, hậu quả từ sự bất ổn địa chính trị ở Trung Đông và châu Âu, các cuộc chiến tranh thương mại sắp tới... Đã đến lúc Nhật Bản cần xây dựng sức mạnh kinh tế và sức bền tài chính lớn hơn trong nước.

Ba là, ông Ishida sẽ phải tìm cách thuyết phục được các lãnh đạo Nhật Bản và người dân về việc tăng ngân sách quốc phòng theo lộ trình để tăng cường khả năng phòng vệ của đất nước trước các mối đe dọa ngày càng tăng cũng như mở rộng sự hiện diện của Nhật Bản ở nước ngoài.

Năm là, ông Ishida phải linh hoạt trong việc giải quyết các mối quan hệ với đồng minh và đối tác trong và ngoài khu vực nhằm đạt được các mục tiêu trong chính sách đối ngoại. Trong đó, việc thúc đẩy liên minh ngày càng chặt chẽ với Mỹ cũng không hẳn là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh chính sách đối ngoại tương lai của Mỹ có thể sẽ thay đổi rất nhiều sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, phụ thuộc vào việc ông Donald Trump hay bà Kamala Harris trở thành tổng thống.

Bên cạnh đó, giải quyết các mối quan hệ phức tạp với các nước trong khu vực như Triều Tiên, Nga và Trung Quốc đều là các bài toán khó, đòi hỏi ông Ishida và nội các mới phải linh hoạt hơn để đảm bảo hiện thực hóa các mục tiêu và tham vọng đề ra.

Tân Thủ tướng Shigeru Ishiba nhậm chức đánh dấu sự khởi đầu một chương mới trong lịch sử "đất nước Mặt Trời mọc". Tân Thủ tướng và nội các mới của ông sẽ thể hiện như thế nào trên thực tế sẽ trở nên rõ ràng trong những tháng tới nhằm xác định hướng đi tương lai của đất nước.

Người dân Nhật Bản kỳ vọng đất nước sẽ sớm vượt qua những khó khăn hiện nay và tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu trên con đường phát triển tương lai.

Theo Nikkei, CSIS, NHK