Báo Mỹ viết về những người "thổi hồn" và gìn giữ nghề làm tranh Đông Hồ

Huy Hoàng

(Dân trí) - Mới đây, tờ Insider (Mỹ) đã có bài phóng sự về một trong hai gia đình cuối cùng còn gìn giữ và làm tranh Đông Hồ ở Việt Nam.

Với lời tựa "Làm thế nào một gia đình gìn giữ nghề tranh truyền thống suốt một thế kỷ", clip phóng sự của tờ Insider hiện thu hút hơn 100.000 lượt xem.

Báo Mỹ viết về người "thổi hồn" và gìn giữ nghề làm tranh Đông Hồ

Bài báo giới thiệu, Đông Hồ là tranh dân gian truyền thống được in ấn thủ công và dùng những nguyên liệu tự nhiên. Nhờ những bản khắc gỗ giúp con người có thể tạo ra các bức tranh từ hàng trăm năm trước.

Theo phong tục truyền thống trước kia, vào dịp Tết cổ truyền, các gia đình đều có thói quen mua tranh mới về trưng khắp nhà. Nhưng các cuộc chiến tranh gần như "giết chết" nghề làm tranh Đông Hồ vào khoảng những năm 1940 của thế kỷ trước. Mặc dù vậy, tại sao nghề này vẫn được gìn giữ và lưu truyền cho tới ngày nay?

Báo Mỹ viết về những người thổi hồn và gìn giữ nghề làm tranh Đông Hồ - 1
Cận cảnh một bản khắc bằng gỗ (Ảnh cắt từ clip).

Dòng họ Nguyễn Hữu là những người cuối cùng còn làm tranh truyền thống ở làng Đông Hồ. Ông Nguyễn Hữu Quả học từ cha mình, hiện đang truyền nghề cho con trai. Họ cùng nhau lưu giữ những cái cũ, sáng tạo nên cái mới. Và tất cả đều được làm thủ công.

"Tranh Đông Hồ là sự kết hợp giữa lao động thủ công và mỹ thuật", nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả nhận định.

Những thiết kế mẫu đều tốn thời gian, thậm chí mất cả tuần để hoàn thiện. Sau khi bản khắc gỗ hoàn thành, vợ nghệ nhân Quả sẽ quét màu lên tấm gỗ. Màu vàng như trong hình ảnh được làm từ hoa hòe. Bà thấm đẫm màu lên bản khắc gỗ, sắp chuẩn các góc để in màu chính xác lên tranh. Những người thợ có thể ngồi in như vậy 200 bản liên tục. Trước kia, đây là phương pháp in cần thiết để đáp ứng nhu cầu cao.

"Ngày xưa, các cụ thường treo tranh theo năm, mỗi năm lại mua mới để trưng một lần. Vào dịp Tết, các cụ lại mua tranh mới về dán, sau Tết lại bỏ đi", nghệ nhân chia sẻ.

Báo Mỹ viết về những người thổi hồn và gìn giữ nghề làm tranh Đông Hồ - 2
Một trong những quy trình làm tranh (Ảnh cắt từ clip).

Mỗi tranh dùng tới 5 bản khắc gỗ khác nhau, trong đó, mỗi bản lại thiết kế và màu khác để in tạo thành tranh. Người xưa thường lấy nguyên liệu tự nhiên để tạo màu như đỏ, vàng, xanh.

"Các cụ ngày xưa làm như vậy vì giá rẻ, còn ngày nay, nó có giá trị về môi trường cũng như văn hóa. Không những thế, nó tạo ra hồn cốt cho dòng tranh Đông Hồ, cũng là linh hồn của dân tộc", ông Quả khẳng định.

Màu đen được in sau cùng, dùng cho các chi tiết của tranh. Đôi khi, ông Quả in chi tiết tranh rồi tô màu bằng tay. Nhưng ông không coi đó là tranh Đông Hồ bởi không dùng màu truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Oanh cũng vậy. Bà vốn là một nghệ nhân làng tranh rất được nể trọng. "Từ trên rừng xuống biển, đồi núi thiên nhiên mới tạo nên bức tranh Đông Hồ", bà nói.

Theo chia sẻ của bà Oanh, bà đã theo nghề làm tranh từ năm 15 tuổi. Hiện bà là phụ nữ duy nhất trong làng được vinh dự nhận danh hiệu "Nghệ nhân làng nghề Việt Nam". Danh hiệu này thường được trao tặng cho các nghệ nhân nam cao tuổi. Bà Oanh hiện đang mở cửa hàng riêng bán sản phẩm của mình cùng chồng là ông Hoa, anh trai của ông Quả.

Báo Mỹ viết về những người thổi hồn và gìn giữ nghề làm tranh Đông Hồ - 3
Bức tranh "Chọi trâu".

Do khung giữ tranh lâu hơn nên người dân không còn thói quen bỏ tranh sau mỗi dịp Tết. Văn hóa phương Tây cũng ảnh hưởng không ít tới lối chơi tranh dân gian. Ngày nay, chúng không được treo nhiều trong các ngôi nhà hiện đại nữa. Do nhu cầu thị trường giảm nên nhiều người chuyển qua làm các sản phẩm có lợi nhuận hơn.

"Không có nghề nào nhàn hạ, nhưng nghề này vất vả nhất. Cái cũ vẫn giữ, nhưng phải thêm cả nét mới. Làm nghề mà không phát triển thì sao tồn tại được. Đây là bức tranh 'Vinh quy bái tổ' của các cụ ngày xưa, còn đây là bản tôi mới sáng tác. Nhưng sáng tạo vẫn phải giữ bản sắc cha ông để lại", bà Oanh chia sẻ.

Báo Mỹ viết về những người thổi hồn và gìn giữ nghề làm tranh Đông Hồ - 4

Bức tranh "Đám cưới chuột".

Sau chiến tranh, làng tranh Đông Hồ từng "sống lại" một thời gian, nhưng quá trình hiện đại hóa khiến việc kinh doanh chững lại. Vào những năm của thập niên 1990, công việc ở đây ngưng trệ. Gia đình ông Quả phải bán thêm tranh tô màu và lịch Đông Hồ. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới doanh thu gia đình ông Quả, khiến thu nhập giảm tới 40% so với trước kia.

Một nghệ nhân hiện thu nhập khoảng 130 USD/tháng, ít hơn thu nhập bình quân khoảng 100 USD. Vì điều này, ông Quả lo ngại con cháu mình khó lòng trụ lại với nghề. Tuy vậy, khó khăn không làm gia đình ông chùn lòng, vẫn quyết tâm giữ nghề.

"Chắc chắn chỉ khi mình mất đi mới rời khỏi nghề này thôi. Tranh Đông Hồ với tôi là cuộc sống hàng ngày, là sinh hoạt văn hóa trong gia đình", nghệ nhân Quả khẳng định.

Tranh Đông Hồ hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đồng Hồ. Đây vốn là một dòng tranh dân gian của Việt Nam, xuất xứ từ làng Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước kia, tranh được bán ra chủ yếu phục vụ dịp Tết nguyên đán để người dân mua về dán tường.

Tranh Đông Hồ vốn rất gần gũi với cuộc sống người Việt, từng đi vào văn thơ. Ngày nay, tập tục mua tranh treo ngày tết đã bị mai một, làng làm tranh cũng thay đổi rất nhiều. Trước đó, nghề tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm