Đào La Cả nở muộn, cả cánh đồng Kiến Hưng đỏ rực như Tết

Đào La Cả bừng thức giấc sau dịp ngủ đông khiến cả cánh đồng Kiến Hưng rực đỏ. "Một năm ăn quả, một năm trả cành" bắt đầu!

Những ngày sau Tết, cánh đồng đào La Cả tại khu đất rộng hàng chục ngàn m2 của phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) cùng lúc đỏ rực. Đây là những ruộng đào nở muộn, người dân giữ lại chờ bán dịp Rằm tháng Giêng.

Lão nông Nguyễn Trung Hậu, người có kinh nghiệm trồng đào gần 30 năm cho biết: dịp Tết vừa qua, người trồng đào La Cả trúng vụ. Đào được giá, bán nhanh, hầu hết các gia đình đều bán hết vườn.

Đào La Cả nở muộn, cả cánh đồng Kiến Hưng đỏ rực như Tết - 1

Ông Nguyễn Trung Hậu, chủ 1,6 mẫu ruộng trồng đào La Cả bắt tay vào vụ trồng mới

"Trong gần 30 năm trồng đào, chưa năm nào tôi thấy bán đào thích như dịp vừa qua" - ông Hậu hồ hởi.

Theo ông, dịp trước Tết, đào La Cả bán được nhiều bởi lý do, nhiều vùng đào ngoại tỉnh do ảnh hưởng dịch bệnh, người buôn đào tâm lý e ngại chợ hoa không được mở; quy định không tụ tập đông người để phòng chống dịch bệnh… khiến đào, quất của các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định… về Hà Nội ít hơn các năm trước.

Ngoài ra, một năm đóng cửa chống dịch, tâm lý chung của người dân, đó là gia đình nào cũng cố gắng sắm một cây hoa về chơi Tết với mong muốn một năm mới khởi sắc, nhiều may mắn hơn.

"Hoa đào là thú chơi truyền thống của cha ông được phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Ngoài Bắc mình, bà con có thói quen chơi hoa đào. Tôi nghĩ, ngoài biểu tượng cho mùa xuân, nó còn là cây phong thủy trong gia đình, mang lại may mắn, xua đi những điều phiền muộn" - ông Hậu lý giải.

Đào La Cả có lịch sử hàng trăm năm qua, bắt nguồn từ hai vùng đào nổi tiếng của Thủ đô là đào Nhật Tân và Phú Thượng. Do ảnh hưởng của đô thị hóa, những cánh đồng đào La Cả ngày càng co cụm về diện tích để nhường đất cho dự án, khu đô thị…

"Dương Nội hết đất, những người gắn bó với cây đào qua bao thế hệ như chúng tôi đi thuê đất của các xã khác để trồng đào. Dù đào không ở La Cả, nhưng cách làm, kỹ thuật trồng đào của người dân La Cả vẫn được truyền giữ, không sợ mất nghề".

Đào La Cả nở muộn, cả cánh đồng Kiến Hưng đỏ rực như Tết - 2

Đào La Cả nở muộn, cả cánh đồng Kiến Hưng đỏ rực

Theo ông Hậu, hiện tại, thương hiệu "đào La Cả" đang được truyền giữ bởi 250 hộ dân trồng đào. Để có đất canh tác, các hộ dân này đi thuê đất nông nghiệp của các xã phường lân cận, như Kiến Hưng, La Khê, Trung Văn, Tây Mỗ, Vân Canh… với tổng diện tích trồng đào lên tới 450 mẫu.

Tại phường Kiến Hưng, 15 hộ trồng đào như gia đình ông Hậu thuê 23 mẫu ruộng Bắc Bộ gần chục năm qua. Giá thuê ruộng, một sào 2 triệu đồng/năm.

"Mồ hôi, công sức bỏ xuống cũng nhiều, nhưng nếu thời tiết thuận lợi, mua may bán đắt, mỗi năm người trồng đào thu tiền tỷ cũng không khó" - ông Hậu cho biết.

Dịp Tết vừa qua, giá bán trung bình một cây đào tại vườn của gia đình ông Hậu giao động từ 500 - 1 triệu đồng/cây. Những cây thế, cây đẹp, giá bán cao hơn từ 3 - 7 triệu đồng.

Những cây "chủ lực" của vườn, người trồng đào không bán mà cho thuê, hết Tết lại mang về, cắt tỉa, đảo đất trồng lại, quay vòng một chu kỳ mới.

"Năm ăn quả, năm trả cành"

Gắn bó với cây đào La Cả từ năm 1993, gần 30 năm kinh nghiệm, ông Hậu tiết lộ những thông tin chưa từng biết để cây ra hoa trúng vụ, mặt hoa đẹp nhất.

Ngoài tuốt lá cho cây vào dịp tháng 11 âm lịch (trước Tết hơn một tháng), người trồng đào còn phải biết ủ cây. Nếu thời tiết năm đó lạnh kéo dài, cây bật nụ chậm thì phải kích để cây ra nụ, cuối năm mới dầy hoa. Nếu thời tiết nắng ấm, lại cần hãm cây lại…

"Nước là yếu tố quan trọng nhất đối với tất cả các loại cây trồng, không riêng gì đào. Chúng tôi dùng nước điều chỉnh kích hay hãm cây để cây đào ra hoa theo ý muốn. Ngoài ra, mỗi một nhà vườn có một bí quyết riêng".

Hơn chục năm gần đây, đào rừng đổ bộ xuống Hà Nội tạo nên một trào lưu mới: ghép mắt đào ta với thân cây đào rừng.

"Cây đào rừng khỏe, thân to, nếu ở trên rừng nó có tuổi thọ lên tới ba bốn chục năm. Tuy nhiên, khi bứng về xuôi, người ta cắt bỏ hết rễ để tiện vận chuyển, chỉ giữ lại khoảng chục cm rễ.

Cây quan trọng nhất là bộ gọng, bộ bệ rễ. Vì bứng sâu, chặt đau như thế, tuổi thọ của gốc đào rừng khi về xuôi chỉ được vài ba năm, cây tự thối từ rễ lên thân và mục chết.

Đào La Cả nở muộn, cả cánh đồng Kiến Hưng đỏ rực như Tết - 3

Cây đào thế năm 2021 ông Hậu cho thuê với số tiền 7 triệu đồng, năm nay "nghỉ" một năm theo đúng cách "một năm ăn quả, một năm trả cành"

Nếu người trồng tham, ép cây năm nào cũng ra hoa để thu lợi thì cây càng nhanh hỏng. "Một năm ăn quả, một năm trả cành" là vì như thế".

Lý giải tỉ mẩn, ông Hậu cho biết, năm nay khai thác hoa của cây thì năm sau phải "thả" một năm để cho cây khỏe, hồi trở lại. Năm tiếp theo mới tiếp tục khai thác. 

Trỏ tay chỉ cây đào rừng đang trụi lủi đứng ở dưới ruộng, ông Hậu vui vẻ: "Cây này Tết năm 2021 tôi "ăn" tiền cho thuê cây là 7 triệu đồng, năm vừa giờ (Tết 2022) tôi "nghỉ ăn" để cho cây khỏe, dưỡng cây".

Đào La Cả nở muộn, cả cánh đồng Kiến Hưng đỏ rực như Tết - 4

Ông Hậu chuẩn bị cho lứa đào năm tới

Chưa hết, ông Hậu tiếp lời: :Vì là hàng hoa, cây đánh lên, trồng xuống theo mùa, không cố định nên đất nuôi cây phải thay liên tục. Mỗi một lần nhấc cây đi bán, ra Tết trồng lại, chúng tôi phải thay một lần đất mới, trung bình 1 gốc cây là 5 xe rùa đất, như vậy cây mới sung được".

Chỉ tay vào cánh đồng đào rộng mênh mông đang đỏ rực, ông Hậu cho biết, đó là những cánh đào nở muộn, trước Tết đào "câm", sau Tết mới bật nụ. Lứa đào ấy, bán vào dịp Rằm tháng Giêng cũng vừa cữ, không lo cây ế.

"Nhiều ruộng đào bà con giữ lại cho khỏe cây chứ không phải do cây không có người mua. Hết Tết, trồng lại lứa mới, thay đất, cắt bỏ hết những tay cành gọng, giữ lại thân chính chờ lượt dăm cành mùa mới, hay ghép mắt đào ta vào đào rừng. Việc nhà nông bộn bề, kể ra cả ngày không hết" - ông Hậu cười khà khà rồi xòe bật lửa, rít điếu thuốc lào một hơi tụt nõ bên cánh đồng đào La Cả trồng trên đất thuê tại phường hàng xóm Kiến Hưng.

Theo vietnamnet.vn