Bạn đọc Báo Dân trí tri ân dịp 27/7: Con trai mẹ khai thêm tuổi để nhập ngũ
(Dân trí) - Đón nhận món quà tri ân, mẹ Lê Thị Mâu (98 tuổi), xúc động bảo: "Thương lắm, không đủ tuổi đi bộ đội, con đã khai thêm để xin lên đường nhập ngũ. Con đi rồi không về nữa!".
Nhân Kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021), Nhà báo Phạm Tuấn Anh - Tổng biên tập báo Dân trí đã quyết định trích 200 triệu đồng từ Chương trình Nhân ái do bạn đọc ủng hộ dành tặng tri ân gia đình chính sách.
Đây là chương trình ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động tri ân, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" đối với gia đình chính sách, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, được báo điện tử Dân trí triển khai tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Tại Thanh Hóa, chiều 22/7, đại diện báo Dân trí cùng ngành LĐ-TB&XH và chính quyền địa phương đã đến nhà thăm hỏi, động viên và trao 10 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng của bạn đọc báo Dân trí trao tặng tới những người mẹ, người vợ liệt sĩ, thương, bệnh binh tại xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn.
Năm nay đã 99 tuổi nhưng cụ Lê Thị Mồng, thôn 6, xã Thọ Cường - mẹ liệt sĩ Nghiêm Văn Lân vẫn còn khá minh mẫn, mẹ vui khi biết đoàn đến thăm, động viên mẹ nhân dịp tri ân các gia đình người có công.
Tại đây, đoàn đã thăm hỏi, động viên, đồng thời trao quà đến mẹ Lê Thị Mồng, mong muốn mẹ có thật nhiều sức khỏe để làm chỗ dựa tinh thần cho con cháu.
"Con trai mẹ đã hi sinh bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước quan tâm mẹ vui lắm. Con cháu mẹ cũng chăm sóc chu đáo. Mẹ xin cảm ơn Đảng, Nhà nước và các ban, ngành, báo Dân trí", mẹ Mồng tâm sự.
Với thương binh Lê Văn Thận (SN 1946), nhập ngũ năm 1965, tham gia chiến đấu ở mặt trận Thừa Thiên Huế. Đến năm 1974, sau khi bị thương, ông được chuyển ra Bắc điều trị rồi xuất ngũ trở về địa phương. Ông Thận cũng là con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Giờ đây, tuổi cao, sức yếu, ông không còn làm được việc gì giúp vợ con, lại thường xuyên ốm đau phải đi viện, nên cuộc sống của gia đình ông khá khó khăn.
"Giờ có tuổi, lại bị thương nên sức khỏe không còn tốt, chân tay run, đi lại khó khăn, thường xuyên phải đi viện. Ngoài chế độ, chính sách hàng tháng của Nhà nước, năm nào cũng vậy, đến ngày lễ, tết đều được nhận quà. Cuộc sống nông thôn tuy còn nhiều khó khăn, nhưng có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên chúng tôi thấy được động viên, an ủi. Năm nay, chúng tôi còn được báo Dân trí quan tâm, tặng quà, xin được ghi nhận, cảm ơn đến các cấp chính quyền, ban, ngành và báo Dân trí", thương binh Lê Văn Thận chia sẻ.
Dù đã bước qua tuổi 98, mẹ liệt sĩ Lê Thị Mâu (SN 1923), thôn 5, xã Thọ Cường vẫn còn nhớ, con trai mẹ là liệt sĩ Lê Đình Diền (SN 1950) vì muốn nhập ngũ, dù khi đó mới 16 tuổi, nhưng đã khai thêm tuổi để được ra chiến trường. Năm 1967, sau một năm nhập ngũ, con trai mẹ đã hi sinh khi mới 17 tuổi.
"Thương lắm, không đủ tuổi để được đi bộ đội, con đành phải khai thêm tuổi để được lên đường bảo vệ tổ quốc. Con đi rồi không về nữa", mẹ Mâu bật khóc khi nhớ về con.
Còn với cụ Nguyễn Thị Xứ (SN 1937), là vợ liệt sĩ Lê Như Hàn, ở thôn 1, xã Thọ Cường, do tuổi cao, sức yếu nên đi lại khá khó khăn, hiện cụ sống cùng gia đình người con trai.
Gặp chúng tôi trong dịp cả nước hướng tới ngày Thương binh liệt sĩ cụ Xứ xúc động tâm sự: "Chồng tôi nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường phía Nam. Ba năm sau ngày nhập ngũ, ông ấy đã hi sinh. Tôi một mình bươn chải, nuôi 3 con để ông ấy được yên nghỉ".
Ông Phạm Sỹ Khoa - Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường chia sẻ: "Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, hàng năm, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đến đối tượng người có công, gia đình chính sách của địa phương. Năm nay, cùng với Đảng, Nhà nước, còn có các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là báo Dân trí đồng hành, quan tâm rất nhiều đến các đối tượng chính sách của địa phương.
Thay mặt lãnh đạo địa phương, các gia đình xin cảm ơn các cơ quan, đoàn thể và bạn đọc báo Dân trí luôn đồng hành và quan tâm. Chúng tôi mong muốn báo Dân trí quan tâm hơn nữa đến các đối tượng chính sách, người có công của địa phương".
Ông Lê Duy Quân - Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Triệu Sơn cho biết: "Hiện trên địa bàn huyện Triệu Sơn có trên 5.000 đối tượng người có công. Nhân dịp này, ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bạn đọc báo Dân trí cũng dành sự quan tâm, ủng hộ các đối tượng thân nhân, người có công với cách mạng, gia đình chính sách của địa phương. Thay mặt ngành lao động Triệu Sơn xin cảm ơn báo Dân trí, mong rằng, hàng năm, các gia đình người có công không chỉ tại Triệu Sơn mà trên cả nước tiếp tục được sự quan tâm của báo Dân trí nhiều hơn nữa".
Tại Hà Tĩnh, chiều 22/7, PV cùng đại diện ngành LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương cũng đến tận nhà thăm và trao 10 suất quà tới các gia đình chính sách là thương binh, thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn… trên địa bàn thị trấn Vũ Quang (huyện Vũ Quang).
Qua thăm hỏi, động viên, các đối tượng chính sách đều rất xúc động gửi lời cảm ơn đến báo Dân trí và các nhà hảo tâm. Nhiều thương binh còn bật khóc khi nhớ về những năm tháng chiến đấu bảo vệ tổ quốc và cảm động trước sự quan tâm của các cấp ngành đối với đời sống hiện tại của họ.
Thương binh Trương Chỏng (83 tuổi, trú tổ 4, thị trấn Vũ Quang) là người miền Nam, từng tham gia kháng chiến chống Pháp, sau đó tập kết ra Bắc, lấy vợ rồi về Hà Tĩnh sinh sống. Hiện gia đình chỉ có vợ chồng già, cả 2 đều ốm đau. Thời điểm chúng tôi đến thăm, ông Chỏng sức khỏe yếu được người cháu đến chăm sóc, còn vợ đang phải nhập viện.
Nhận được sự động viên, chia sẻ, ông Chỏng đã không nén nổi cảm xúc, ông bật khóc: "Chúng tôi đã từng chiến đấu bảo vệ tổ quốc và chưa bao giờ đòi hỏi về sự đền đáp sau này. Tuy nhiên, khi về già, ốm đau bệnh tật nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như toàn thể nhân dân chúng tôi cảm động lắm. Sự quan tâm đó, giúp chúng tôi phần nào quên đi những vết thương của chiến tranh đang mang trên người, cố gắng vươn lên trong cuộc sống".
Còn đối với bà Phạm Thị Ngụ (84 tuổi, trú tổ 4, thị trấn Vũ Quang, là vợ của Liệt sĩ Nguyễn Văn Tiến) hiện sống một mình vì con cái đều đi làm ăn xa, cuộc sống khi về già gặp rất nhiều khó khăn trong cảnh neo đơn. Tuy nhiên, bà luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ngành địa phương và những chế độ chính sách góp phần giúp bà vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Tại buổi trao quà, ông Nguyễn Minh Đức - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Vũ Quang cho biết, những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa, chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, là địa bàn miền núi, điều kiện phát triển kinh tế còn hạn chế, các đối tượng chính sách vẫn gặp nhiều khó khăn.
"Sự quan tâm của những tổ chức, các tấm lòng hảo tâm dành cho các đối tượng chính sách là rất cần thiết, là nguồn động viên rất lớn giúp họ vươn lên trong cuộc sống, đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn báo Dân trí và bạn đọc, mong rằng thời gian tới những hoạt động như thế này được nhân rộng để giúp đỡ thêm nhiều gia đình chính sách hơn nữa", ông Đức nói.
Tại Quảng Trị, cũng trong chiều 22/7, đại diện báo Dân trí phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Linh tổ chức tặng quà đến các gia đình chính sách, gia đình có công trên địa bàn.
Đây là những thương binh, bệnh binh, gia đình có công có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những thương binh, bệnh binh mang trên mình thương tật suốt đời, bị mất sức lao động, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Những năm qua, các chế độ, chính sách người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH quan tâm đặc biệt. Thời gian qua, Báo điện tử Dân trí cũng luôn đồng hành, thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội, hướng đến các gia đình chính sách, người có công, góp phần bù đắp phần nào những hi sinh, mất mát của các thế hệ cha anh đối với sự nghiệp thống nhất đất nước.
Tại huyện Vĩnh Linh, báo điện tử Dân trí cũng trao tặng 10 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) đến các đối tượng có công với cách mạng trên địa bàn.
Ông Trần Đình Hội (SN 1945, trú tại thị trấn Hồ Xá) là thương binh mất 81% sức khỏe bày tỏ niềm vui khi đón nhận món quà của bạn đọc Báo điện tử Dân trí tri ân: "Tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của báo Dân trí đối với những thương binh, bệnh binh. Đây là niềm động viên to lớn để chúng tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và tiếp tục nuôi dạy con cháu nên người".
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Đào (ở thôn An Du Đông, thị trấn Cửa Tùng) là vợ của thương binh đã từ trần. Bao năm qua, một mình bà Đào gồng gánh nuôi hai con trai bị tâm thần nặng. Vượt qua nghịch cảnh, bà Đào đã cố gắng nuôi con. Nay bản thân bà tuổi đã cao, lại đau ốm, không làm được việc nặng khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
"Chồng đã mất, để lại một mình tui nuôi hai đứa con bị bệnh tật. Nhưng mẹ con tui luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành. Đó là sự động viên tinh thần to lớn, nếu còn sống chắc chồng tui cũng rất vui", bà Đào nói.
Còn đối với thương binh Trần Hữu Kiên (ở thôn Tư Chính, xã Vĩnh Tú) mang trên mình thương tật mất tới 81% sức khỏe, phải chống chọi với những cơn đau đớn mỗi khi trái gió trở trời. Bản thân ông năm nay cũng đã hơn 80 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu.
"Được sống đến ngày hôm nay đối với tôi là may mắn, hạnh phúc. Nhiều đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hi sinh để bảo vệ quê hương, bảo vệ nền độc lập cho đất nước. Vào mỗi dịp lễ, ông đều nhận được sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương và các đơn vị, tổ chức. Món quà của Báo Dân trí hôm nay trao tặng các gia đình chính sách vô cùng ý nghĩa và thiết thực", ông Kiên tâm sự.
Tại buổi trao quà, ông Hoàng Văn Thái - Cán bộ chính sách Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Linh thay mặt các gia đình, gửi lời cảm ơn Báo điện tử Dân trí và các nhà hảo tâm đã dành sự quan tâm đến những gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện.
Ông Thái cho biết, huyện Vĩnh Linh có số lượng rất lớn gia đình chính sách, người có công, thương binh, bệnh binh. Những năm qua, chính quyền địa phương luôn thực hiện tốt công tác "đền ơn đáp nghĩa", chăm lo chu đáo các gia đình chính sách, các thương binh, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn.