1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bí ẩn khổ đau của một gia đình

(Dân trí) - Gia đình ông Nguyễn Phúc Quyền ở xóm 8, xã Văn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) là một “đại diện” của những hoàn cảnh tận khổ. Người con trai cả của ông vẫn sống trong nhà nhưng từ hàng chục năm nay nhưng không một ai nhìn thấy mặt anh…

Ông Quyền sống trong một căn nhà bé nhỏ, thấp tè, cũ kỹ, nằm lọt thỏm giữa những lùm chuối xác xơ - cảnh vật thật hoang vắng, tiêu điều. Bước vào nhà, chúng tôi thấy một ông lão khoảng ngoài bảy mươi tuổi, nằm bẹp trên giường, thở khò khè. Hình như ông không cảm nhận được những gì đang diễn ra xung quanh.

 

Phía góc nhà, một thanh niên mặc chiếc quần cộc, khuôn mặt ngờ nghệch của người mắc bệnh đao, ngửa cổ lên nóc nhà cười. Anh Khôi, người dẫn đường cho chúng tôi, nói: “Người nằm đó là ông  Quyền. Cuộc sống khổ đau và bất hạnh đã quật ngã ông nằm đó  4 năm nay. Người thanh niên đó là con trai út Nguyễn Phúc Quảng của ông, bị thần kinh bẩm sinh”.

 

Anh Khôi vén tấm vải rách làm ri đô đối diện với giường ông Quyền. Trước mặt chúng tôi là một người đàn bà người gầy quắt, da xanh vàng bợt bạt. “Đây là bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Quyền. Bà ấy bị ung thư dạ dày, bệnh viện trả về để lo hậu sự”, anh Khôi cám cảnh nói.

 

Mọi sự giúp đỡ, chia sẻ xin gửi về:

 

1. Quỹ Nhân ái - Báo điện tử Dân trí, Số 2/48 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội, điện thoại: 04. 7366491 (máy lẻ 101)

 

2. Ông Nguyễn Phúc Quyền ở xóm 8, xã Văn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An)

Bà Liên nhìn chúng tôi không nói, chỉ thấy nước mắt bà trào ra trên khuôn mặt nhăn nhúm, khắc khổ. Chúng tôi không dám nhìn lâu vào ánh mắt của người đàn bà biết mình không còn sống được bao lâu trên cõi đời này. 

Đúng lúc đó, một người con gái nhỏ nhắn, quần áo lấm bùn đất, xuất hiện. Anh Khôi giới thiệu đó là cô con gái thứ hai của ông Quyền. “Tội nghiệp, chỉ vì xuất thân trong một gia đình như thế nên cháu nó bị nhà chồng đuổi về. Cũng may có nó về cáng đáng chứ cả nhà chẳng biết trông cậy vào ai. Hàng ngày cháu nó phải lặn ngụp kiếm tiền rau cháo cho cả nhà”. 

Chúng tôi hỏi thăm người con cả, anh Khôi cho biết đó là anh Nguyễn Phúc Quân, lúc mới sinh ra hoàn toàn khoẻ mạnh. Học hết lớp 7, Quân theo bạn bè vào Nam làm thuê kiếm sống. Ở trong Nam được vài năm, đột nhiên Quân sinh chứng thần kinh sợ ánh sáng, sợ người. Mỗi khi có người lạ là Quân lủi như con mèo hoang, gia đình phải đi đón về.

 

Đã hơn 10 năm nay, anh Quân tự giam mình trong một gian bếp khoảng 2m2, không tiếp xúc với bên ngoài. Hàng xóm láng giềng sống gần kề cũng không bao giờ thấy mặt anh. Anh Nguyễn Thanh nhà ở gần đó nói: “Lạ thật, đã chục năm nay làng xóm không thấy chú Quân ở mô cả. Có nhiều đêm làng xóm nghe tiếng gào phát ra từ nhà ông Quyền như tiếng thú rừng bị chọc tiết, thật rùng rợn, thật bí ẩn!”.

 

Bí ẩn khổ đau của một gia đình - 1

Hai "ô cửa" nhỏ nơi gian bếp tối anh Quân giam mình hơn chục năm nay. (Ảnh: T.Dũng)

 

Cô em gái anh Quân cho biết anh trai chị đã giam mình trong bếp tối hơn 10 năm rồi, mỗi giờ ăn ngưòi nhà phải đút cơm qua ô cửa. Nhiều khi nghe tiếng thở, tiếng khóc, tiếng gào vào ban đêm mới biết anh còn sống. Nhưng có điều lạ là anh ra ngoài đi vệ sinh lúc nào cũng không ai biết.

 

Chị Loan dẫn chúng tôi ra gian bếp khóa im ỉm sau nhà. Tôi cố nhìn qua khe bếp, không thấy người đâu, chỉ mờ mờ một đống chiếu, chăn rách. Hỏi chị Loan sao không đưa anh đi chữa bệnh, chị buồn bã, lấy đâu ra tiền, tiền ăn còn không có.

 

Chị nói gia đình chị ai cũng tận khổ. Chị học xong lớp 7 là đi lấy chồng. Mang thai mấy lần mà con đều chết lưu. Nhà chồng sợ gia cảnh chị bệnh tật nên đuổi về. Mẹ chị thì từ ngày lấy bố chị chưa được một phút nghỉ ngơi. Gánh vác công việc gia đình và mấy đứa con bệnh tật, sức bà kiệt dần và giờ chỉ biết nằm chờ chết.

 

Bố chị, ông Quyền sinh năm 1946. Học hết phổ thông, ông xung phong lên đường đi đánh Mỹ. Triền miên suốt 9 năm chiến đấu khắp các chiến trường, đất nước giải phóng, ông về quê lấy vợ. Xâu chuỗi những bất hạnh trong gia đình ông, làng xóm đoán rằng ông đã bị nhiễm chất độc màu da cam. Chính thứ bột giết người quái ác ấy đang giết dần mòn những thành viên trong gia đình ông.

 

Bản thân ông Quyền vốn sức khỏe yếu, 4 năm nay lại mù lòa hẳn, mỗi khi trái nắng trở trời là đầu đau như búa bổ, toàn thân như có ngàn con kiến bò cắn rứt, đầu óc lẩn thẩn…

 

Nói về chế độ của cha, chị Loan nói vì cha lẩn thẩn không nhớ, lại đã làm mất hết giấy tờ nên giờ vẫn chưa có chế độ.

 

Bà Nguyễn Thị Liên nói trong hơi thở phều phào: “Tui sự sống tính từng giờ, ông nhà tui cũng rứa. Chỉ thương mấy đứa rồi đây không biết sống chết ra răng. Không biết gia đình tui làm chi nên tội mà ông trời nỡ đày đoạ như rứa. Trời bắt hết, nhà tui rồi cũng chẳng còn ai”, rồi bà khóc tức tưởi như mưa, nước mắt tứa ra như bị dồn nén từ bao giờ…

 

Tiến Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm