Thầy trò gian nan tìm nước sạch xúc động đón nhận sự giúp đỡ của bạn đọc
(Dân trí) - Trước hàng trăm em học sinh, giáo viên, phóng viên Dân trí đã trao hơn 24 triệu đồng của bạn đọc giúp đỡ ngôi trường vùng biên giới khó khăn, đúng ngày chia tay thầy Hiệu trưởng đầy xúc động.
Vượt gần 200km, chúng tôi trở lại ngôi trường Tiểu học và Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp (xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum), khi những cơn mưa rừng, mát mẻ đã kịp xua tan cái cái nắng cháy da ở vùng biên giới.
Đây là ngôi trường vùng biên mà báo Dân trí đã có bài viết: “Thầy trò vùng biên gian nan tìm nước sạch”. Bài viết đã phản ánh cảnh giáo viên “cắm bản” phải đi đến từng nhà trong làng Le (xã Mo Rai) để xin nước sinh hoạt cho hàng trăm học sinh có nước sử dụng. Tất cả ao, hồ, sông, suối…các thầy cô đều tận dụng để mang về trường cho học sinh sử dụng, trong lúc đợi những cơn mưa đầu mùa về.
Trường Võ Nguyên Giáp là một ngôi trường vùng biên giới, điều kiện kinh tế và giao thông đi lại còn khó khăn. Đây cũng là ngôi trường mới thành lập được 5 năm nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Chính vì vậy, các giáo viên phải nhường các phòng để cho học sinh ngồi học. Trong lúc đó, Ban giáo hiệu, giáo viên không có phòng hiệu bộ, phòng làm việc và một phòng ngủ cho đàng hoàng.
Từ khi trường mới xây, thầy Võ Hoàng Sơn (Hiệu trưởng nhà trường) đã cùng các giáo viên khác đi huy động nhiều nguồn lực để làm mái che sân trường, làm cổng, nhà ăn, thư viện…
Xót học sinh mùa khô thiếu nước trầm trọng, thầy Sơn là người đã liên hệ đến báo Dân trí để mong quý báo làm cầu nối đưa nguyện vọng của toàn thể giáo viên, học sinh đến với bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm giúp đỡ có thêm các công trình phụ, giếng nước…
Sau khi bài viết đăng tải đã nhận được nhiều sự động viên, giúp đỡ gửi đến nhà trường. Thông qua báo Dân trí, bạn đọc trên cả nước đã hỗ trợ hơn 24 triệu đồng đến Trường TH và THCS Võ Nguyên Giáp.
Với sự chứng kiến của hàng trăm học sinh trung học cơ sở và giáo viên đang “cắm bản”, phóng viên báo Dân trí đã thay mặt bạn đọc trao đến nhà trường toàn bộ số tiền trên.
Đồng thời, đây cũng là buổi chia tay đầy nước mắt khi người thầy hiệu trưởng phải chia tay các học trò sau 5 năm gắn bó. Thầy Sơn tâm sự : “Các em học sinh “vùng khó” biết rằng xã hội đang rất trông đợi, gửi gắm rất nhiều vào thế hệ học sinh đang ngồi đây. Khi bài viết đăng tải, tôi cùng Ban Giám hiệu đã nhận rất nhiều lời động viên và giúp đỡ của bạn đọc trong cả nước.
Ngoài ra, nhiều nhà hảo tâm cũng hứa trong thời gian sắp tới sẽ sắp xếp thời gian để lên thăm những học sinh đang “tìm chữ” ở vùng biên giới xa xôi này. Đại diện, cán bộ, giáo viên và hàng trăm học sinh tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến báo Dân Trí và bạn đọc trên cả nước”.
“Từ khi ngôi trường mới xây dựng, tôi đã được điều động về phụ trách ở đây. Đối với tôi, là người giáo viên không chỉ có nhiệm vụ giảng dạy mà tôi cùng các giáo viên trong trường luôn trăn trở rất nhiều trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng các công trình phục vụ cho học sinh.
Thường xuyên đến các vùng khó khăn để tìm hiểu cuộc sống của phụ huynh, học sinh nhằm có những giúp đỡ kịp thời. Tôi sắp chuyển đi một ngôi trường khó khăn tiếp theo nhưng ngôi trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn để lại cho tôi những kỉ niệm khó quên.”, thầy Sơn bộc bạch.
Lời phát biểu của thầy vừa dứt, hàng trăm em học sinh đã chạy đến ôm lấy người thầy đã góp phần không nhỏ giúp các em đến được với con chữ ở vùng xa xôi. Vì thông báo bất ngờ nên nhiều bạn học sinh chỉ có thể hái vội bông hoa rừng cùng những lời nhắn, bài thơ để gửi đến thầy Võ Hoàng Sơn, với cái tên gọi thân thương “ông giáo làng”.
Phạm Hoàng