1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

16 năm vụ 11/9: Mỹ đang bị ám ảnh bởi “bóng ma” khủng bố kiểu mới

16 năm sau vụ 11/9, Taliban và IS không còn quá đáng sợ, nhưng Mỹ vẫn đang trong cơn “ác mộng” mang tên "khủng bố kiểu mới"

Đó là nhận định của nhà phân tích an ninh Mỹ trên kênh CNN Peter Berger nhân dịp nước Mỹ bước vào năm thứ 16 sau vụ khủng bố gây rúng động thế giới diễn ra ngày 11/9/2001. VOV.VN xin giới thiệu nội dung bài nhận định của ông Berger.


Ảnh minh họa: AP

Ảnh minh họa: AP

Niềm vui “ngắn chẳng tày gang”

Sau vụ 11/9, Mỹ cũng đã đạt được những thành quả nhất định trong cuộc chiến chống khủng bố. Kể từ thời điểm đó, Mỹ không còn phải hứng chịu bất kỳ một cuộc khủng bố có tổ chức nào trên đất Mỹ nữa.

Bản thân al-Qaeda, tổ chức khủng bố hàng đầu vào thời điểm đó, cũng không thực hiện được bất kỳ vụ tấn công thành công nào vào các mục tiêu ở phương Tây sau vụ đánh bom hệ thống tàu điện ngầm ở London năm 2005 khiến 52 người thiệt mạng.

Trong khi đó, tổ chức khủng bố lớn nhất thế giới vào thời điểm hiện tại là IS cũng đang liên tiếp hứng chịu nhiều thất bại mang tính chiến lược ở các thành phố trọng yếu mà chúng nắm giữ trong thời gian dài là Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria.

Hồi tháng 7 vừa qua, Tư lệnh các Chiến dịch Đặc biệt của Mỹ, Tướng Raymond "Tony" Thomas cho biết, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tiêu diệt được khoảng 60.000-70.000 phiến quân IS.

Chỉ một tháng sau, Đặc sứ Mỹ của Liên quân chống IS Brett McGurk cho biết, IS đã mất quyền kiểm soát đối với 3/4 lãnh thổ mà chúng từng chiếm được ở Iraq và hơn một nửa lãnh thổ ở Syria.

Ngoài ra, mối đe dọa do “những chiến binh thánh chiến” người Mỹ được IS hoặc các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan huấn luyện quay lại tấn công nước Mỹ được cho là không đáng ngại bằng tại các nước châu Âu.

Theo các số liệu được công bố công khai, chỉ có 7 phiến quân mang quốc tịch Mỹ trở về từ các khu vực có chiến sự ở Iraq và Syria và không ai trong số này từng thực hiện bất kỳ hành động tấn công khủng bố nào trên đất Mỹ.

Nỗi ám ảnh “người Mỹ cầm dao đâm người Mỹ”

Tuy nhiên, những tin tức tốt lành đó không khỏa lấp được một xu hướng đáng lo ngại. Kể từ năm 2014, đã có 6 vụ tấn công khủng bố kiểu Hồi giáo cực đoan trên đất Mỹ khiến 74 người thiệt mạng.

Đáng chú ý, những kẻ thực hiện các vụ tấn công này lại là những công dân Mỹ có thẻ cư trú lâu dài chứ không phải những tên khủng bố từ nước ngoài như vụ 11/9. Những người này bị “mê hoặc” bởi những lời lẽ tuyên truyền của IS trên mạng nhưng không ai trong số này liên lạc trực tiếp với chúng.

Chủ nghĩa khủng bố kiểu Hồi giáo cực đoan trên đất Mỹ đang “đâm chồi nẩy lộc” nhanh chóng qua các thông tin được truyền bá trên mạng. Trong số 129 tên phiến quân người Mỹ tham gia hoặc tìm cách tham gia các tổ chức khủng bố tại Iraq và Syria có tới 101 tên chuyển tải và chia sẻ các nội dung tuyên truyền về khủng bố kiểu Hồi giáo cực đoan trên mạng. Thậm chí, nhiều tên trong số này còn tiến hành các cuộc trao đổi được mã hóa tinh vi trên mạng với các phiến quân IS có trụ sở tại Trung Đông.

Chuyên gia chống khủng bố người Israel Gabriel Weimann nhận định, các cuộc tấn công kiểu “sói đơn độc” đang trở thành “đặc sản” của chúng. Toàn bộ 129 tên phiến quân tham gia hoặc tìm cách tham gia các tổ chức khủng bố tại Iraq và Syria nói trên không có tên nào từng được các tổ chức khủng bố tuyển mộ trước đó.

Lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của Tổng thống Donald Trump nhằm vào những đối tượng đến từ 6 nước Hồi giáo hầu như không có tác dụng gì với những mối đe dọa kiểu “cây nhà lá vườn” như thế này. Ngay cả lệnh cấm đi lại cũng được cho là vô hiệu trước sự lan truyền quá nhanh của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trên Internet.

Sự trỗi dậy “được báo trước” của al-Qaeda

Ngay cả khi IS đã phải hứng chịu rất nhiều thất bại, những điều kiện để tổ chức này “trỗi dậy trở lại” vẫn còn rất nhiều. Trong đó phải kể đến mâu thuẫn giữa người Hồi giáo Sunni và Shia, sự sụp đổ của các nền kinh tế tại các quốc gia Arab do chiến tranh kéo dài và sự gia tăng dân số bất thường tại Trung Đông và Bắc Phi.

Những yếu tố trên đã dẫn đến một làn sóng người Hồi giáo tràn sang châu Âu. Sự hiện diện quá đông đảo của họ đã làm nảy sinh chủ nghĩa bài Hồi giáo của các tổ chức cực hữu tại đây. Điều này vô tình đẩy những người Hồi giáo chân chính vào tay những kẻ Hồi giáo cực đoan và làm dấy lên lo ngại về khả năng có một tổ chức mới có thể thay thế IS trong tương lai.

Theo các chuyên gia, tổ chức này không ai khác chính là al-Qaeda. Trong khi IS đang hứng chịu nhiều thất bại choáng váng thì al-Qaeda lại cho thấy sự vững mạnh đánh sợ. Nhiều khả năng IS sẽ xin sáp nhập với al-Qaeda nếu chúng lâm vào đường cùng.

Thủ lĩnh mới của al-Qaeda cũng là một cái tên “không mấy xa lạ” Hamza bin Laden- con trai của trùm khủng bố Osama bin Laden. Dù mới chỉ ngoài 20 tuổi, tên này đã xuất hiện nhiều trên các sản phẩm truyền thông của al-Qaeda trong vài năm gần đây.

Việc al-Qaeda có thể trỗi dậy cùng với thực tế những động lực để chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo sinh sôi nảy nở vẫn chưa bị tiêu diệt khiến cho nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn kéo dài thêm nhiều thập kỷ nữa.

Theo Trần Khánh

VOV