Cụ bà “thèm chết” và tấm Huy chương kháng chiến “để treo”

(Dân trí) - Sau khi <i>Dân trí</i> có bài “Cụ già sống neo đơn thèm… chết!”, hàng trăm bạn đọc đã bày tỏ sự cảm thương, bức xúc. Chiều 11/9, trở lại Củ Chi, chúng tôi bất ngờ khi cụ đem khoe tấm Huy chương kháng chiến hạng Nhất. Một câu chuyện khác lại mở ra...

Cụ bà “thèm chết” và tấm Huy chương kháng chiến “để treo” - 1

Cụ Láng cho chúng tôi xem tấm Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất
 
Tấm Huy chương kháng chiến hạng Nhất nhà nước trao tặng được đặt trên nóc tủ rất trang trọng, nhưng người có công lại không được hưởng quyền lợi một cách đúng nghĩa.

 

Báo điện tử Dân trí  đã trích 2 triệu đồng từ Quỹ nhân ái để ủng hộ cho cụ. Cầm khoản tiền trên tay, bà cụ nghẹn ngào: “Bà già rồi, đâu có làm gì ra tiền nữa. Các chú cho 5 nghìn 10 nghìn cũng đã là quý lắm rồi, nay lại mang cả khoản lớn như thế này để cho, bà cảm ơn nhiều lắm…!”.

 

Nói về dự định của mình khi có món tiền trên, cụ Láng cho biết: “Ngày mai bà sẽ nhờ người đi mua vải về may một cặp quần. Lết miết, quần rách hết rồi, hôm bữa thấy người ta bán vải chắc lắm nhưng không có tiền nên đành chịu… Số tiền còn lại, bà để dành nhờ người mua thức ăn hàng ngày”.

Với mong muốn làm rõ hơn thân phận bà cụ Láng, chúng tôi đã đến UBND xã Thạnh Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM. Khi chúng tôi ngỏ lời về hoàn cảnh của cụ bà Láng, ông Phạm Văn Tòng, Phó chủ tịch xã sau vài phút bối rối, nói: “Rất tiếc, hôm nay tôi đang bận nên không thể tiếp các anh được”.

 

Chúng tôi đề nghị được gặp Ban chính sách xã hoặc các đoàn thể liên quan, ông Tòng trả lời: “Chúng tôi không còn ai để tiếp các anh cả…”.

 

Chúng tôi xuống thẳng ấp 6B theo lời chỉ dẫn của ông Tòng. Ông Nguyễn Văn Nhân, trưởng ấp cho biết: “Trước đây bà cụ có nhận con một cháu gái ruột là Nguyễn Thanh Phong đến ở cùng. Tuy nhiên, người này nhập khẩu cùng bà cụ chỉ nhằm mục đích trốn nghĩa vụ quân sự chứ không phải là để nuôi dưỡng bà. Ở một thời gian ngắn, anh này ra đi”. Vì thế, khi xét hoàn cảnh trên giấy tờ, nhà cụ có 2 nhân khẩu nên không thuộc diện người già neo đơn.

 

Vừa qua, đại diện ấp đã đi làm lại sổ hộ khẩu và CMND cho cụ theo đúng hoàn cảnh thực tế. Cách đây 2 tháng, ấp đề nghị xã chu cấp cho cụ khoản tiền dành cho người già sống neo đơn, tuy nhiên đến nay cụ chưa nhận được đồng nào.

 

Ông Nhân khẳng định: “Trước đây cụ Láng góp nhiều công sức cho cuộc kháng chiến. Ngày đó cụ được giao nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ mật của Cách mạng hoạt động trong trung tâm thành phố, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ giao liên. Sau giải phóng, cụ Hứa Thị Láng được tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất vì đã có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

 

Về việc cụ Láng chưa nhận được khoản trợ cấp cho người có công, ông Nhân cho hay: “Tôi cũng không biết nguyên nhân do đâu, ở đây những người có công đều được hưởng chế độ, nhưng trường hợp của bà cụ khi lập hồ sơ để xét thì lại không thấy”.
 
Cụ bà “thèm chết” và tấm Huy chương kháng chiến “để treo” - 2
Mỗi ngày cụ chỉ nấu cơm 1 lần để ăn làm hai bữa

 

Về phần mình, cụ Láng cũng xác nhận trước đây có một người cháu đến ở cùng. “Má nó xin nhập khẩu vì sợ con phải đi nghĩa vụ quân sự, bỏ xác ở chiến trường. Nó chỉ sống tạm với bà một thời gian ngắn rồi về nhà mất biệt”.

 

Thân già cô quạnh, chỉ vì thương cháu nên cụ đã khoác thêm cho mình gánh nặng để rồi tự mình chịu lấy những thiệt thòi khác. Một lý do khác khiến cụ không nhận được trợ cấp xã hội là do cụ đã bán đất cất được nhà.

 

“Chính quyền họ nhìn thấy bà có cái nhà, cứ tưởng bà có của. Có mấy ai biết bà chỉ có cái vỏ chứ cái ruột thì trống trơn… May mà thời gian vừa qua, được chùa Hòa Hảo cho gạo ăn nên bà cũng bớt đi phần nào cơ cực”, cụ Láng nói với chúng tôi.

 

Hiện nay, ngày ngày cụ  Láng vẫn phải bò, phải lết để tự nấu cho mình từng miếng ăn, giặt từng bộ đồ. Bữa cơm của cụ chỉ có cái chén, đôi đũa, nồi cơm và chút đồ ăn đạm bạc được “nấu một lần ăn cả tuần”.

 

Vân Sơn - Hiếu Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm