1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt yêu thương và nhân ái của những mảnh đời bất hạnh

(Dân trí) - Họ là những người có số phận bất hạnh, thậm chí là ở tận cùng của sự đau khổ, nhưng cuộc hội ngộ tại báo Dân trí đã gắn kết họ lại với nhau, cùng nhau sẻ chia nỗi đau mà chúng tôi gọi là "lá rách ít đùm lá rách nhiều".

Tòa soạn báo Dân trí một buổi sáng chớm đông, như thường lệ chúng tôi vẫn quen với cảnh mọi người đều có mặt đông đủ cùng hàng trăm lượt bạn đọc ra vào mỗi ngày. Nhưng sớm nay, cuộc gặp gỡ có phần đặc biệt hơn khi có mặt là những mảnh đời bất hạnh.

Họ là những con người tận cùng của sự đau khổ ở nơi mà không người nào khoẻ mạnh muốn đến: Đó là bệnh viện!

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt yêu thương và nhân ái của những mảnh đời bất hạnh - 1
Tòa soạn báo Dân trí sáng nay có ông Hiền (ông nội bé Thanh Thảo)

Khoác trên mình chiếc áo của người nhà đi chăm bệnh nhân, ông Nguyễn Thanh Hiền là ông nội của bé Thanh Thảo trong bài viết: “Con dâu qua đời, ông nội bán lúa non cứu cháu ung thư”. Chỉ sau một tuần hoàn cảnh người ông bán cánh đồng lúa non tại Quảng Bình để đưa đứa cháu gái bé bỏng 3 tuổi ra Hà Nội chữa bệnh ung thư dường như đã "chạm" đến trái tim bạn đọc.

Ông Hiền được các nhà hảo tâm, bạn đọc Dân trí giúp đỡ đến 2 tỉ đồng. Ông đã tìm đến toà soạn báo Dân trí để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời kém may mắn.

Tại báo Dân trí, ông Hiền gặp gỡ và trò chuyện, thăm hỏi đến các gia đình bà Nguyễn Thị Hành (Bắc Giang) và bà Phương Thị Hương (Ba Vì, Hà Nội), họ đều là những người khốn khổ được báo điện tử Dân trí giúp đỡ.

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt yêu thương và nhân ái của những mảnh đời bất hạnh - 2

Bà Hương là mẹ của em Thẩm trong bài viết “Tận cùng nỗi đau của thôn nữ là “nạn nhân” lời đồn bị kẻ xấu hãm hiếp”

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt yêu thương và nhân ái của những mảnh đời bất hạnh - 3

Bà Hành ở Bắc Giang xuống tòa soạn báo Dân trí.

Cuộc sống gia đình ông Hiền cùng lúc phải chịu quá nhiều những đau thương khi con dâu qua đời vì u não, con trai lâm bệnh vì không chịu nổi cú sốc mất vợ, cháu gái là bé Thanh Thảo lại phát hiện ung thư tủy khi mới có 33 tháng tuổi. Bấy nhiêu thứ đổ ập đến khiến cho ông nội Nguyễn Thanh Hiền trở nên kiệt quệ, đường cùng.

Đang ở tận cùng của sự khó khăn, khổ cực, hai ông cháu nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc báo điện tử Dân trí, như “người chết đuối vớ được cọc”, ông nghẹn ngào tâm sự: “Tôi như đang mơ, vì cho đến tận bây giờ tôi vẫn không tin được rằng cháu tôi lại được nhiều người yêu thương đến vậy. Mọi người còn bàn tính với nhau cho con bé sang nước ngoài điều trị nữa”.

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt yêu thương và nhân ái của những mảnh đời bất hạnh - 4
Cháu gái ông Hiền là bé Thanh Thảo bị ung thư tủy khi mới có 33 tháng tuổi. Trước đó mẹ của em cũng đã qua đời vì u não.

Mừng cho gia đình ông khi bé Thanh Thảo được giúp đỡ để mở ra những cơ hội sống cho bé. Nhưng điều khiến chúng tôi càng cảm động hơn khi ngày hôm nay, tại báo Dân trí ông Hiền muốn mang số tiền mà mọi người hỗ trợ cho cháu gái để chia sẻ một phần đến những hoàn cảnh khó khăn khác.

“Thế nhà bà làm sao, bà năm nay bao nhiêu tuổi rồi?” – Câu đầu tiên ông ân cần hỏi bà Hành khi bà đang ngồi cúi mặt trong chiếc áo cũ đã rách sờn.

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt yêu thương và nhân ái của những mảnh đời bất hạnh - 5
Ông Hiền hỏi han tình hình nhà bà Hành và quyết định trao tặng gia đình bà 35 triệu đồng.

Một chút ngượng ngùng ban đầu, bà Hành dường như cảm nhận được sự đồng cảm từ ông Hiền nên bộc bạch tâm sự, chồng bà bị ngã xuống giếng chết đuối, con gái lại bị bệnh tâm thần nên đi lang thang và sinh ra 2 cháu nhỏ.

Hai đứa không biết bố là ai, nên mọi gánh nặng cơm áo đều đổ dồn lên đôi vai gầy của bà. Không có chỗ nào để bấu víu nên hàng ngày bà chỉ biết đi nhặt phế liệu bán lấy tiền mua hộp sữa cho hai đứa cháu đáng thương.

“Nhà tôi như thế ông ạ, tôi chỉ ước 2 đứa cháu có sữa uống hàng ngày thôi vì từ nhỏ nó không được bú mẹ, nó thèm sữa nhưng tôi lại không có tiền để lo cho chúng” – Bà Hành kể cho ông Hiền nghe khi những giọt nước mắt cũng bắt đầu lăn dài trên gương mặt già nua, khắc khổ.

Những cái nhíu mày, trăn trở, chúng tôi thấy gương mặt ông Hiền trùng xuống. Ông cũng chăm cháu nhỏ nên hiểu được hết những khó khăn mà bà Hành đang phải gánh chịu.

Không chần chừ thêm nữa, ông rút phong bì trong đó có 35 triệu đồng ra tặng khiến cho bà Hành vô cùng ngạc nhiên. Bà lo lắng, hỏi dồn dập: “Các cô chú nhà báo có kể cho cho tôi nghe về hoàn cảnh nhà ông rồi. Ông cũng khó khăn thế, cháu lại đang mắc bệnh hiểm nghèo mà sao ông cho bà cháu tôi nhiều tiền thế?”.

Trước sự thắc mắc bà Hành, ông Hiền chỉ khẽ cười, im lặng. Cùng ở trong cảnh khổ với nhau, hơn ai hết cả ông và bà đều hiểu giá trị của những đồng tiền mà mọi người giúp đỡ. Ông được mọi người tặng rồi, giờ ông muốn mang một phần may mắn đó giúp đỡ lại cho bà để bà có điều kiện chăm sóc 2 cháu nhỏ.

Cảm động trước tấm lòng của ông Hiền, bà Hành rơm rớm nước mắt gửi lời cám ơn đến ông và báo Dân trí đã làm nhịp cầu nối để bà nhận được sự giúp đỡ quý giá này.

Ngoài số tiền ông Hiền trao tặng, bà Hành cũng nhận số tiền gần 50 triệu đồng của bạn đọc Dân trí hỗ trợ.

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt yêu thương và nhân ái của những mảnh đời bất hạnh - 6
Bà Hành tiếp tục nhận số tiền bạn đọc hỗ trợ theo danh sách kết chuyển tuần 2/10 + tuần 3/10

Cùng với gia đình bà Hành, có mặt ở tòa soạn báo ngày hôm nay còn có bà Phương Thị Hương, mẹ của em Đỗ Thị Thẩm, trong bài viết: “Tận cùng nỗi đau của thôn nữ là “nạn nhân” lời đồn bị kẻ xấu hãm hiếp”.

Bản thân chị Thẩm lớn lên với “vết sẹo” kinh hoàng bởi những lời đồn kẻ xấu hãm hiếp, khi đi lấy chồng thì bị chồng bỏ rơi để rồi phải sinh con một mình trong ngậm ngùi, đau đớn.

Ông trời tiếp tục đày đọa chị Thẩm khi chị sinh con trai thì bé lại bị câm điếc bẩm sinh. Người trụ cột trong gia đình là bố Thẩm thì ông cũng bị tai nạn đột ngột qua đời. Gia đình chị Thẩm trở nên chới với, chênh vênh. Để có tiền nuôi con, chị Thẩm xin đi làm công nhân ở một nhà máy tại tỉnh Bắc Ninh, nhưng đúng ngày đầu tiên đi làm chị lại bị xe ô tô đâm với chấn thương kéo dài dai dẳng suốt một năm qua.

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt yêu thương và nhân ái của những mảnh đời bất hạnh - 7
Con gái bà Hương và em Thẩm với những nỗi đau liên tiếp, dồn dập đổ xuống.

Lắng nghe câu chuyện của gia đình bà Hương khiến ông Hiền không cầm lòng được. Ông hỏi han tình hình cháu Thẩm giờ đang ở viện hay ở nhà và vết thương ở chân đã chữa được chưa. Sau một chút ngượng ngùng, ái ngại, bà tâm sự:

“Nó mổ tổng cộng là 7 lần rồi, bác sĩ bảo còn phải mổ nhiều lần nữa. Nhưng lần gần đây nhất vì không có tiền điều trị nữa nên tôi đã cho nó về nhà rồi ông ạ nhưng vết thương lên mủ, đau nhứt và co giật. Có mấy cô trong đoàn từ thiện về thăm đang liên hệ giúp tôi với các bệnh viện trên Hà Nội để đưa cháu lên nhưng tôi chưa có tiền nên vẫn để con ở nhà vậy”.

Nói xong, bà không kìm nén được cảm xúc của mình nên bật khóc. Xót thương cho số phận của Thẩm, ông Hiền ngậm ngùi: “Đúng là mỗi người một cảnh khổ. Con bé nhà bà nó ngang ngang tuổi với con dâu tôi, mình là cha, là mẹ mà không lo được cho chúng thật sự rất khổ tâm”.

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt yêu thương và nhân ái của những mảnh đời bất hạnh - 8
Bà Hương nhận số tiền bạn đọc hỗ trợ cho gia đình tuần 3/10.

Trước đây đã từng bất lực trước căn bệnh hiểm nghèo của con dâu, bản thân ông Hiền phải chứng kiến con ra đi trong nỗi đau đớn không gì bù đắp được nên giờ chứng kiến cảnh bà Hương, ông dễ mủi lòng và thấu hiểu. Không nghĩ ngợi nhiều, ông lấy ra số tiền 22.500.000 đồng để giúp đỡ bà với lời căn dặn:

“Bà mang số tiền này về cho con gái đi viện đi. Tôi mong rằng là vẫn còn kịp để cứu đôi chân của cháu”.

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt yêu thương và nhân ái của những mảnh đời bất hạnh - 9

Bà Hương tiếp tục nhận được số tiền 22.500.000 đồng chia sẻ của ông Hiền với lời căn dăn : "Bà cho con gái lên viện điều trị tiếp đi để kịp thời cứu đôi chân của cháu".

Hoàn toàn bất ngờ và xúc động, bà Hương không nghĩ rằng cùng trong cảnh khổ như nhau nhưng ông Hiền đã giúp đỡ gia đình mình số tiền lớn đến thế. Hỏi han về tình hình sức khỏe bé Thanh Thảo, bà cầu mong những điều tuyệt vời nhất sẽ đến với cháu bởi món quà mà cháu được nhận, cháu lại đi chia sẻ cho những người nghèo khổ khác.

Cũng tại tòa soạn, bà Hương nhận thêm tiền gần 40 triệu đồng của bạn đọc hỗ trợ (theo danh sách kết chuyển tuần 3/10) để thêm vào kinh phí cho chị Thẩm lên bệnh viện tuyến trên điều trị.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong nước mắt, sự cảm động, lắng nghe và thấu hiểu để từ đó những mảnh đời bất hạnh tìm được đến nhau, cùng nhau “sưởi ấm” để vượt qua nỗi đau.

Chứng kiến giây phút hội ngộ ngắn ngủi này, chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Quả thật giữa những bộn bề của phố thị, với những đớn đau của bệnh tật và mất mát, vẫn còn nhiều những tấm lòng tử tế, dù có đói nghèo vẫn biết cách sẻ chia.

Phạm Oanh