Mang Tết về cho mẹ đừng chỉ "mang tiền về cho mẹ"

Hoàng Anh Tú

(Dân trí) - Câu chuyện Tết có về quê hay không năm nào cũng rôm rả. Nhiều bạn trẻ than về quê phải nghe những câu hỏi vô duyên của người ở quê... nên năm nay, mượn cớ Covid, nhiều bạn trẻ chọn ở lại thành phố.

Cô bạn tôi khoe trên Facebook một status ăn theo trend "Mang Tiền Về Cho Mẹ" là số tiền 400 triệu chuyển khoản tặng mẹ cùng một lời chúc thiết tha và cảm động.

Cô khiến tôi cũng như nhiều bạn bè của cô cảm thấy… xấu hổ. Vì chúng tôi đều chưa đứa nào có thể biếu Tết mẹ số tiền khủng như thế. Đúng là đại gia.

Chỉ có đại gia thì trong mùa Covid thế này khi chúng tôi ai nấy đều quẩn quanh Hà Nội thì cô ấy có thể đi du lịch nước ngoài từ 26 Tết và sẽ chỉ về Hà Nội khi mọi người bắt đầu đi làm.

Mang Tết về cho mẹ đừng chỉ mang tiền về cho mẹ - 1

Tết đang đến rất gần. (Ảnh: Hữu Nghị).

Chúng tôi ai nấy đều ngưỡng mộ và xuýt xoa với cô. Hẳn mẹ cô là người mẹ hạnh phúc nhất. Cho đến khi tôi đọc được bình luận của mẹ cô bên dưới: "Ok con gái yêu! Chúc con đi chơi vui vẻ và an toàn". Hình như có điều gì đó nghèn nghẹn. Không, là tôi cả nghĩ vậy thôi!

Mấy hôm trước, cũng trên mạng xã hội, cuộc tranh cãi bất tận về việc "Ai ở đâu ở yên đấy là yêu nước".

Nhiều tỉnh thành kêu gọi người dân hạn chế về quê ăn Tết để tránh làm bùng phát dịch. Nhất là Hà Nội mỗi ngày hơn 2.000 ca nhiễm mới. Nhiều bạn trẻ đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội ủng hộ việc không về quê ăn Tết là cách tặng quà Tết an toàn cho gia đình mình dưới quê.

Người thì nói: Mẹ tôi bị tiểu đường, nếu lỡ tôi về mang virus cho mẹ thì mất Tết. Ai mà biết mình có thể là F0 thể nhẹ, không triệu chứng.

Mang Tết về cho mẹ đừng chỉ mang tiền về cho mẹ - 2

Mang Tết Về Cho Mẹ. đừng (chỉ) mang tiền về cho Mẹ. (Ảnh: Hữu Nghị).

Câu chuyện Tết có về quê hay không năm nào cũng rôm rả. Nhiều bạn trẻ than rằng về quê lại phải nghe đủ những câu hỏi vô duyên của người quê như "Bao giờ lấy chồng?" "Bao giờ sinh con?" "Bao giờ sinh thêm?"… Nên năm nay, mượn cớ Covid, nhiều bạn trẻ chọn ở lại thành phố.

Tôi chẳng có quê. Họ hàng đều ở Hà Nội hết nên ý nghĩa của việc Tết về quê là điều tôi chẳng bao giờ hiểu được. Nhưng ngay cả khi bố mẹ ở Hà Nội, hình như đã lâu lắm rồi tôi không đón giao thừa với gia đình. Hồi trẻ trâu thì đó là những cô bạn gái cùng nhau đón giao thừa ngắm pháo hoa, đến khi có gia đình rồi thì là gia đình nhỏ của mình.

Ý nghĩa của giao thừa quây quần chắc chỉ còn trong ký ức mơ hồ của 20-30 năm về trước, thuở còn phụ thuộc vào cha mẹ, chưa tự quyết được cho bản thân. Nên nhìn 3 đứa trẻ nhà mình, tôi biết, rồi chúng cũng sẽ như tôi, giao thừa là của bạn bè, người yêu và sau này là gia đình nhỏ của chúng…

Nhưng năm nay thật khác. Năm nay Covid. Chúng ta sẽ chỉ được ngắm pháo hoa từ xa, qua tivi, xem livestream. Nhưng năm nay thật khác, khi hôm trước đọc báo thấy PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội (Viện Social Life) nói: "Vận động đừng về quê ăn Tết là vô cảm với người xa quê". Nhưng năm nay thật khác, khi chúng ta vừa trải qua một biến cố lớn trong đời từ việc chứng kiến hơn 3 vạn người chết vì Covid. Đau đớn là hơn 3 vạn cuộc ra đi không người thân đưa tiễn. Năm nay thật khác, năm nay chúng ta đã trưởng thành sau những đớn đau đó.

Mang Tết Về Cho Mẹ. Đừng (chỉ) mang tiền về cho Mẹ. Tôi nghĩ thế. Đừng chỉ mang tiếng ting ting về cho mẹ.

Bằng một cái ôm sâu dành cho mẹ khi năm tháng đã hao gầy nơi tuổi mẹ. Bằng giao thừa quây quần bên mẹ chứ không phải trên phố. Mang Tết về cho mẹ đừng sợ con virus. Mang Tết về cho mẹ là mang những lấp lánh trên mắt mẹ khi nhìn trực tiếp chúng ta thay vì qua màn hình điện thoại.

Mang Tết về cho mẹ đừng ngại nữa những câu hỏi vô duyên của hàng xóm. Có những câu hỏi chỉ nên được trả lời bằng nụ cười và lời chúc chân thành. Bởi biết không, nhiều người hàng xóm chỉ hỏi vì họ không biết nói gì chứ không phải hỏi để nghe câu trả lời. Du lịch quanh năm đâu cứ phải vào dịp Tết?

Tết. Phải chăng đó là thời khắc chúng ta ai nấy cũng trở nên "cũ kỹ" bởi những hoài niệm xưa? Lâu rồi chúng ta quên chơi một ván bài Tam Cúc, một ván Cá Ngựa hay Ô Ăn Quan rồi nhỉ?

Bánh Chưng bán ngoài kia cải tiến đến đâu thì tiếng tí tách của bếp củi đun nồi bánh chưng vẫn thiết tha và ấm áp đến thế. Mang Tết về cho mẹ để có một cái Tết thật Tết cho mình. Tại sao không? Tết này ta cũ kỹ đi một lần được không?