1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số: 240303

"Tấm thẻ vàng" và nỗi lo của người dân khi đã thoát khỏi vùng khó

Hạnh Linh

(Dân trí) - Như "tấm thẻ vàng" giúp giảm bớt gánh nặng khi khám chữa bệnh, song tại Thanh Hóa, nhiều gia đình vì điều kiện khó khăn mà không thể tham gia bảo hiểm y tế.

Canh cánh nỗi lo BHYT đầu năm học

Thống kê của Bảo hiểm xã hội huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn huyện này còn khoảng 1.700 học sinh chưa tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT).

Tỷ lệ học sinh chưa tham gia BHYT xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó việc nhiều xã của địa phương này vừa thoát khỏi vùng khó khăn, học sinh không còn thuộc diện được hỗ trợ thẻ BHYT. Điển hình như trên địa bàn xã Cán Khê và Xuân Phúc là hai địa phương có tỷ lệ học sinh chưa tham gia BHYT cao của huyện Như Thanh.

Tấm thẻ vàng và nỗi lo của người dân khi đã thoát khỏi vùng khó - 1

Một góc bản làng ở huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Hạnh Linh).

Bà Lê Thị Hà, công chức Văn hóa - Xã hội xã Xuân Phúc, cho biết trước đây, khi địa phương đang là xã thuộc vùng khó khăn, học sinh trên địa bàn được hỗ trợ miễn phí thẻ BHYT. Nhưng từ năm 2020, địa phương thoát khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn, nhiều học sinh không còn được hỗ trợ thẻ BHYT.

Theo bà Hà, thời gian qua, việc vận động người dân tham gia BHYT còn gặp khó khăn, một phần do nhiều gia đình mặc dù thuộc diện thoát nghèo, cận nghèo nhưng đông con, bệnh tật, chưa đủ chi phí mua thẻ BHYT cho cả gia đình. Bên cạnh đó, số ít gia đình vẫn còn tư tưởng chủ quan, thậm chí là trông chờ, ỉ lại vào việc hỗ trợ của nhà nước.

Dẫn chúng tôi đi thăm gia đình chị Lê Thị Tuyết (40 tuổi, thôn Đồng Quạ, xã Xuân Phúc), bà Hà cho biết dù đã thoát nghèo, song cuộc sống của gia đình chị Tuyết còn nhiều khó khăn.

Tấm thẻ vàng và nỗi lo của người dân khi đã thoát khỏi vùng khó - 2

Nhiều lần chồng bị ốm, chị Tuyết chẳng thể đưa anh đến viện vì không có BHYT (Ảnh: Hạnh Linh).

Trước đây, gia đình chị Tuyết thuộc hộ nghèo nên được cấp thẻ BHYT miễn phí. Tuy nhiên, từ khi thoát nghèo, chị Tuyết không còn được nhận hỗ trợ. Suốt 4 năm qua, cả gia đình chị không thể mua thẻ BHYT, mỗi khi gia đình có người ốm, chị chẳng thể đưa đến viện đều đặn như trước.

"Hoàn cảnh của gia đình quá khó khăn, chồng tôi bị bệnh về đường hô hấp, chẳng thể làm được công việc nặng nhọc. Mọi chi tiêu của 6 nhân khẩu trong gia đình đều nhìn vào đồng lương làm công nhân giày da của tôi. Mặc dù biết thẻ BHYT rất quan trọng nhưng giờ nuôi 3 con ăn học, chăm chồng ốm đau đã quá sức, tôi không thể tham gia BHYT cho gia đình", chị Tuyết tâm sự.

Theo chị Tuyết, do không có thẻ BHYT, mỗi khi chồng ốm, chị không dám đưa đi bệnh viện điều trị mà chỉ mua thuốc về điều trị tại nhà.

Tấm thẻ vàng và nỗi lo của người dân khi đã thoát khỏi vùng khó - 3

Chị Tuyết chia sẻ khó khăn khi không thể mua BHYT cho cả gia đình (Ảnh: Hạnh Linh).

Cũng như chị Tuyết, chị Quách Thị Thảo (40 tuổi, thôn 1, xã Cán Khê, huyện Như Thanh) canh cánh nỗi lo tiền ăn học, tham gia BHYT cho các con. Chồng mất, nhiều năm qua chị phải gửi 4 con cho gia đình hai bên nội, ngoại rồi ra thành phố Hải Phòng làm thuê ở xưởng gỗ. Gia đình chị nhiều năm liền là hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã.

"Những năm trước, mấy mẹ con tôi đều có BHYT dành cho gia đình thuộc diện hộ nghèo nên rất an tâm. Năm ngoái, gia đình đã thoát nghèo, tôi không có tiền mua BHYT cho các con. Tôi lo, nếu chẳng may các con gặp chuyện chẳng lành, không có BHYT thì không biết xoay xở thế nào", chị Thảo tâm sự.

Đến viện mới cầu cứu BHYT

Cách nhà chị Thảo không xa, chị Vi Thị Lan (thôn 2, xã Cán Khê) cũng thuộc diện hộ gia đình mới thoát nghèo. Hằng ngày chị Lan ở nhà làm nông nghiệp, còn chồng làm nghề bốc vác.

Theo chị Lan, nếu bán hết các loại nông sản ở trong vườn và tiền đi làm của chồng cũng chỉ đủ tiền sinh hoạt nên chị không dám nghĩ đến việc mua thẻ BHYT cho gia đình.

Thế nhưng, đầu tháng 3 năm nay, chị Lan bất ngờ bị tràn dịch khớp gối, do không có thẻ BHYT nên người phụ nữ 45 tuổi đã rơi vào cảnh lao đao khi điều trị bệnh tại bệnh viện.

Tấm thẻ vàng và nỗi lo của người dân khi đã thoát khỏi vùng khó - 4

Dù thoát khỏi danh sách hộ nghèo, song cuộc sống của gia đình chị Lan còn nhiều khó khăn (Ảnh: Hạnh Linh).

"Chi phí cho một lần hút dịch khớp gối hơn 10 triệu đồng, không có thẻ BHYT, tôi bấm bụng về nhà chịu đau. Do để lâu, khớp gối của tôi ngày càng phình to, đau nhức, không thể đi lại. Cuối tháng 3, tôi kiệt sức, phải vào viện cấp cứu. Trong lúc tôi đang cấp cứu ở viện, gia đình bên ngoại góp tiền mua thẻ BHYT gấp, nếu không chẳng có đủ tiền để điều trị", chị Lan nói.

Chị Lan chia sẻ, sau khi có thẻ BHYT, chị được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh.

"Lúc gặp nguy mới cầu cứu đến BHYT. BHYT giúp tôi giảm bớt gánh nặng kinh phí điều trị. Tôi rất muốn mua cho chồng và con trai phòng thân nhưng không có tiền", chị Lan trải lòng.  

Ông Lê Bá Thành, công chức Văn hóa - Xã hội xã Cán Khê, cho biết hiện toàn xã có khoảng 75% người tham gia BHYT.

"Xã Cán Khê vừa thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn, ngoài một bộ phận người dân còn trông chờ được cấp miễn phí như trước, cũng có một số hộ dân khó khăn, không thể mua BHYT. Có những hộ dân chúng tôi đến vận động nhiều lần nhưng vẫn "khất", không mua BHYT", ông Thành chia sẻ.

Tấm thẻ vàng và nỗi lo của người dân khi đã thoát khỏi vùng khó - 5

Em Vi Đại Lộc, con trai của chị Lan đang giúp mẹ thu hoạch sả, mong năm học mới sẽ có tiền mua BHYT (Ảnh: Hạnh Linh).

Bà Cao Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Cán Khê cho biết, năm học 2023-2024, nhà trường có 777 học sinh, trong đó có hơn 100 học sinh chưa mua được thẻ BHYT.

Theo bà Hương, trước đây học sinh của nhà trường đang thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên được cấp miễn phí. Nay bà con phải bỏ tiền túi ra mua nên gặp nhiều khó khăn.

"Số tiền mua BHYT bằng nửa số tiền đóng góp trong năm học nên bà con thấy rất lớn. Chỉ khi con bị ốm, bệnh hiểm nghèo, cần chi phí điều trị, phụ huynh sẽ chạy đôn chạy đáo mua BHYT. Hoặc đến cuối năm, khi số tiền mua BHYT giảm còn rất ít, phụ huynh mới tham gia", bà Hương nói.

Chương trình "Nâng bước đến trường - Trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn" lần thứ 3 do báo Dân trí phát động được triển khai với mục tiêu trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho 1.500 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc trong năm học 2024-2025. Mỗi tấm thẻ là một món quà vô giá, mang đến niềm hy vọng về sức khỏe và tương lai tươi sáng cho các em.

Ông Phạm Văn Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Thanh, cho biết, năm học mới 2024-2025, trên địa bàn huyện có nhiều học sinh cần được hỗ trợ BHYT. Do khó khăn về kinh tế nên nhiều gia đình không có điều kiện mua BHYT cho các con sau khi hết hạn.

"Chúng tôi rất hy vọng và mong muốn các nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ thẻ BHYT để vơi bớt gánh nặng cho những gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế, các con yên tâm đến trường", ông Cường bày tỏ.