1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

20 binh sĩ Myanmar thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân nổi dậy

Thành Đạt

(Dân trí) - Một hãng tin cho biết ít nhất 20 binh sĩ đã thiệt mạng và 4 xe tải quân sự bị phá hủy sau khi quân đội Myanmar đụng độ quân nổi dậy.

20 binh sĩ Myanmar thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân nổi dậy - 1

Một người bị thương được cáng đi do bạo lực tại một ngôi làng ở Myanmar giáp biên giới tỉnh  Mae Hong Son, Thái Lan vào ngày 30/3 (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, hãng tin DVB cho biết ít nhất 20 binh sĩ đã thiệt mạng và 4 xe tải quân sự bị phá hủy trong các cuộc xung đột giữa quân đội Myanmar với Quân đội Độc lập Kachin (KIA) - một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất tại Myanmar.

Trước đó, máy bay quân sự của Myanmar cũng ném bom vào các khu vực thuộc quản lý của một nhóm nổi dậy khác là Liên minh Dân tộc Karen (KNU). Đây là cuộc không kích đầu tiên xảy ra tại khu vực này trong hơn 20 năm qua, khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa và chạy sang nước láng giềng Thái Lan.

Cuộc không kích của quân đội Myanmar nhằm vào khu vực của KNU diễn ra sau khi lực lượng KNU tràn qua một tiền đồn quân sự ở gần biên giới, giết chết 10 người. Các cuộc không kích được tiến hành sau cuộc trấn áp mạnh tay của quân đội Myanmar nhằm vào người biểu tình phản đối đảo chính.

Myanmar chìm trong bạo loạn và khủng hoảng sau khi quân đội tiến hành đảo chính và bắt giữ các lãnh đạo và quan chức cấp cao của chính quyền dân sự. Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp cả nước để phản đối đảo chính và chính quyền quân sự.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 538 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Trong ngày hôm nay 1/4, Myanmar tiếp tục ghi nhận thêm 2 người thiệt mạng khi đám đông xuống đường biểu tình tại một số khu vực.

Một người thiệt mạng và 5 người bị thương khi lực lượng an ninh nổ súng tại thị trấn Monywa. Lực lượng an ninh cũng nổ súng tại thành phố Mandalay lớn thứ 2 Myanmar, giết chết 1 người.

Cuộc đảo chính hôm 1/2 đã dẫn tới lời kêu gọi đoàn kết giữa những người ủng hộ dân chủ và phản đối chính phủ quân sự với các nhóm dân tộc thiểu số vũ trang ở Myanmar. Các nhóm này hiện kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở biên giới Myanmar.

Quân nổi dậy từ các nhóm dân tộc khác nhau đã xung đột với chính quyền trung ương Myanmar suốt hàng chục năm qua để giành quyền tự chủ lớn hơn. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh giữa các nhóm dân tộc vũ trang và quân đội Myanmar tại một số khu vực đã tăng mạnh kể từ sau đảo chính.

Liên Hợp Quốc lo ngại nguy cơ Myanmar rơi vào nội chiến khi các nhóm dân tộc vũ trang liên minh lại để đối phó với chính quyền quân sự. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc kêu gọi Hội đồng Bảo an nhanh chóng hành động trước nguy cơ nội chiến và một viễn cảnh "đẫm máu" tại Myanmar.

Myanmar hiện có hàng trăm nhóm dân tộc vũ trang, thậm chí con số này được cho là có thể lên tới hàng nghìn. Trong đó, có khoảng 20 nhóm dân tộc thiểu số có cả hệ thống chính trị và quân sự. Thực trạng này khiến Myanmar gặp trở ngại trong việc thống nhất các nhóm dân tộc, do tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa các nhóm này với quân đội Myanmar - lực lượng có nòng cốt là người dân tộc Miến Điện.

Sau các cuộc không kích nhằm vào một số khu vực biên giới do các nhóm thiểu số vũ trang kiểm soát tuần trước, quân đội Myanmar ngày 31/1 bất ngờ tuyên bố lệnh ngừng bắn đơn phương kéo dài một tháng. Chính quyền Myanmar tuyên bố sẵn sàng hòa đàm với các nhóm vũ trang, nhưng nhấn mạnh sẽ đối phó với các hành động "làm gián đoạn chính quyền và an ninh chính phủ".

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar