Chàng rể Ấn Độ và ấn tượng Tết cổ truyền Việt Nam

Hoàng Lam

(Dân trí) - Anurag Sharma không ăn bánh chưng nhưng đặc biệt nghiện món gà nướng than củi của bố vợ. Chàng rể Ấn Độ đặc biệt ấn tượng với phong tục lì xì đầu năm mới của đất nước Việt Nam.

Năm 2015, chàng trai Anurag Sharma, còn được gọi với cái tên Monu rời thành phố Jharkhand (Ấn Độ) đến Việt Nam với ước mơ có thể truyền bá bộ môn Yoga.

Quyết định đến Việt Nam đối với Anurag còn bởi, ở đất nước này, anh dễ dàng tìm kiếm một công việc ổn định gắn với niềm đam mê bộ môn có lịch sử 1.000 năm của dân tộc của mình.

Chàng rể Ấn Độ và ấn tượng Tết cổ truyền Việt Nam - 1

Chàng trai Ấn Độ Anurag bên gia đình nhỏ của mình (Ảnh: Hoàng Lam).

Chọn Việt Nam là điểm đến trong hành trình chinh phục cuộc sống, chính Anurag không ngờ rằng, mình sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất này. "Hồi ấy tôi theo một người bạn đến Việt Nam, từ sân bay đi thẳng vào Nghệ An, chưa kịp ngắm nghía Hà Nội. Đặt chân đến thành phố Vinh, tôi thực sự choáng ngợp bởi những tòa nhà cao tầng, phố xá đông vui nhộn nhịp", Anurag nhớ lại.

Bén duyên và định cư tại thành phố Vinh, đối với Anurag là định mệnh, bởi ở đây, chàng trai này tìm được một nửa mảnh ghép hoàn hảo của mình với 2 đứa con xinh xắn. "Mình bây giờ một nửa là người Nghệ rồi", chàng trai Ấn Độ nở nụ cười, phát âm chuẩn giọng "Nghệ ngữ".

Chàng rể Ấn Độ và ấn tượng Tết cổ truyền Việt Nam - 2

Hiện Anurag là huấn luyện viên môn Yoga tại một trung tâm thể hình ở Nghệ An (Ảnh: B.N).

Thời điểm ấy, ngôn ngữ giao tiếp của Anurag là tiếng Anh, vốn không quá phổ biến ở thành phố này. Cuộc sống của một thanh niên ngoại quốc đến đây mưu sinh thật không phải dễ dàng như Anurag tưởng tượng. Cậu bắt đầu với cuộc sống thuê trọ ở một khu nhà gần trung tâm thành phố và xin được công việc đúng sở trường tại một sơ sở thể hình.

Lúc đầu, Anurag ngạc nhiên khi các học viên không gọi mình là huấn luyện viên mà lại gọi là thầy. Sau này, khi đã sống đủ lâu và hiểu tính cách của người Việt, chàng trai này lại tự hào mỗi khi được gọi là thầy.

Suốt từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 xảy ra, phòng tập nhiều lần bị đóng cửa dừng hoạt động, Anurag chủ yếu dạy Yoga trực tuyến với các học viên. "Thỉnh thoảng, vào các dịp lễ, nhất là Ngày nhà giáo, các bạn học viên lại gửi quà, hoa tới tận nhà. Các bạn Việt Nam sống rất tình cảm", Anurag nhận xét.

Chàng rể Ấn Độ và ấn tượng Tết cổ truyền Việt Nam - 3

Chọn Việt Nam để dừng chân nhưng làm rể Việt là điều Anurag chưa nghĩ tới cho đến khi gặp cô gái mạnh mẽ nhưng không kém phần dịu dàng người Nghệ An này (Ảnh: B.N).

Cũng chính công việc này đã giúp Anurag tìm được người bạn đời, một cô gái mạnh mẽ và yêu thích thể thao, quê Thanh Chương. Làm rể Việt Nam là điều Anurag chưa từng nghĩ tới nhưng với chàng trai Ấn Độ này, đó là một niềm hạnh phúc với những tình cảm khó có thể diễn đạt được.

Cũng bởi yêu và quyết tâm gắn bó với Nguyễn Thị Bé Ngân, Anurag quyết tâm học tiếng Việt để thuyết phục bố mẹ vợ tương lai.

4 năm, với sự giúp đỡ của Ngân, Anurag nói tiếng Nghệ tương đối chuẩn và sử dụng "mô, tê, răng, rứa" như người bản địa. Sự cố gắng này cũng đã giúp anh chinh phục bố mẹ vợ - những người sinh sống ở vùng quê, vốn khá khắt khe trong quan niệm hôn nhân, đặc biệt là với người nước ngoài.

Chàng rể Ấn Độ và ấn tượng Tết cổ truyền Việt Nam - 4

Dịp Tết Nguyên đán cổ truyền Việt Nam, Anurag cùng gia đình về Thanh Chương đón Tết với bố mẹ vợ (Ảnh: B.N).

Năm 2018, sau đám cưới theo đúng nghi thức truyền thống ở quê nhà Ấn Độ, Anurag theo vợ về Nghệ An ở rể. Công việc, rồi dịch bệnh Covid-19 khiến Anurag không thể về quê, bởi vậy, nhiều năm nay Anurag đón Tết với gia đình vợ.

"Monu theo đạo Hồi nên không ăn thịt bò, thịt lợn, cũng không quen ăn nếp nên không ăn món bánh chưng của Việt Nam", Bé Ngân tiết lộ.

Mặc dù không thể thưởng thức món bánh chưng nhưng Tết cổ truyền Việt Nam có ấn tượng đặc biệt đối với chàng rể ngoại quốc này.

Chàng rể Ấn Độ và ấn tượng Tết cổ truyền Việt Nam - 5

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, Anurag không thể về Ấn Độ thăm gia đình. Việc liên lạc để tăng sự kết nối giữa các thành viên được thực hiện qua cuộc gọi facetime (Ảnh: Hoàng Lam).

"Ở Ấn Độ và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về văn hóa, đặc biệt là văn hóa coi trọng gia đình. Ngày Tết, người Ấn Độ sẽ đi đến từng nhà người thân để chúc mừng, tặng quà, giống như người Việt Nam lì xì vào năm mới đó. Nhưng ở Ấn Độ là người nhỏ mừng tuổi người lớn thôi, còn ở đây, ai cũng được nhận lì xì hết. Bố mẹ lì xì con cháu, con cái lì xì bố mẹ, ông bà, mỗi lì xì sẽ có một ý nghĩa riêng nhưng đều là những điều tốt đẹp cầu chúc cho nhau", Anurag "đúc kết".

Tết, Anurag cùng vợ và hai con nhỏ về Thanh Chương, cùng bố mẹ và các anh chị em chuẩn bị trang hoàng nhà cửa đón năm mới. Bố mẹ vợ đặc biệt chuẩn bị món ăn phù hợp với chàng rể theo đạo Hồi, tất nhiên không thể thiếu món gà nướng khoái khẩu.

"Món gà nướng bố vợ làm là tuyệt nhất. Bố tẩm ướp gia vị, nướng trên bếp than củi, nhà nhà quây quần bên bếp lửa, ấm áp và bình yên lắm", chàng rể ngoại quốc chia sẻ.

Yêu gia đình, yêu quê hương Ấn Độ, yêu Việt Nam,  yêu cả Tết Việt, bởi ở đó, anh nhìn thấy rõ nhất tình cảm yêu thương ấm áp, chân thành của mọi người dành cho nhau và dành cho anh.