1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

15.000 nhân viên y tế mắc Covid-19, Tây Ban Nha gặp khó khăn chồng chất

(Dân trí) - Tây Ban Nha phải đối mặt với bài toán vô cùng nan giải khi 15.000 nhân viên y tế bị nhiễm virus corona, trong lúc các bệnh viện vật lộn với tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ.

Bên trong nhà xác “dã chiến” tại Tây Ban Nha
15.000 nhân viên y tế mắc Covid-19, Tây Ban Nha gặp khó khăn chồng chất - 1

Các nhân viên y tế ôm nhau ở bên ngoài phòng cấp cứu tại bệnh viện Severo Ochoa ở Leganes, Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)

Tính đến nay, hơn 15.000 nhân viên y tế tại Tây Ban Nha đã bị nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19), chiếm khoảng 14% tổng số ca nhiễm trên cả nước. Trong khi đó, số nhân viên y tế mắc Covid-19 tại Italia chỉ chiếm khoảng 10% tổng số ca nhiễm tại nước này.

“Tôi đã cố gắng cẩn trọng, nhưng khi bạn làm việc tại một bệnh viện, không ai có thể đảm bảo rằng một trong số đồng nghiệp của bạn không nhiễm virus trong giai đoạn chưa phát triệu chứng”, Xevi Mateu, một thành viên của đội cứu thương, cho biết.

Mateu sống và làm việc tại Catalonia, Tây Ban Nha. Anh có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 từ một tuần trước. Mateu nghĩ rằng anh có thể đã bị nhiễm virus trong một bữa ăn tại bệnh viện, hoặc khi làm việc trong không gian chật hẹp của xe cấp cứu.

Với hơn 131.600 người nhiễm bệnh, Tây Ban Nha hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tây Ban Nha cũng có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ hai thế giới với 12.641 người, sau Italia. Reuters dẫn thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết số nhân viên y tế bị nhiễm virus tại nước này hiện ở mức cao nhất thế giới.

15.000 nhân viên y tế mắc Covid-19, Tây Ban Nha gặp khó khăn chồng chất - 2

Một nhân viên kiểm tra các quan tài, phần lớn chứa thi thể người tử vong vì Covid-19 tại nhà tang lễ ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 2/4. (Ảnh: Reuters)

Mateu cho đến nay vẫn chưa biết làm thế nào để bảo vệ bản thân trước đại dịch Covid-19, dù hàng chục nghìn người trên thế giới đã thiệt mạng. Do không được đảm bảo về nguồn cung trong tương lai, Mateu buộc phải tính toán việc sử dụng thiết bị bảo hộ, nhất là khi nhu cầu sử dụng các dịch cấp cứu bắt đầu quá tải.

Albert Gual, một nhân viên cấp cứu khác làm việc tại Catalonia, cho biết các quy trình đã thay đổi kể từ khi anh bắt đầu chuyển các bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên tới bệnh viện. Gual tin rằng việc thiếu thiết bị bảo hộ là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

“Ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, chúng tôi bỏ luôn kính, đồ bảo hộ và khẩu trang sau mỗi lần sử dụng. Nhưng bây giờ mỗi ngày chúng tôi chỉ được sử dụng một khẩu trang, cho tới khi hết số khẩu trang dự trữ”, Gual cho biết.

“Hôm qua một đồng nghiệp từ bộ phận cấp cứu đã nói với tôi rằng họ đang bị quá tải, không có thiết bị, không có nguồn lực, không có nhân sự. Đồ bảo hộ y tế phải tái sử dụng và khử trùng, cho tới khi chúng bị thủng”, Gual nói thêm.

Theo SCMP, một số bác sĩ và y tá tại Tây Ban Nha được cho là phải tự “chế” đổ bảo hộ từ túi đựng rác.

Chạy đua chống dịch

15.000 nhân viên y tế mắc Covid-19, Tây Ban Nha gặp khó khăn chồng chất - 3

Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ bên ngoài lối vào khu cấp cứu của bệnh viện ở phía bắc Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP)

Để giảm bớt gánh nặng của lực lượng y tế Tây Ban Nha, những y bác sĩ nghỉ hưu cũng được kêu gọi quay trở lại làm việc. Ngoài ra, những sinh viên y khoa mới tốt nghiệp cũng được tuyển dụng để bù đắp sự thiếu hụt về nhân lực, trong đó có Candela Lebrero, người mới hoàn thành bằng y khoa năm ngoái và đang làm y tá tại một bệnh viện ở Madrid.

Thủ đô Madrid là nơi có số ca mắc Covid-19 cao nhất tại Tây Ban Nha với hơn 36.000 trường hợp. Các nhân viên y tế tại bệnh viện Madrid Principe de Asturias, nơi Lebrero làm việc, nằm trong số những người bị nhiễm bệnh.

Lebrero xác nhận những thông tin nói rằng bệnh viện quá tải bệnh nhân là có thật. Các phòng cấp cứu buộc phải chuyển bớt các ca bệnh nặng sang các khách sạn được chuyển đổi thành nơi chữa bệnh, trong khi các giường bệnh bổ sung được chuyển làm nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Các vấn đề tương tự cũng xảy ra trên khắp Tây Ban Nha. Tuần trước, Fernando Simon, điều phối viên về ứng phó khẩn cấp của Bộ Y tế Tây Ban Nha, đã thừa nhận những khó khăn mà các nhân viên y tế đang phải đối mặt trong việc tiếp cận với các thiết bị bảo hộ.

Ông Simon ngày 25/3 nói rằng số ca nhiễm tăng vọt trong đội ngũ nhân viên y tế xảy ra do nguồn cung vật tư y tế “khan hiếm và không sẵn có”. Đây là vấn đề không chỉ của riêng Tây Ban Nha.

“Chúng tôi đang tìm hướng giải quyết”, ông Simon nói.

Ngày 30/3, ông Simon, người dẫn đầu chiến dịch chống Covid-19 tại Tây Ban Nha, có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Bệnh nhân nằm la liệt trên sàn bệnh viện Tây Ban Nha

Mặc dù tình trạng thiếu hụt vật tư y tế là vấn đề toàn cầu, song Tây Ban Nha là nước bị ảnh hưởng nặng nề, sau khi hai nhà phân phối vật tư y tế lớn nhất của Tây Ban Nha, có trụ sở tại Pháp và Đức, bị chính phủ hai quốc gia này yêu cầu dừng xuất khẩu ra nước ngoài từ hồi đầu tháng 3, do lo sợ nguy cơ hết hàng dự trữ khi dịch bệnh bùng phát.

Quyết định trên của Pháp và Đức bị chỉ trích là đi ngược lại với tinh thần của Liên minh châu Âu. Theo đó, chính phủ Tây Ban Nha buộc phải chuyển hướng sang các biện pháp khác, bao gồm mua lô vật tư trị giá 432 triệu euro (467 triệu USD) từ Trung Quốc.

Hành lang hàng hóa đã được thiết lập để đẩy nhanh việc vận chuyển vật tư y tế. Các doanh nghiệp tại Tây Ban Nha cũng được huy động để nhanh chóng chuyển sang sản xuất vật tư y tế. Ngành công nghiệp ô tô chuyển sang sản xuất máy thở và gel vệ sinh, trong khi các công ty may mặc chuyển sang sản xuất đồ bảo hộ và khẩu trang. Hãng sản xuất đồ thể thao Decathlon thậm chí cải biến sản phẩm kính lặn thành kính bảo hộ và tặng cho các bệnh viện tại Tây Ban Nha.

Cuộc chạy đua để bù đắp phần thiếu hụt cho hệ thống y tế quá tải của Tây Ban Nha vẫn gặp phải một số vấn đề. Tuần trước, Tây Ban Nha phải thu hồi 58.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 do nước này mua từ Trung Quốc, sau khi phát hiện độ chính xác chỉ đạt 30%. Bắc Kinh sau đó nói rằng, các bộ xét nghiệm này chưa được cấp phép để bán và không nằm trong số vật tư được Trung Quốc gửi tới Tây Ban Nha.

Một số tổ chức y tế đã đệ đơn kiện ra tòa trong một nỗ lực nhằm đòi hỏi quyền được trang bị thiết bị bảo hộ. Một tòa án tại Madrid đã chấp nhận yêu cầu của một tổ chức gồm các bác sĩ rằng, chính quyền Tây Ban Nha phải cung cấp đủ trang thiết bị bảo hộ cho toàn bộ nhân viên y tế. Tuy nhiên, Tòa án tối cao đã bác yêu cầu này, khẳng định chính quyền đã làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình.

Thành Đạt

Theo Reuters, SCMP