1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số: 5468

Bố mẹ ốm yếu ăn mèn mén, để dành gạo nấu cháo nuôi con

Mạnh Mường

(Dân trí) - Trong căn nhà chơ vơ ở đỉnh núi cao nhất Bảo Lâm, Cao Bằng, anh Giàng Súa Hồ (SN 1970) và vợ đang đối diện với bệnh tật. Hàng ngày vợ chồng ăn mèn mén, dành gạo nấu cháo nuôi các con.

Vợ chồng nghèo đi chung đôi dép rách, ước con ăn no và được học hành

Từ cây Chò di sản nằm tại trung tâm xóm Sác Ngà, chúng tôi theo chân cán bộ xã, leo con đường dốc độc đạo, ngoằn ngòeo, xa lắc, khó đi để đến thăm gia đình anh Giàng Súa Hồ, hộ đặc biệt khó khăn ở khu Tát Trà (xóm Sác Ngà, xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng).

"Đi dọc theo con đường dích dắc này, qua ngọn núi đấy, rồi đến mấy cái suối, leo hết ngọn núi vàng vàng kia là đến", anh Lý Văn Chầu (SN 1981, cán bộ xã Thạch Lâm) chỉ tay về phía đỉnh núi cao và nói như vậy.

Bố mẹ ăn mèn mén, để dành gạo nấu cháo loãng nuôi con (Video: Mạnh Mường).

Giữa trùng trùng núi, trên bảng lảng mây, rét cắt da thịt, phóng viên Dân trí luồn dưới những tán rừng, vượt qua không biết bao nhiêu ngọn núi. Cả nhóm 3 người đi bộ không nghỉ, từ 9h15 đến 12h mới lên được Tát Trà - nơi mà người dân nói rằng cao nhất huyện Bảo Lâm.

Trong căn nhà xiêu vẹo, anh Giàng Súa Hồ (SN 1970) và vợ là chị Lý Thị Giàng (SN 1977) đang chia nhau mấy thìa mèn mén, ăn trưa. Cô con gái nhỏ (Giàng Thị Dinh, SN 2023) đang ăn ngon lành bát cháo đặc.

Bố mẹ ốm yếu ăn mèn mén, để dành gạo nấu cháo nuôi con - 1

Anh Giàng Súa Hồ (SN 1970) và vợ con đang đứng trước căn nhà xiêu vẹo ở Tát Trà, xóm Sác Ngà, xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng (Ảnh: Mạnh Mường).

Bố mẹ ốm yếu ăn mèn mén, để dành gạo nấu cháo nuôi con - 2

Nồi cháo nấu lâu đã đặc, trông giống cơm nhão mà vợ chồng anh Súa Hồ để dành cho các con ăn (Ảnh: Mạnh Mường).

"Vợ chồng này thuộc diện hộ nghèo, không còn họ hàng thân thích, sống tách biệt trên núi cao này. Họ nghèo tới nỗi, đi chung 1 đôi dép mà được tặng từ thiện cách đây 3 năm trong lần đưa con trai xuống trung tâm khám bệnh. Chiếc áo duy nhất anh Giàng Súa Hồ đang mặc cũng được tặng từ lâu", anh Lý Văn Chầu cho biết.

Theo vị cán bộ xã Thạch Lâm, anh Giàng Súa Hồ là lao động chính, người vợ ốm đau và 3 con nhỏ đều trông cả vào anh. Cách đây mấy năm, trong lần đi đào củ rừng mưu sinh, anh bị ngã đập đầu vào tảng đá dẫn tới lõm xương trán. Bản thân người đàn ông khốn khổ này đang bị bệnh gan và phổi nên sức khỏe ngày càng yếu.

Bố mẹ ốm yếu ăn mèn mén, để dành gạo nấu cháo nuôi con - 3

Đôi dép rách, vá víu chằng chịt nhưng 2 vợ chồng vẫn luân phiên sử dụng (Ảnh: Mạnh Mường).

Cuộc sống quá khó khăn, tới nỗi, không có dép để đi, không đủ quần áo mặc. Nhưng, điều đáng cảm kích nhất là tấm lòng anh Súa Hồ dành cho vợ con. Anh luôn mong ước, các con có thể rời nơi đây, "đi theo cái chữ", "xuống núi", sống cuộc đời tốt đẹp hơn cha mẹ.

"Họ hàng chết hết rồi, giờ không ai giúp được mình. Mình không khỏe như trước nữa, vợ lại hay ốm nên vất vả. Ước lo cho 3 đứa con đủ ăn, được đi học thôi mà khó quá!", anh Giàng Súa Hồ nặng lòng bày tỏ.

Người đàn ông có gương mặt khắc khổ cho biết, 1 năm thì khoảng 5-6 tháng thiếu gạo ăn. Giai đoạn này, trong nhà chỉ còn ít gạo, phải để dành nấu cháo cho các con ăn, còn 2 vợ chồng chỉ ăn mèn mén.

Một năm sập nhà 2 lần, gia đình nghèo "bó tay" phó mặc số phận

Theo tìm hiểu của phóng viên, đã hơn 20 năm, từ ngày rời quê hương Hà Giang sang định cư ở đây, anh Giàng Súa Hồ không còn họ hàng thân thích, chị Giàng kém trí tuệ cũng tứ cố vô thân. Họ ráp vào với nhau rồi sinh được 1 trai, 3 gái. Nhưng con trai cả xấu số đã lìa đời cách đây vài năm cũng bởi khó nghèo.

Chị Giàng nặng tai, chậm chạp, sức khỏe yếu, chỉ có thể ở nhà dọn dẹp lặt vặt và trông con. Mọi việc lớn nhỏ đều phụ thuộc hết vào chồng. Nhưng giờ đây, bản thân anh đau yếu, không đủ sức khỏe để làm các công việc nặng.

Ngày còn khỏe, người đàn ông khốn khổ đi khắp các khoảnh rừng, làm nương, cuốc ruộng, kéo cày thay trâu… Nhưng giờ đây, anh nói chuyện, thở ra cũng thấy khó nhọc do ảnh hưởng bởi căn bệnh phổi và gan.

Bố mẹ ốm yếu ăn mèn mén, để dành gạo nấu cháo nuôi con - 4

Anh Giàng Súa Hồ sau tai nạn bị lõm ở trán, giờ lại bị bệnh gan và phổi (Ảnh: Mạnh Mường).

Hiện nay, gia đình 5 người sống trong căn nhà cột gỗ, xiêu vẹo, lợp tôn xi măng đã cũ. Quanh nhà trống hoác, chắp vá bằng tôn cũ, không đảm bảo chắc chắn, vách làm từ tre nứa đã mục, không che chắn được gió mưa.

Năm 2024, căn nhà đã sập 2 lần, gia đình phải trả 2 con bò để thuê người ta dựng lại. Bây giờ, tài sản gia đình chẳng có gì ngoài con chó nhỏ giữ nhà và mấy con gà. Anh Súa Hồ lo sợ, nếu lần này nhà sập thì không biết lấy gì để dựng lại cho vợ con.

Bố mẹ ốm yếu ăn mèn mén, để dành gạo nấu cháo nuôi con - 5

Căn nhà đã sập 2 lần trong năm 2024, giờ là nỗi ám ảnh của cả gia đình (Ảnh: Mạnh Mường).

Ông Ngô Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm cho biết, đây là địa bàn khó khăn nhất của huyện Bảo Lâm. Dân cư đông, diện tích rộng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (trên 48% hộ nghèo, trên 33% cận nghèo), trình độ còn hạn chế. Người dân chủ yếu làm nương rẫy, trồng ngô, lúa.

"Sác Ngà là xóm xa xôi của xã, hộ gia đình ông Giàng Súa Hồ đặc biệt khó khăn, hiện không có nhà ở. Mong bạn đọc báo Dân trí, các nhà hảo tâm chung tay, giúp đỡ gia đình vơi bớt khó khăn, giúp họ làm được căn nhà kiên cố, yên tâm sinh sống", Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm mong mỏi.

Ảnh: Mạnh Mường

Video: Mạnh Mường