Tuyển sinh đại học liệu "tít mù lại vòng quanh"?
Các em học sinh và phụ huynh chưa hết băn khoăn vì những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025, thì lại đón nhận thông tin nhiều trường đại học có thể đổi mới tuyển sinh và không dựa vào kỳ thi này nữa.
Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có các môn bắt buộc và tự chọn chứ không còn học theo tổ hợp môn nào thì thi theo tổ hợp môn đó. Vì vậy học sinh sẽ có môn học (chọn từ lớp 10) và môn thi (đăng ký lớp 12) không giống nhau.
Các em sẽ chỉ còn thi 4 môn, bao gồm 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán. Hai môn lựa chọn còn lại, học sinh chọn trong tổng số 9 môn được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với việc tuyển sinh đại học vẫn là các trường tự chủ, tổ chức công bằng giữa các thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch với xã hội.
Nhưng, đại diện nhiều trường đại học đang cho rằng việc đổi mới hình thức thi tốt nghiệp THPT sẽ khiến các trường không thể dựa vào kết quả này để tuyển sinh được nữa.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ dần trở lại mục đích chủ yếu là đánh giá kết quả học tập ở bậc THPT, và khi đề thi của kỳ thi này không còn tính phân hóa cao thì các trường đại học cần tìm ra giải pháp tuyển sinh phù hợp cho mình.
Trên thực tế những năm gần đây các trường đại học đã bắt đầu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, diễn biến nêu trên đặt ra vấn đề liệu tuyển sinh đại học sẽ "tít mù lại vòng quanh", thay đổi liên tục.
Trước năm 2015, ngành Giáo dục tổ chức hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học riêng, trong đó thi đại học 3 chung (chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả); từ năm 2015 là kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Sau đó kỳ thi "hai trong một" này bộc lộ nhiều hạn chế nên phải liên tục điều chỉnh, cho đến nay "kỳ thi THPT quốc gia" đã được đổi tên thành "thi tốt nghiệp THPT"…
Nhìn ra thế giới, các nước tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học như thế nào?
Lâu nay nhiều nước phát triển đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học. Ví dụ như Mỹ và Canada yêu cầu học sinh phải học đủ tín chỉ quy định và có điểm đạt ít nhất 60% ở mỗi tín chỉ này. Học sinh nào đạt tức là tự động tốt nghiệp.
Về tuyển sinh đại học thì nhiều nước dùng các tiêu chí chung để làm căn cứ xét tuyển. Ví như Úc dùng điểm ATAR. Điểm này chính là xếp hạng học sinh học trung học. Học sinh sẽ được giáo viên hướng dẫn lựa chọn môn học khi bắt đầu năm học lớp 11, các môn phù hợp với ngành theo học ở các trường đại học mà các em dự kiến đăng ký (các thầy cô sẽ tư vấn cho các em làm sao để có kết quả ATAR cao nhất). Mỗi học sinh lớp 12 tại Úc chỉ phải học 5 môn để lấy điểm ATAR xét tuyển vào đại học, và việc xét tuyển căn cứ vào xếp hạng cao thấp.
Trong khi đó, học sinh tại Anh, Singapore dùng điểm A Level hay còn gọi là Chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao để xét tuyển đại học. A Level tương đương với chương trình lớp 11 và 12 tại Việt Nam. Học sinh muốn vào trường càng tốt thì điểm này phải càng cao.
Tại Mỹ và Canada dùng các điểm SAT (thi toán và đọc - viết kết hợp), ACT (bài thi hoàn toàn trên máy vi tính, với 4 phần thi trắc nghiệm bắt buộc: tiếng Anh, toán, đọc hiểu, khoa học và 1 phần thi viết tự chọn), có bổ trợ thêm các điểm AP (dự bị đại học), IB (tú tài quốc tế); nếu là học sinh quốc tế thì cần thêm điểm Toefl hay IELTS (bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh).
Tại Anh, A Level là chứng chỉ từng môn học để đánh giá tốt nghiệp do các cơ quan giáo dục Vương quốc Anh cung cấp. Còn tại Mỹ, các điểm SAT, ACT, AP, IB… đều do tổ chức phi chính phủ cung cấp. Mỹ duy trì nhiều loại điểm như vậy nhằm tạo sự cạnh tranh, nơi nào tổ chức kỳ thi tốt nhất, uy tín nhất thì sẽ được các trường lựa chọn để làm một trong các tiêu chí xét tuyển đại học. Học sinh có thể nộp một loại điểm hay vài loại điểm để đại học xét chọn.
Ngoài các loại điểm trên, trường đại học còn có thể căn cứ vào điểm trung bình môn 4 năm trung học, thành tích hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao, các giải thưởng và bài luận để chọn sinh viên. Nhìn chung cách thức xét tuyển của họ khá linh hoạt nhằm không bỏ sót nhân tài, và đảm bảo quyền được đi học của các em.
Trở lại với việc tuyển sinh đại học ở Việt Nam, nếu bỏ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì điều dễ nhận thấy là từng trường đại học sẽ phải tổ chức kỳ thi hay áp dụng cách xét tuyển riêng.
Nếu tất cả các trường đại học lại ồ ạt tổ chức kỳ thi riêng, hay mỗi trường đưa ra một phương pháp tuyển sinh riêng biệt thì sẽ rất mệt mỏi cho thí sinh. Là vì các em sẽ phải căng mình học để thi với các kiểu tuyển sinh khác nhau ở các trường khác nhau mà mình dự định thi vào.
Về phía các trường, do không có "chuẩn đầu vào" trong tuyển sinh như ở các nước phát triển kể trên, nên các trường sẽ tốn kém chi phí tổ chức thi tuyển, đau đầu nghĩ ra các phương pháp xét tuyển mà chưa chắc đã tối ưu. Hơn nữa, các trường đang bị giới hạn bởi việc phải tuyển sinh theo đề án của Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra.
Tóm lại chuẩn mực đầu vào là một vấn đề quan trọng của giáo dục đại học. Ta có thể đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học, nhưng cùng với đó phải xây dựng tiêu chí chung để xét tuyển đại học. Việc cho các đại học tự chủ tuyển sinh, là tự chủ trên một chuẩn nào để cùng dựa vào, chứ không nên tự chủ theo kiểu "mỗi nơi một phách", rất bất hợp lý và gây khó khăn cho học sinh cũng như phụ huynh.
Năm nào ta cũng thấy đổi mới học hành và thi cử, nhưng đã nhiều năm nay vẫn chưa đưa ra được phương thức khả thi và hiệu quả, thành ra cứ thay đổi liên tục.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!