1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nỗi cùng cực của người đàn ông nuôi 3 chị em gái bị điên

(Dân trí) - Ngày ngày người ta vẫn thấy một người đàn ông lặng lẽ đi từ lúc tờ mờ sáng và trở về khi trời tối đen. Anh mưu sinh để nuôi mẹ già 80 tuổi và ba chị em gái bị điên. Trong gia đình nhỏ này nước mắt người điên vẫn luôn rơi....

Đó là hoàn cảnh của anh Nguyễn Văn Sơn (trú tại xóm 10, xã Nghi Ân - TP.Vinh, Nghệ An). Ngoài 30 tuổi, không một cô gái dám nhận lời về làm vợ vì sợ gánh nặng của một gia đình có tới 3 người điên. Tuy nhiên, hạnh phúc muộn mằn cũng đến khi một phụ nữ đã dám chấp nhận lấy anh làm chồng nhưng không vì thế mà những vất vả không còn.
 
Nỗi cùng cực của người đàn ông nuôi 3 chị em gái bị điên - 1
Anh Nguyễn Văn Sơn bên người chị gái điên Nguyễn Thị Thanh

 

Xót xa cùng một kiếp người

 

Bà Nguyễn Thị Chới (mẹ anh Sơn) năm nay 80 tuổi đã nếm trải đủ sự vất vả, đau khổ của cuộc đời. Chồng mất sớm, một mình bà lặn lội nuôi bảy đứa con. Ba người con gái đầu lấy chồng, ba đứa con gái sau của bà đang tuổi ăn tuổi lớn, học hành bình thường bỗng phát bệnh điên.

 

Một mình bà chạy vạy khắp nơi lo thuốc thang chữa trị cho ba đứa bị bệnh lại tất bật ngược xuôi lo cơm nước cho cả gia đình. Ba người con gái đầu của bà lấy phải chồng xa, kinh tế khó khăn nên chẳng giúp gì được cho mẹ. Giờ đây, sau bao nhiêu năm lặn lội, bà không còn đủ sức lao động nữa, mọi gánh nặng giờ lại đè lên con trai bà anh Nguyễn Văn Sơn.

 

Căn nhà chỉ độ hai chục mét vuông, không có đồ đạc gì quý giá ngoài hai chiếc giường cũ kỹ. Tôi hỏi anh Sơn với sáu con người mà chỉ  với hai chiếc giường sao nằm đủ. Anh không trả lời chỉ buồn bã thở dài nhưng tôi biết mấy người chị của anh có bao giờ chịu nằm đâu, cứ lang thang suốt ngày, đêm về lại chỉ chịu nằm giữa nhà nên hai chiếc giường vẫn là trống trải. Lúc chúng tôi đến nhà cũng chỉ có người em út của anh Sơn nằm giữa sân.

 

Chị Phùng Thị Hậu - vợ anh Sơn cố gắng vừa dỗ vừa dìu mới đưa được người em này vào nhà và đi tìm hai người kia về, họ không vào nhà mà chỉ ngồi ngoài vườn rồi cười nói vô thức trông thật xót xa. Anh Sơn tâm sự: “Hai năm trước, không ai dám yêu hay lấy tôi đã đành, tôi cũng chẳng dám ngỏ lời với ai. Nhìn vào gia cảnh thế này ai mà không ái ngại. Trong nhà bốn người đàn bà, mẹ tôi đã hơn 80 tuổi rồi, còn ba người con gái còn lại đều bị điên. Cũng không hiểu vì sao Hậu (chị Hậu vợ anh Sơn bây giờ - PV) lại thương tôi, chịu về làm vợ và cùng tôi gánh vác chuyện gia đình”.

 

Trong số ba chị em bị thần kinh của anh Sơn, chị Nguyễn Thị Xuân (SN 1960) là đỡ hơn, chị vẫn còn có thể tự tắm rửa, tự ăn uống, còn lại chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1973) và cô em Nguyễn Thị Hương (SN 1979) không còn có chút ý thức nào. Được biết, bố anh Sơn trước đây là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã từng đóng quân ở vùng giặc Mỹ thả chất độc da cam dioxin, những đứa con bị bệnh như bây giờ có thể là do ảnh hưởng của bố. Tuy hiện nay, ba người chị em này đã được trợ cấp theo chế độ 202 nhưng số tiền đó chỉ hỗ trợ được phần nhỏ trong muôn vàn những chi phí mà anh Sơn phải lo. 
 
Nỗi cùng cực của người đàn ông nuôi 3 chị em gái bị điên - 2

Vẫn cười, vẫn nói nhưng chị Nguyễn Thị Hương chẳng còn biết gì

 

Giọt nước mắt lặng thầm

 

Gạt những giọt nước mắt lăn trên gò má, bà Nguyễn Thị Chới nghẹn ngào: “Tui sống đây đã là gánh nặng cho vợ chồng nó, giờ cũng chẳng được là bao nữa, nhưng ba cái miệng kia còn làm khổ thằng Sơn cả đời!”. Vất vả là thế nhưng anh Sơn chẳng hề kêu ca, than phiền chưa bao giờ anh để cho mẹ hay chị em anh phải chịu một bữa đói. Quả thật, nếu chỉ phải lo ngày ba bữa cơm mặn nhạt cho mẹ và chị em của mình với anh Sơn cũng đã quá khó khăn rồi, huống hồ những sự vất vả mà anh Sơn trải qua còn lớn hơn thế rất nhiều, dường như nó đang nằm ngoài tầm với của anh.

 

Nếu không có sự quan tâm, chia sẻ của bà con chòm xóm thì anh Sơn và chị Hậu khó có thể vượt qua được. Trong khi đó gia đình chỉ được mấy sào ruộng cũng chỉ đủ ăn còn của để dành là không thể. Mà mấy sào ruộng ăn thua gì, khi trong gia đình anh Sơn phải nuôi đến 4 con người  không bình thường, không lao động, không thu nhập...

 

Chưa hết, mỗi lần lên cơn điên, người chị người em đều bỏ đi lang thang khắp nơi, chẳng chịu ở nhà điều này khiến anh như đang đuối sức vì suốt ngày phải canh chừng. Có những lần lên cơn điên chị em của Sơn đã bỏ đi lang thang khắp thành phố Vinh, rồi đến thị xã Cửa Lò còn anh thì vẫn phải đi lùng sục khắp nơi để đưa về. Mỗi lần như thế anh lại chạy vạy lo tiền mua thuốc để giảm bớt bệnh tình cho chị em mình. Dẫu biết chỉ có phép màu mới giúp ba cô gái ấy trở lại bình thường, nhưng anh Sơn vẫn không nản lòng.

 

“Họa vô đơn chí”, khi chưa một ngày được yên với ba chị em của mình, tai họa lại liên tiếp ập đến với gia đình anh. Một năm về trước, anh đã phải bán hết những gì có trong nhà để chữa chữa trị cho mẹ khi biết bà mắc bệnh hiểm nghèo. Mẹ anh vừa ra viện thì vợ anh lại bị lưu thai hai đứa con phải vào bệnh viện mổ. Mất tiền đã xót nhưng nỗi đau mất con còn lớn hơn nhiều. Ngày chị Hậu ra viện, trong nhà gạo không còn một hạt, tiền không còn một xu. “Nhiều lúc mình như không gượng nổi, muốn buông xuôi cũng không thể. Mình đã đành nhưng còn vợ và có thể là con cái sau này. Mẹ và các chị cũng như em đang trông chờ ở bàn tay chai sạn này”- anh Sơn vừa nói vừa đưa bàn tay thô ráp, chai sạn của mình cho chúng tôi xem.

 

Chia tay bà Chới và vợ chồng anh Sơn mà lòng chúng tôi nặng trĩu, không biết rồi đây còn những khó khăn nào nữa sẽ đến với anh và vợ. Hình ảnh anh Sơn chăm chút mẹ và những người chị em cứ ám ảnh chúng tôi trên suốt đường về.

Nguyễn Phê - Hoàng Tùng