Cô gái trẻ bị ô tô nghiến đứt chân đã trở thành nữ bác sĩ

(Dân trí) - Đã từng đau đớn, thất vọng và hoảng loạn bởi khi tỉnh dậy em phát hiện mình không còn chân trái nữa. Lúc đó Ngọc đã nghĩ cuộc đời mình sẽ chấm dứt ở đây. Nhưng bằng nội lực của bản thân và sự giúp đỡ của những vòng tay nhân ái, em đã trở thành nữ bác sĩ trẻ của bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Cô gái cụt chân... trở thành nữ bác sĩ

Khi bắt đầu bài viết này, Ngọc có phần e ngại và không muốn “lên báo” bởi em cho rằng bản thân mình không có gì đặc biệt cả. Tất cả có được ngày hôm nay đều nhờ vào tình yêu thương, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, bạn đọc báo điện tử Dân trí trong suốt 3 năm qua. Vượt lên sự đau đớn của thể xác, sự xấu hổ và tự ti khi cơ thể không còn lành lặn, Ngọc đã thực hiện được ước mơ của mình đó là trở thành bác sĩ.

Cô gái trẻ bị ô tô nghiến đứt chân đã trở thành nữ bác sĩ - 1
Tháng 10/ 2017 trên đường về quê để tang bà ngoại, Ngọc bị tai nạn xe ô tô nghiến ngang chân.
Cô gái trẻ bị ô tô nghiến đứt chân đã trở thành nữ bác sĩ - 2
Tỉnh dậy Ngọc hoảng loạn vì mất đi chân trái.

Được đào tạo bài bản và tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa của trường ĐH Y Thái Nguyên, tháng 10/2016 khi vừa mới ra trường Ngọc gặp tai nạn kinh hoàng nên đã vĩnh viễn mất đi chân trái của mình.

Ngày 10/10/2016, một ngày định mệnh mà có lẽ không thể nào quên trong tâm trí của Ngọc. Đó là ngày Ngọc nhận tin bà ngoại qua đời nên hai chị em Ngọc vội vã trở về chịu tang. Do đường sóc, xe của Ngọc bị ngã đổ ra đường đúng lúc chiếc xe ô tô phía sau đi lên chèn qua, Ngọc nhập viện trong tình trạng cực kì quy cấp.

Bác sĩ Vũ Tiến Hưng - Khoa Chấn thương chỉnh hình 1- Bệnh viện Việt Đức, là người điều trị trực tiếp cho Ngọc thời điểm đó cho biết, “Ngọc được đưa vào viện trong tình trạng rất nguy cấp, chân bên trái bị dập nát hoại tử không thể cứu vãn được nên chúng tôi phải tiến hành cắt bỏ ngay, còn chân bên phải thì bị cắt lọc chân phải đã được cắt đi nhiều cơ, sau đó phải xử lí da bị bong lóc và dùng da để che phủ”.

Cô gái trẻ bị ô tô nghiến đứt chân đã trở thành nữ bác sĩ - 3
Em những tưởng phải từ bỏ ước mơ được làm bác sĩ từ đây.

25 tuổi, đang phơi phới với nhiều dự định trong tương lai, việc mất đi chân trái với Ngọc khi đó thực sự là một cú sốc quá lớn. Bà Nguyễn Thị Phương (mẹ của Ngọc) ngày nào cũng sống trong sự nơm nớp, lo sợ và canh chừng con gái từng chút một vì sợ con sẽ làm liều vì không vượt qua được nỗi đau đớn này.

“Cô không đi đưa tang mẹ được vì phải ra viện ngay với con gái. Khi cô nhìn con, mọi thứ thật sự quá đau đớn và xót xa. Mới mấy hôm trước, con bé còn khoe nó sắp đi làm, nó muốn sắm vài bộ váy mới, vài đôi giày cao gót nữa. Vậy mà…” – Không cầm lòng được, bà Phương rút ruột, rút gan tâm sự.

Cô gái trẻ bị ô tô nghiến đứt chân đã trở thành nữ bác sĩ - 4
Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của mọi người, Ngọc lấy lại tinh thần
Cô gái trẻ bị ô tô nghiến đứt chân đã trở thành nữ bác sĩ - 5
Bạn đọc Dân trí tiếp sức cho em trong quá trình điều trị
Cô gái trẻ bị ô tô nghiến đứt chân đã trở thành nữ bác sĩ - 6

Như một điều kì diệu, kể từ khi bài viết: “Vội về để tang bà, cô gái trẻ bị xe nghiến qua người thảm khốc” được lên trang, tinh thần của Ngọc phấn chấn hẳn lên bởi em được nhận nhiều nguồn năng lượng tích cực từ mọi người.

Những lời thăm hỏi, động viên và cả sự giúp đỡ về mặt vật chất khiến em có điều kiện để tiếp tục điều trị. Sau thời gian nằm cấp cứu bên Việt Đức, Ngọc trở sang bệnh viện Bạch Mai lắp chân giả với chi phí hết 140 triệu đồng do bạn đọc Dân trí hỗ trợ. Cũng trong thời gian này, em bắt đầu tập đi trên chiếc chân giả và thích nghi dần với cuộc sống mới.

Cô gái trẻ bị ô tô nghiến đứt chân đã trở thành nữ bác sĩ - 7
Nụ cười trở lại với Ngọc

Sau thời gian điều trị, Ngọc xuất viện trở về nhà nghỉ ngơi 2 tháng, sau đó em xin mẹ xuống bệnh viện Bạch Mai học 3 tháng và học ở bệnh viện ĐH Y Hà Nội tiếp 9 tháng nữa. Ngọc cho biết vì thời gian nằm điều trị khá lâu nên em phải bồi dưỡng thêm về chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh để phục vụ cho công việc sau này. Nhớ lại những ngày đi học dưới Hà Nội, Ngọc kể lại lúc đó với đôi chút ngượng ngùng.

“Em phải chống nạng để đi vì chân giả khi đó hoạt động chưa linh hoạt. Mọi người trong bệnh viện cứ nhìn em suốt thôi làm em cũng ngại. Nhưng dần dần quen em lấy lại tinh thần và coi nó là chuyện bình thường”.

Đi học về, Ngọc được nhận công tác tại bệnh viện tỉnh Lạng Sơn với chuyên môn là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Em kể khối lượng công việc dày đặc, việc di chuyển từ phòng siêu âm sang phòng chụp Xquang rồi qua phòng chụp city, có những ngày tổng cộng quãng đường di chuyển trong viện của Ngọc lên đến 6km. Dù mệt và đôi khi đuối sức nhưng em lúc nào cũng lạc quan thấy vui, yêu đời và yêu thích đặc biệt công việc mình đang làm.

Cô gái trẻ bị ô tô nghiến đứt chân đã trở thành nữ bác sĩ - 8
Vượt lên trên hoàn cảnh, Ngọc giờ trở thành bác sĩ tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn

“Em cài phần mềm đo quãng đường mình di chuyển chị ạ. Có nhiều hôm về nhà giật mình bởi hôm nay mình đã di chuyển đến tận 6km. Thật ra lúc đó em thấy vui, cảm giác như kiểu chiến thắng được bản thân mình vậy” – Ngọc xúc động kể.

Do bệnh viện khá xa nhà nên hiện tại trên thành phố chỉ có mình Ngọc sinh sống. Em thuê 1 phòng nhỏ cách bệnh viện 5km để đi làm. Tiền phòng mỗi tháng hết 1,5 triệu đồng, cùng các khoản tiền ăn uống, sinh hoạt, mỗi tháng sau khi chi trả em cũng cố gắng tiết kiệm được một ít để chuẩn bị cho việc đi học thạc sĩ sắp tới của mình.

Nói về dự định này, Ngọc cười, bẽn lẽn: “Em phải đi thi, đỗ mới được học chị ạ. Ước mơ của em là học lên Thạc sĩ nữa vì trước đây em mới tốt nghiệp Đại học”.

Cô gái trẻ bị ô tô nghiến đứt chân đã trở thành nữ bác sĩ - 9

Vượt qua nỗi đau cùng sự sợ hãi, cô gái đã trở thành bác sĩ.

Mục tiêu được đặt ra rõ ràng, ngoài công việc ở bệnh viện, những ngày cuối tuần được nghỉ không phải đi trực, Ngọc tranh thủ làm thêm ở các phòng khám tư để có thêm thu nhập.

Kể về những dự định trong tương lai gần em rất muốn thực hiện, Ngọc cho biết có 3 việc đó là đăng kí thi học Thạc sĩ; Dành dụm tiền để mỗi tháng có thể dư ra từ 1-2 triệu đồng làm từ thiện và sau này khi có điều kiện hơn em rất muốn được thay thế chiếc chân giả với chất lượng tốt hơn để phục vụ công việc đi lại và sinh hoạt của mình.

Phạm Oanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm