1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

10 thành phố bị ô nhiễm nặng nhất thế giới

(Dân trí) - Một thành phố của Nga, nơi từng là xưởng sản xuất vũ khí hoá học dưới thời chiến tranh lạnh và một thị trấn ở vành đai khai thác đồng của Zambia là hai trong số 10 khu vực bị ô nhiễm nặng nhất thế giới. Đây là kết quả khảo sát của một tổ chức môi trường ở Mỹ mới công bố hôm qua.

Đó là tổ chức phi lợi nhuận Viện Blacksmith có trụ sở ở New York. Tổ chức này cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường đã khiến 1 tỷ người trên thế giới mắc bệnh. Cụ thể, theo giám đốc của Viện Blacksmith Richard Fuller thì 20% số người chết ở các nước phát triển là do các nguyên nhân liên quan đến môi trường. Độc tố có trong môi trường ở những thành phố, thị trấn này đã khiến người dân bị nhiễm độc, bị ung thư, vị viêm phổi, và gây ra hàng loạt các vấn đề về thần kinh cho trẻ nhỏ. "Tồi tệ nhất là nó gây tổn hại đến sự phát triển của trẻ nhỏ…, dẫn đến tổn hại cho cả tương lai của những nước đó." - Richard Fuller cho biết.

 

Tại thành phố Dzerzhinsk, Nga, nơi trước kia trong thời kỳ Chiến tranh lạnh là trung tâm sản xuất vũ khí hoá học, tuổi thọ bình quân của người dân chỉ đạt 42 đối với nam và 47 đối với nữ.

 

Theo Blacksmith, các chất hoá học dùng để sản xuất vũ khí được chôn cùng tầng nước với tầng nước sinh hoạt của người dân.

 

Tổ chức trên đã nghiên cứu tổng cộng 300 khu vực. Tuy nhiên, những khu vực này không được xếp hạng vì một số nước đang phát triển không có chỉ số y tế. Song, rất nhiều thành phố công nghiệp sản xuất, khai thác than cũng có trong danh sách này.

 

Tại Kabwe, một trong 6 thị trấn nằm ở vành đai khai thác đồng của Zambia, đất ở đây bị ô nhiễm kim loại nặng ở mức lớn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới. Lượng chì trung bình trong máu trẻ em ở đây lớn gấp 5-10 lần mức cho phép ở Mỹ.

 

Và nhờ Luật định về nước sạch, không khí sạch mà không một khu vực nào ở Mỹ có trong danh sách top 10 nơi bị ô nhiễm nặng nhất. Chính vì vậy mà cách tốt nhất để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các nước đang phát triển là thông qua sự đóng góp và đào tạo của các tổ chức quốc tế. Và làm sạch môi trường mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng cần phải có thời gian.

 

Trang Thu

Theo AP