1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Xóm Nhà phao Báo Dân trí: Người dân chất gạo chuẩn bị đối phó mưa lũ

Tiến Thành

(Dân trí) - Đầu mùa mưa, chúng tôi trở lại vùng "rốn lũ" huyện Minh Hóa, Quảng Bình, người dân đang hối hả chất từng bao gạo, bao thóc... lên những ngôi nhà phao cứu sinh chuẩn bị đối mặt với mùa mưa lũ năm nay.

Chạy lũ chỉ còn là quá khứ 

Đó là câu chuyện của rất nhiều hộ dân tại 2 xã vùng "rốn lũ" Minh Hóa và Tân Hóa của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Với cụ Trương Thị Báu, ở thôn 3, xã Minh Hóa, hằng năm cứ đến tháng 9, tháng 10, vợ chồng cụ lại nơm nớp lo sợ, hễ trời mưa lớn, kéo dài, cụ Báu phải gọi con cái về đưa bố mẹ đi tránh lũ, tìm chỗ cao gửi lúa gạo và số ít đồ dùng có giá trị.

Xóm Nhà phao Báo Dân trí: Người dân chất gạo chuẩn bị đối phó mưa lũ - 1

Nhà phao do bạn đọc Dân trí xây dựng tại xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa (Ảnh: Tiến Thành).

Vợ chồng cụ Báu năm nay đã ngoài 80 và sinh sống ở vùng "rốn lũ" này hơn 50 năm. Tuổi cao sức yếu, chồng cụ Báu lại bị đau chân phải ngồi xe lăn suốt mấy năm qua. Do vậy, với cụ Báu lũ luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Mùa mưa lũ năm nay, vợ chồng cụ Báu đã có thể thở phào và yên tâm hơn rất nhiều khi có thêm căn nhà phao đầy ý nghĩa do bạn đọc Báo Dân trí dành tặng. Cụ Báu là một trong số 50 hộ dân tại huyện Minh Hóa được bạn đọc Báo Dân trí hỗ trợ xây dựng nhà phao.

"Lúa gạo, quần áo tôi để trong nhà phao hết, cần thì mở cửa lấy, nếu mưa lũ thì 2 vợ chồng già chúng tôi lên đó ở luôn cho an toàn chứ chẳng phải lo lắng chạy lũ như mọi năm nữa, đồ đạc cũng đều có sẵn trong nhà phao cả rồi", cụ Báu chia sẻ.

Xóm Nhà phao Báo Dân trí: Người dân chất gạo chuẩn bị đối phó mưa lũ - 2

Cụ Trương Thị Báu trong căn nhà phao do bạn đọc Dân trí dành tặng (Ảnh: Tiến Thành).

Xóm Nhà phao Báo Dân trí: Người dân chất gạo chuẩn bị đối phó mưa lũ - 3

"Có nhà phao an toàn rồi, chẳng phải lo lắng chạy lũ như mọi năm nữa", cụ Báu chia sẻ (Ảnh: Tiến Thành).

Còn với ông Trương Minh Quý (SN 1964), trú xã Minh Hóa, những năm trước đây, cứ trước mùa mưa lũ là ông lại phải dùng xe bò, kéo lúa gạo và một số đồ dùng dễ hư hỏng đi gửi ở nơi cao hơn, hết mưa lũ lại đi lấy về.

Mưa lớn kéo dài thì cả gia đình thấp thỏm không dám ngủ, nước lên thì dắt nhau chạy lũ, gian nan vô cùng. Từ ngày mơ ước có căn nhà phao trở thành hiện thực, vợ chồng ông Quý đã bớt đi một nỗi lo lớn khi tính mạng, tài sản đều được đảm bảo.

Xóm Nhà phao Báo Dân trí: Người dân chất gạo chuẩn bị đối phó mưa lũ - 4

Lúa gạo, đồ dùng trong nhà được ông Trương Minh Quý chuyển lên nhà phao để đảm bảo an toàn, phòng khi lũ về (Ảnh: Tiến Thành). 

"Ở đây gần như năm nào cũng có lũ, nước lên thì nhanh còn rút thì chậm, nhiều lúc lũ về trong đêm trở tay không kịp, bao tài sản cứ thế bị cuốn đi mất. Giờ có nhà phao thì không còn sợ và lo lắng nữa, cứ nghe đài báo mưa lớn hay lũ là đưa người và tài sản lên hết nhà phao, chạy lũ với gia đình tôi giờ là quá khứ rồi", ông Quý hóm hỉnh nói.

500 hộ dân đang khao khát nhà phao cứu sinh

Nhắc đến 2 xã Tân Hóa và Minh Hóa của huyện Minh Hóa là nói đến một vùng quê nghèo, là "rốn lũ" của tỉnh Quảng Bình. Những địa phương này nằm trong lòng chảo, bao quanh là núi đá, nơi được xem là "túi đựng nước", nên năm nào cũng vậy, hễ mưa to là lại ngập, có những năm lũ về ngập lút nóc nhà. Đặc biệt là trận lũ lịch sử vào tháng 10/2020 đã nhấn chìm 2 xã Tân Hóa và Minh Hóa.

Xóm Nhà phao Báo Dân trí: Người dân chất gạo chuẩn bị đối phó mưa lũ - 5

Hai xã Tân Hóa và Minh Hóa nằm trong lòng chảo, bao quanh là núi đá, nơi được xem là "túi đựng nước", nên năm nào cũng vậy, hễ mưa to là lại ngập (Ảnh: Tiến Thành).

Với xã Tân Hóa, nhiều năm qua, chính quyền địa phương và người dân cũng đã nỗ lực và cơ bản phủ kín nhà phao trên địa bàn. Riêng với xã Minh Hóa, vì điều kiện khó khăn, số lượng nhà phao tại xã nghèo này vẫn còn rất hạn chế.

Cùng với 50 căn nhà phao do bạn đọc Dân trí tài trợ xây dựng tại huyện Minh Hóa, thời gian quan, Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình cũng đã kết nối, kêu gọi nhiều nhà hảo tâm khác để nâng cao số lượng nhà phao cho người dân tại xã Minh Hóa của huyện này.

Xóm Nhà phao Báo Dân trí: Người dân chất gạo chuẩn bị đối phó mưa lũ - 6

Vùng "rốn lũ" của huyện Minh Hóa như biển nước trong trận lũ lịch sử vào năm 2020 (Ảnh: Tiến Thành).

Xóm Nhà phao Báo Dân trí: Người dân chất gạo chuẩn bị đối phó mưa lũ - 7

Có nhà phao, chuyện chạy lũ với gia đình ông Quý chỉ còn là quá khứ (Ảnh: Tiến Thành).

Những căn nhà phao đã được xây dựng không chỉ là phao cứu sinh với các hộ dân được tài trợ mà nó còn mang một ý nghĩa rất lớn và điểm tựa cho người dân trong vùng khi mưa lũ về.

Trước đây, khi nhà phao vẫn là điều xa xỉ với người dân Minh Hóa, cách duy nhất để đảm bảo an toàn tính mạng là chạy lũ. Thế nhưng giờ đây, với hàng trăm căn nhà phao đã được xây dựng là nơi tránh trú cho rất nhiều người dân.

"Với chúng tôi, những căn nhà phao này là nghĩa tình, là tình cảm của đồng bào cả nước hướng đến người dân vùng lũ. Nó không chỉ là nơi tránh trú của gia đình tôi. Nếu lũ về, tôi sẽ đón thêm nhiều người chưa có nhà phao khác đến tránh trú, cùng nhau vượt qua thiên tai, hoạn nạn", anh Trương Việt Hùng, trú xã Minh Hóa tâm sự.

Xóm Nhà phao Báo Dân trí: Người dân chất gạo chuẩn bị đối phó mưa lũ - 8

Nhà phao trên vùng đất lũ sẽ đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là các em nhỏ (Ảnh: Tiến Thành).

Xóm Nhà phao Báo Dân trí: Người dân chất gạo chuẩn bị đối phó mưa lũ - 9

Hai em học sinh Trương Gia Hưng và Trương Thị Bảo Ngọc đưa bớt sách vở chưa dùng lên nhà phao, tránh bị ướt khi có lũ (Ảnh: Tiến Thành).

Xóm Nhà phao Báo Dân trí: Người dân chất gạo chuẩn bị đối phó mưa lũ - 10

Những căn nhà phao sẽ giúp người dân Tân Hóa và Minh Hóa ứng phó với mưa lũ phức tạp (Ảnh: Tiến Thành).

Trao đổi với Dân trí, ông Trương Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Minh Hóa cho biết, đến nay, tại địa phương đã có hơn 180 căn nhà phao chống lũ cho người dân. Những căn nhà phao do bạn đọc Báo Dân trí và các nhà hảo tâm, tổ chức khác tài trợ xây dựng đã góp phần tích cực cho địa phương trong công tác ứng phó với thiên tai, lũ lụt.

"Cùng với Tân Hóa thì xã Minh Hóa chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc Dân trí cũng như rất nhiều tổ chức khác để xây dựng nhà phao chống lũ cho người dân. Tại xã chúng tôi, hiện có trên 500 hộ dân cần có nhà phao, bởi khi lũ đều ngập trên 1 m, do đó địa phương cũng rất mong muốn nhận được thêm thật nhiều sự hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức để tiếp tục xây dựng thêm thật nhiều căn nhà phao nữa", ông Minh bày tỏ. 

Công trình "Xóm nhà phao báo Dân trí" trị giá 1,5 tỷ đồng, do bạn đọc Báo Dân trí, các nhà hảo tâm chung tay đóng góp thông qua chương trình "Bạn đọc Dân trí chung tay ủng hộ miền Trung ruột thịt" trong đợt mưa lũ vừa qua đã hoàn thành. Công trình gồm 50 căn nhà phao chống lũ, trong đó xã Minh Hóa 35 căn nhà và xã Tân Hóa 15 căn nhà, được khởi công vào ngày 21/11/2020.

Xóm Nhà phao Báo Dân trí: Người dân chất gạo chuẩn bị đối phó mưa lũ - 11

Công trình "Xóm nhà phao Báo Dân trí", gồm 50 căn nhà trị giá 1,5 tỷ đồng, do bạn đọc Báo Dân trí, các nhà hảo tâm chung tay đóng góp xây dựng thông qua chương trình "Bạn đọc Dân trí chung tay ủng hộ miền Trung ruột thịt" (Ảnh: Tiến Thành).

50 căn nhà phao này đã chính thức hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 1/2021 trong niềm vui của hàng chục hộ dân vùng "rốn lũ" của huyện Minh Hóa. Đây là lần đầu tiên bạn đọc Báo Dân trí triển khai một công trình hướng tới nơi ở ổn định cho người dân vùng lũ.