1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

3 năm sống như “địa ngục trần gian” của nhà báo bị phiến quân Syria bắt giữ

(Dân trí) - Nhà báo Nhật Bản Jumpei Yasuda, người vừa được phóng thích sau 3 năm bị bắt giữ bởi lực lượng phiến quân ở Syria, đã kể lại cuộc sống mất tự do giống “địa ngục trần gian”.

3 năm sống như “địa ngục trần gian” của nhà báo bị phiến quân Syria bắt giữ

Nhà báo Jumpei Yasuda (Ảnh: Telegraph)
Nhà báo Jumpei Yasuda (Ảnh: Telegraph)

Jumpei Yasuda, 44 tuổi, bị phiến quân ở Syria bắt cóc vào tháng 6/2015 khi đang thực hiện tác nghiệp ở khu vực này. Trước khi được phóng thích, hình ảnh cuối cùng của Yasuda xuất hiện là khi ông phải quỳ xuống đất và bị một phiến quân dí súng vào đầu vào tháng 7 năm nay.

Theo Washington Post, câu chuyện xung quanh việc vì sao Yasuda được thả hiện vẫn chưa được công bố, nhưng người đàn ông này đã đoàn tụ với gia đình vào ngày hôm qua, 25/10 tại quê nhà Nhật Bản.

“Khoảnh khắc nhìn thấy anh ấy, tôi chạy lại và ôm chặt lấy chồng. Anh ấy có vẻ e ngại khi tôi nói chào mừng anh về nhà”, bà Myu, vợ của ông Yasuda, kể lại.

Mặc dù, Yasuda được cho là đã bị các phiến quân khủng bố thuộc nhóm khủng bố al-Nursa có liên quan tới al-Qaeda bắt giữ, nhưng tổ chức quan sát Nhân quyền Syria (Anh) nói rằng ông bị bắt giữ nhóm phiến quân đảng Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 25/10, Yasuda hồi tưởng về thời gian bị giam giữ, gọi đó là “địa ngục” về cả thể chất lẫn tinh thần. Ông nói rằng ông bị giam trong một căn phòng kích thước nhỏ và thường xuyên bị tra tấn dã man. Có thời điểm, Yasuda cho biết ông thậm chí không được tắm trong 8 tháng liên tiếp.

“Ngày qua ngày, tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể về nhà lần nữa và suy nghĩ đó lởn vởn trong đầu sau đó dày vò tôi”, ông kể lại với đài truyền hình NHK của Nhật Bản.

Yasuda nói rằng ông đã được chuyển tù một vài lần trong khoảng thời gian bị bắt tới các địa điểm thuộc tỉnh phía tây bắc Syria, Idlib. Ông nói rằng, ông thỉnh thoảng nghe thấy tiếng bom đạn từ xa: “Tôi sống với nỗi sợ hãi không có điểm dừng rằng tôi sẽ không bao giờ thoát ra được khỏi đây và có thể sẽ bị giết chết”.

Ông nói rằng, ông dần dần cảm thấy hy vọng tự do vụt tắt vì những kẻ bắt cóc ông đã nhiều lần không giữ lời hứa trả tự do cho ông.

Ông Yasuda bị những kẻ bắt cóc dí súng vào đầu trong bức ảnh công bố hồi tháng 7 năm nay (Ảnh: AFP)
Ông Yasuda bị những kẻ bắt cóc dí súng vào đầu trong bức ảnh công bố hồi tháng 7 năm nay (Ảnh: AFP)

Yasuda được thả hôm 23/10 một cách bất ngờ khi những kẻ bắt cóc đã chở ông tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và giao ông cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Nhật Bản xác nhận rằng Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ trong việc thả Yasuda nhưng không nói chi tiết về vai trò của 2 nước này.

Yasuda nói rằng ông cảm thấy mình đã đi thụt lùi so với phần còn lại của thế giới và không biết sẽ bắt kịp với tương lai như thế nào. “Tôi rất hạnh phúc khi được thả tự do. Nhưng tôi lo lắng là liệu điều gì sẽ tiếp theo sẽ xảy ra và tôi sẽ làm gì trong tương lai”, ông trăn trở.

Syria là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất với những người tác nghiệp báo chí. Hàng chục nhà báo, phóng viên đã bị sát hại hoặc bắt cóc.

Trước đó, Yasuda từng bị bắt cóc ở Iraq vào năm 2004 với 3 công dân Nhật Bản khác, nhưng sau đó đã được thả tự do. Ông tiếp tục hành nghề báo chí ở khu vực Trung Đông, tại các khu vực giao tranh khốc liệt.

Tuy nhiên, lần bắt cóc này Yasuda đã bị tịch thu toàn bộ các vật dụng cá nhân khiến ông mất đi những tư liệu mà ông dày công thu thập. Điều khiến Yasuda cảm thấy tức giận và tuyệt vọng trong suốt thời gian bị giam giữ là ông đã không được tác nghiệp trong 40 tháng.

Bài viết cuối cùng của Yasuda ở Syria trước khi bị bắt cóc là về vụ nhà báo Nhật bản Kenji Goto, người bạn của ông, bị IS hành quyết dã man.

Trong những tháng ngày con trai bị bắt, bà Sachiko, mẹ của Yasuda, đã "nuốt nước mắt" vào trong, cầu nguyện thành tâm trong 3 năm trời. Theo một truyền thuyết ở Nhật Bản, nếu ai đó xếp được 1.000 con hạc giấy, điều ước của người đó sẽ thành hiện thực. Trong suốt 40 tháng con trai bị giam giữ, bà Sachiko đã xếp được 10.000 con hạc.

Đức Hoàng

Tổng hợp