1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số: 5392

Bệnh nhân ghép phổi hiếm gặp: "Những tấm lòng nhân ái tái sinh cuộc đời em"

Hương Hồng

(Dân trí) - "Hầu hết những sự cố của ca ghép phổi đều diễn ra ở bệnh nhân Hiền", Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ về ca ghép phổi thứ 3 thành công tại bệnh viện.

Nữ bệnh nhân ghép phổi nghẹn ngào gửi lời cảm ơn trong ngày xuất viện (Video: Hương Hồng)

Ca ghép phổi thành công ở người bệnh "hiếm gặp" 

Trước khi phát hiện bệnh, chị Trịnh Thị Hiền (SN 1985, trú tại Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An) là một công nhân chăm chỉ, cùng chồng xây dựng tổ ấm nhỏ. Tuy nhiên, khoảng hai năm trước, chị bắt đầu cảm thấy tức ngực, khó thở và mệt mỏi đến mức không thể tiếp tục công việc.

Tiến sĩ, bác sĩ (TS.BS) cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ, trước đó, bệnh nhân Hiền ngoài căn bệnh tràn dịch màng phổi còn được chẩn đoán mắc bệnh Lymphangioleiomatomatosis (LAM),  là một sự tăng trưởng không đau của tế bào cơ trơn xung quanh phổi, các mạch máu phổi, mạch bạch huyết và màng phổi.

Theo TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, để điều trị cho chị Hiền, có 2 phương án là vá lại phổi hoặc ghép phổi. Với phương án vá lại phổi, các bác sĩ lo ngại chỉ được một thời gian ngắn và nguy cơ bục rất cao nếu người bệnh hoạt động quá công suất lá phổi. Phương án thứ hai là ghép phổi nhưng cơ hội để được ghép giống như một tia hy vọng le lói cuối cùng.

Tuy nhiên, "hầu hết sự cố của ca ghép phổi đều diễn ra ở bệnh nhân Hiền", TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng chia sẻ về tình trạng "khó gặp" của bệnh nhân Hiền - người vừa được thực hiện ghép phổi thành công tại Bệnh viện Phổi Trung ương và được xuất viện sau 7 tháng trong phòng cách ly đặc biệt.

Theo Tiến sĩ Lượng, đây là bệnh hiếm, nếu không được ghép phổi, sự sống của chị Hiền không thể kéo dài qua 5 tháng.

Bệnh nhân ghép phổi hiếm gặp: Những tấm lòng nhân ái tái sinh cuộc đời em - 1

Phóng viên Dân trí cùng ban Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương trao số tiền 100 triệu đồng bạn đọc Dân trí giúp đỡ tới vợ chồng chị Trịnh Thị Hiền (Ảnh: CTV).

Tháng 5, cơ hội đã đến với chị Hiền khi có người hiến phổi phù hợp, ca ghép được tiến hành nhưng không hề suôn sẻ.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện tĩnh mạch phổi dưới bên trái của chị Hiền bị khiếm khuyết, gây khó khăn trong việc ghép phổi. Đội ngũ y bác sĩ đã phải cân não để tạo hình lại tĩnh mạch này. Tiếp đó, chị Hiền phải trải qua thêm 1 ca phẫu thuật để tạo hình lại toàn bộ tĩnh mạch phổi dưới bên trái.

Ca ghép phổi cho chị Hiền với sự tham gia hội chẩn trực tuyến của các chuyên gia hàng đầu thuộc Trung tâm Ghép phổi UCSF, Trường Đại học California, tại San Francisco (Mỹ), một trong những Trung tâm y học uy tín hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ của các chuyên gia về tim mạch như GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội,...

Những tưởng khó khăn đã qua thì các bác sĩ lại phát hiện chị Hiền có khối u ở thận và gây ra tình trạng vỡ. Ngay lập tức ê kíp bác sĩ đưa chị quay lại phòng mổ, loại bỏ thận phải.

Bệnh nhân ghép phổi hiếm gặp: Những tấm lòng nhân ái tái sinh cuộc đời em - 2

Ca đại phẫu do TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương tổng chỉ huy và là người trực tiếp thực hiện (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Ổn định được thời gian ngắn, bất thường lại ập đến khi chị xuất hiện tình trạng rò dưỡng chất trong hệ thống đường tiêu hóa. May mắn chị được các bác sĩ xử lý kịp thời.

Trong giai đoạn phục hồi, chị Hiền lại bị mắc virus thường gặp ở bệnh nhân ghép tạng. Virus này làm tiêu toàn bộ máu hồng cầu ngoại biên, gây nên tình trạng thiếu máu trầm trọng. Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương đã phải sử dụng phác đồ điều trị đắt đỏ, lên tới 200 triệu đồng trong 5 ngày để loại bỏ hoàn toàn virus này trong cơ thể người bệnh.

"Tính đến thời điểm hiện tại, tổng chi phí của bệnh nhân hết khoảng 3,6 tỷ đồng, trong đó BHYT chi trả 1,5 tỷ đồng và còn phải thanh toán khoảng 2,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên gia đình mới đóng được khoảng 60 triệu đồng, số tiền còn lại bệnh viện đã ký quỹ ứng trước cho bệnh nhân", bác sĩ Lê Ngọc Huy, Phó Giám đốc Trung tâm ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ.

Bệnh nhân ghép phổi hiếm gặp: Những tấm lòng nhân ái tái sinh cuộc đời em - 3

Sau 7 tháng trong phòng cách ly đặc biệt sau ca ghép phổi, tổng chi phí của chị Hiền hết khoảng 3,6 tỷ đồng, trong đó BHYT chi trả 1,5 tỷ đồng và còn phải thanh toán khoảng 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên gia đình mới đóng được khoảng 60 triệu đồng (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Những tấm lòng nhân ái chung tay đưa người phụ nữ từ cõi chết trở về

Trước hoàn cảnh ngặt nghèo của chị Hiền, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm. Sau khi bài viết "Bác sĩ kêu gọi nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ nữ bệnh nhân ghép phổi", được báo Dân trí đăng tải, bạn đọc, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ gia đình chị Hiền số tiền 100 triệu đồng.

Sự giúp đỡ quý báu của bạn đọc Dân trí và nhà hảo tâm không chỉ giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn tiếp thêm niềm tin và hy vọng cho chị Hiền cùng gia đình trong cuộc chiến chống lại bệnh tật.

Chị Hiền chia sẻ: "Sức khỏe hiện tại của em đã tốt hơn rất nhiều so với trước. Giờ đây em có thể tự làm các công việc phục vụ bản thân, đi bộ được hàng trăm mét mà không biết mệt. Em mong muốn trở về nhà, nơi có gia đình của mình để phục hồi sức khỏe".

Bệnh nhân ghép phổi hiếm gặp: Những tấm lòng nhân ái tái sinh cuộc đời em - 4

Nụ cười hạnh phúc của chị Hiền và cái nắm tay thật chặt của người chồng trong ngày chị xuất viện (Ảnh: Hương Hồng).

Ngày xuất viện, chị Hiền không giấu được niềm xúc động. Chị cùng chồng và bố mẹ chồng gửi lời tri ân sâu sắc đến các y bác sĩ và bạn đọc Dân trí, các nhà hảo tâm đã đồng hành, hỗ trợ gia đình trong suốt thời gian qua.

Bác Nguyễn Văn Bốn (bố chồng chị Hiền) xúc động nói: "Đây quả là một phép màu, con tôi đã được cứu sống, được sinh ra lần thứ hai. Con tôi được sống đến ngày hôm nay là nhờ ơn của các y bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương, bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm".

Theo Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả bộ phận. Đến nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thành công 4 ca ghép phổi. Trong đó, chị Trịnh Thị Hiền là trường hợp bệnh nhân thứ 3 ghép phổi thành công.

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng biết, trung bình một ca ghép phổi khoảng 1,5-2 tỷ đồng, đây là con số quá lớn với một gia đình. Vì thế, ông rất mong mỏi sẽ gây dựng được quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân ghép phổi để có nhiều mảnh đời có cơ hội được hồi sinh.