1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Phận già gồng gánh nuôi nhau

(Dân trí) - Trên dải đất hình chữ S, đây đó vẫn còn nhiều số phận đáng thương. Nhưng, “hai phận đời” với con đàn, cháu đống mà lúc “xế bóng” vẫn phải nương tựa vào nhau trong nỗi cô quạnh đang khiến cho những ai, khi biết về cảnh ngộ của họ, đều không khỏi chạnh lòng.

“Không đi lấy gì mà ăn!”

Đó là vợ chồng ông lão Nguyễn Đình Lĩnh và Nguyễn Thị Đức ở thôn Liên Trung, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông Lĩnh năm nay tròn 80 tuổi. Bà Đức cũng vừa bước sang tuổi 82. Gần 10 năm nay, một ngày mới với ông Lĩnh, bà Đức đều bắt đầu từ lúc 4 rưỡi sáng. Ở tuổi này, giờ đấy nhiều lão ông, lão bà trong xã Cảnh Dương cũng đã tỉnh giấc. Nhưng khác với các lão ông, lão bà trong xã, thay vì chuẩn bị áo quần ra sân tập dưỡng sinh, ông Lĩnh lại lục đục thúng, nia với củ khoai, nhánh hành, tất tưởi chuẩn bị quang gánh để bà Đức kịp ra chợ. Mà ngày mưa cũng như ngày nắng cứ tầm 5 giờ, bà Đức đã “ống thấp ống cao” rời nhà với gần 20 cân hàng trên vai. “Không đi lấy gì mà ăn!”, bà Đức nói.

Phận già gồng gánh nuôi nhau - 1

Hai ông bà chuẩn bị cho gánh hàng mưu sinh 
 
Trong buổi sáng mờ sương, nhìn đôi quang nặng trĩu đè lên thân hình gầy guộc của cụ bà 82 tuổi, tóc bạc, da mồi, người đi đường, ai nấy đều ái ngại cho tấm lưng còng của bà vì nó gần như gập hẳn xuống sau mỗi bước đi. Khi mặt trời lên, cái bóng của bà in trên mặt đường như một dấu hỏi.

Bà Đức quảy hàng đi xong, ông Lĩnh tắt điện, khóa cửa rồi cũng rời nhà khi ngoài trời còn chưa rõ mặt. Xắn ống quần, tay áo từ nhà, ông Lĩnh rảo bước về phía bãi biển xã Cảnh Dương. Tại đây, ông Lĩnh làm việc như một ngư phủ. Chị Trương Thị Hằng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã cho biết: “Trước ông cũng đi biển. Giờ ông già yếu, chủ thuyền không cho đi. Nhớ nghề nên mỗi sáng thuyền về ông lại ra nhặt cá, giặt lưới giúp ngư phủ. Khi người này cho ông con tôm, bữa người khác trả công bằng con cá để lấy cái ăn mỗi ngày”.

 

Bán đất khi chân chậm mắt mờ

Thường thì tới lúc trời đứng bóng, ông Đức mới về nhà với xâu cá trong tay. Đến khi chợ vãn người, bà Đức cũng mới quang gánh rời chợ với một túi ni-lon nhỏ đựng gạo. Bữa trưa bắt đầu rất muộn. Bên mâm cơm đạm bạc, bà Đức cho biết mỗi ngày hai ông bà ăn hết một lon gạo. Muốn có thêm bát canh, đĩa rau từ gánh hàng, cứ 10 ngày bà phải bắt xe khách vào tít mãi chợ Ba Đồn, cách nhà 15 km, để lấy hàng: “Tôi không dám đi xe thồ vì người ta lấy bốn chục ngàn cơ. Tôi đi xe đò chỉ hết có 10 ngàn. Có khi người ta thương, cho đi nhờ, không lấy tiền”, bà Đức tâm sự.

Nghe bà Đức kể, có người hỏi lại: “Mai mốt khi sức khỏe không cho phép bà chạy chợ, ông không còn khả năng kéo lưới, ông bà sẽ mưu sinh bằng cách nào?” Đang vui vì được một ngày nỏ chợ, bà Đức nghẹn ngào, nói điều gì đó nhưng không thành lời. Nước mắt trào ra, lăn trên hai gò má. Ngồi đối diện bà Đức, ông Lĩnh đang giúp bà kiểm lại xấp tiền lẻ để hôm sau bà đi lấy hàng. Ông Lĩnh thổ lộ: “Chúng tôi đã nghĩ đến ngày đó. Khi cả hai đều chân chậm, mắt mờ, chúng tôi sẽ bán nhà”.

 

Điều khó bộc bạch được ông Lĩnh nói ra. Lúc này, tâm trí bà Đức như được giải tỏa. Bà nhìn ông rồi lại tiếp chuyện người hỏi: “Không ai muốn bán nơi thờ phụng tổ tiên mình cả nhưng để tự nuôi sống mình thì không còn sự lựa chọn nào khác, chú à”. Kéo vạt áo lau nước mắt, bà Đức giải thích: “Tôi sinh được bảy đứa, ba trai, bốn gái. Bây giờ mỗi đứa một nơi, “kiến giả nhất phận”. Tôi ở với thằng út nhưng nó coi ông bà không ra gì. Nó hỗn, phá phách nên dân làng đuổi nó đi rồi”.

Đã thế, cách đây không lâu, khi sức gần tàn, lực sắp kiệt ông Lĩnh, bà Đức còn phải lo cơm ăn, áo mặc cho hai đứa cháu ngoại vì bố các cháu gặp nạn ngoài biển rồi mất. Giờ các cháu đã về với mẹ. Gánh hàng của bà Đức có phần nhẹ hơn. Tuy nhiên, lưng bà vẫn còng. Giống như một dấu hỏi, bà vẫn lặng lẽ đi về mỗi sớm khuya. 
 
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
 

1. Nguyễn Đình Lĩnh và Nguyễn Thị Đức: thôn Liên Trung, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Hoặc Phòng Y tế xã hội, ông Lê Minh Hiển – Phó phòng

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

 

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 0451 001 944 487

Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 

Nguyễn Nho Trung