Thảm kịch người tị nạn chạy khỏi Myanmar: 8 bao gạo cho hơn 2.000 người
(Dân trí) - Người tị nạn Myanmar phải sống trong cảnh thiếu ăn và bệnh tật khi trốn chạy khỏi các cuộc giao tranh giữa các nhóm sắc tộc với quân đội chính phủ giữa lúc bạo lực leo thang.
Nhiều dân làng từ Myanmar đã vượt biên sang Thái Lan để tìm nơi trú ẩn, tuy nhiên chính quyền nước láng giềng không tiếp nhận họ. Họ lo sợ nếu phải trở về quê nhà vào lúc này, nhưng nếu ở lại họ cũng không còn lương thực để sống.
"Chúng tôi không chắc khi nào máy bay sẽ trở lại làng của chúng tôi. Không ai muốn trở về nhà của mình", Naw Then Nay, thủ lĩnh nhóm người tị nạn Myanmar, nói với Straits Times.
Naw Then Nay là một trong số những người rời khỏi làng Deh Pu Noh ở bang Kayin, Myanmar. Đây là nơi các máy bay của quân đội Myanmar đã dội bom vào tối 27/3.
Người dân từ Ei Tu Hta, một trại tập trung dành cho người tị nạn ở gần sông Salween chia tách biên giới Myanmar và Thái Lan, đang tập trung ở bên bờ sông.
"Chúng tôi đã ở lại bên bờ sông, sống gần bụi rậm và những tảng đá lớn mà chúng tôi tìm thấy. Chỉ còn 8 bao gạo cho hơn 2.000 người chúng tôi ở đây", Nay cho biết.
Nay nói rằng cộng đồng người tị nạn Myanmar đã kêu gọi giúp đỡ, tuy nhiên mọi nỗ lực tiếp tế lương thực cho họ từ phía Thái Lan đều bị chặn lại.
"Chúng tôi kêu gọi chính quyền Thái Lan cho phép các nhóm cứu trợ nhân đạo tiếp cận khu vực này", Nay nói.
Quân đội Thái Lan xác nhận đang ngăn chặn việc tiếp cận với khu vực này.
"Trong điều kiện bình thường, mọi hoạt động, bao gồm giao thông, đều có thể diễn ra tự do. Nhưng điều kiện hiện tại không bình thường", Đại tá Chaidan Grisanasuwarn, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Sư đoàn Bộ binh số 7 của Thái Lan - lực lượng giám sát khu vực tỉnh Mae Hong Son giáp biên giới Myanmar nói với Straits Times.
Hơn 2.000 người dân tộc thiểu số Karen đã bỏ trốn từ Myanmar qua sông Salween để vào Thái Lan vào từ cuối tuần trước trong bối cảnh bạo lực leo thang tại Myanmar sau cuộc đảo chính của quân đội. Quân đội Myanmar đã ném bom làng Deh Bu Noh, nơi thuộc quản lý của nhóm vũ trang sắc tộc Liên minh Quốc gia Karen (KNU), sau khi các tay súng KNU đột kích một tiền đồn quân sự vào sáng sớm 27/3.
Ít nhất 2 người dân trong làng đã thiệt mạng trong vụ đánh bom của quân đội chính phủ. Đây là lần đầu tiên trong 20 năm, các cuộc không kích diễn ra ở khu vực này.
Các nhà chức trách Thái Lan ngày 30/3 đã lên tiếng phủ nhận việc từ chối tiếp nhận người tị nạn Myanmar và buộc họ phải trở về biên giới. Phía Thái Lan cũng công bố hình ảnh của một số người trong số 7 người bị thương mà họ đã cho phép vào bệnh viện tại Thái Lan để điều trị.
Tuy nhiên, Naw Then Nay khẳng định cô và những người dân làng bị buộc phải rời đi.
"Chúng tôi sống trong sợ hãi và tuyệt vọng. Chúng tôi muốn các con mình được sống mà không phải sợ hãi và được ngủ ngon giấc. Chúng tôi cần một nơi trú ẩn tạm thời và không bao giờ muốn gây rắc rối cho bất kỳ ai. Chúng tôi hy vọng ít nhất chúng tôi có thể nhận được sự trợ giúp từ bạn bè. Nhưng họ vẫn buộc chúng tôi phải trở về", Nay chia sẻ.
Nay cho biết trong số những người mắc kẹt bên bờ sông Salween có cả trẻ em, người già, cũng như các bệnh nhân.
Nỗi sợ hãi sau cuộc không kích
Naw Eh Tah, một trong số ít người đã vượt qua sông Salween hôm 30/3, mô tả lại khoảnh khắc bom nã xuống ngôi làng của cô.
"Chúng tôi không nghe thấy tiếng máy bay - nếu nghe thấy, chúng tôi đã chạy rồi", cô gái 18 tuổi nói với AFP tại bệnh viện huyện Sop Moei ở tỉnh Mae Hong Son, phía bắc Thái Lan.
"Vào thời điểm tôi nhận ra chuyện gì đang xảy ra, vụ nổ đã đánh sập phần mái nhà của tôi. Khi tôi bị trúng bom, tôi không thể đi được, tôi phải trèo lên để trốn", Tah kể lại.
Mặc dù chân bị thương do trúng đạn, Naw Eh Tah đã đi bộ trong suốt một ngày, xuyên qua rừng rậm để đến bờ sông Salween.
"Chúng tôi phải vượt biên vì tôi không thể ở lại - quân đội Myanmar đang truy lùng chúng tôi. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cuộc không kích như vậy. Tôi rất sợ", Tah nói.
Người trẻ nhất vượt qua sông Salween hôm 30/3 mới 15 tuổi, cũng là người bị thương nặng nhất với phần xương sườn bị gãy và xẹp phổi.
Ông Saw Lab Bray, 48 tuổi, bị các mảnh đạn găm khắp người khi bom dội xuống làng Deh Pu Noh.
"Tôi cố gắng bỏ chạy nhưng bom rơi quá nhanh", ông Bray nói với AFP khi ngồi trên xe lăn của bệnh viện, đồng thời cho biết ông đã chứng kiến 6 người bị thương và một người chết.
Bác sĩ Chakri Komsakorm cho biết những người tị nạn giống như "trải qua chiến tranh" với nhiều vết thương bị nhiễm trùng do thiếu thuốc. Ông nói thêm rằng "nhiều người dường như đã bị đói trong nhiều ngày".
Bác sĩ Chakri cũng cho biết ông nghe nói có những người bị thương nghiêm trọng hơn vẫn đang mắc kẹt ở phía bờ sông của Myanmar. Họ không thể vượt qua sông để sang Thái Lan vì vết thương quá nặng.
Các nhóm tị nạn người Karen cho biết có khoảng 3.000 người đã vượt sông Salween để vào Thái Lan sau các cuộc không kích, trước khi họ bị đưa trở lại Myanmar. Bộ Ngoại giao Thái Lan vào cuối 30/3 xác nhận khoảng 2.300 người đã trở về Myanmar và khoảng 550 người vẫn ở lại Thái Lan.
Thái Lan là nơi cư trú của khoảng 80.000 người tị nạn từ Myanmar, những người chưa được hồi hương hoặc tái định cư trong suốt 3 thập niên qua.
Căng thẳng gia tăng giữa quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang sắc tộc phản đối đảo chính hiện có nguy cơ bùng phát thành xung đột quy mô lớn, có thể khiến hàng nghìn người Myanmar tràn qua biên giới Thái Lan.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, ít nhất 521 người cũng đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh và người biểu tình kể từ đảo chính nổ ra tại Myanmar và hơn 2.000 người bị bắt giữ.