Trân trọng từng thời khắc của hòa bình
Sinh ra ở miền Trung, cũng như bao đứa trẻ sống trong vùng giáp ranh, tôi nếm trải đủ những cay đắng, đớn đau, mất mát mà chiến tranh đã mang lại cho gia đình, người thân, làng xóm… mà ngày ấy, những đứa trẻ lên bảy, lên tám chưa thể nào ý thức hết.
Khúc ruột miền Trung thắt lại cho núi đồi chồm xuống ruộng đồng, nhô ra tận biển. Những năm chiến tranh, núi rừng là căn cứ cách mạng, là nơi chở che cho những người kháng chiến.
Núi Đình Cương quê tôi là một nơi như vậy. Lừng lững như một chiến lũy, làm ranh giới phân chia hai vùng. Bên ngoài Đình Cương là đồn bót địch "bên kia", còn "bên này" là vùng căn cứ kháng chiến.
Trẻ con chúng tôi hồi đó, nghe cũng chỉ là nghe vậy thôi. Chỉ biết rằng, cứ lâu lâu lại có vài vụ pháo kích khiến nhà cháy, người dân bị thương. Cũng đã có nhiều người mất mạng. Chiến tranh mà.
Ba tôi đi làm xa không có nhà. Cứ mỗi lần lính hành quân đánh vào núi Đình Cương thì trường cho học sinh nghỉ học. Mấy anh em tôi theo má, băng đồng chạy về quê ngoại ở Năng Tây (tên gọi của xã Nghĩa Phương và thị trấn Sông Vệ bây giờ). Ở nhờ nhà bà con họ ngoại mấy hôm lại về.
Cuối tháng 3/1975, Quảng Ngãi quê tôi giải phóng. Nhưng phải 5 tuần sau, ngày 30/4, miền Nam mới im tiếng súng. Đất nước đã hòa bình, nhưng hai ông chú và một ông cậu ruột của tôi đã mãi mãi không về. Bàn thờ nhà ngoại tôi trước chỉ có ảnh cậu Hòa trong bộ quân phục lính "bên kia", nay được treo thêm một khung ảnh chỉ có tờ giấy báo tử ghi: Liệt sĩ Đặng Tuấn hy sinh tại xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Hai chú Nguyễn Vân, Nguyễn Huấn của tôi cũng được công nhận là liệt sĩ, gia đình được cấp tiền thờ cúng. Cả 3 người đều hy sinh ngay dưới chân núi Đình Cương …
Gần 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, bầu không khí vừa vui vẻ, vừa ngậm ngùi ngày ông bà tôi đi tập kết trở về, như vẫn còn vương vấn đâu đây.
Đất nước mình là thế. Hòa bình không chỉ được đánh đổi bằng xương máu của hàng triệu người nằm xuống mà còn là những đắn đo, dằn vặt, ngượng ngùng của người đang sống, khi chuyện địch - ta, bên này - bên kia hiện hữu trong mỗi gia đình.
Nhà nước chỉ trợ cấp 1 suất tiền thờ cúng cho liệt sĩ, nhưng cứ đến ngày giỗ, ngoại tôi cũng làm 2 mâm với 2 cái bát, hai đôi đũa. Bởi, với bà, con nào mà chả là con mình dứt ruột đẻ ra!
Những bữa giỗ như vậy ở miền Nam, không phải là cá biệt.
Gần 50 năm qua đi là cũng chừng ấy lần đất nước kỷ niệm ngày vui thống nhất. Những anh bộ đội giải phóng, những anh chị thanh niên xung phong trẻ trung ngày ấy, giờ đã thành ông, thành bà; quá nửa trong số trăm triệu dân Việt Nam bây giờ không biết đến mùi khói súng. Công cuộc dựng xây đất nước hòa bình, đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Chúng ta không quên những đau thương mất mát mà dân tộc đã phải gánh chịu trong quá khứ và cả những nỗi đau vẫn còn hiển hiện hôm nay. Không quên quá khứ để biết trân trọng những gì chúng ta đang có. Đó là cuộc sống thanh bình, là đất nước độc lập, thống nhất. Nhưng chúng ta biết gác lại quá khứ để dang tay, mở lòng hướng về chính nghĩa trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Bởi chúng ta hiểu, thắng lợi này, vinh quang này đâu chỉ của riêng ai!
Hòa hợp, hòa giải là biết tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc, là đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trước hết và trên hết để tìm tiếng nói chung, để đồng tâm, hợp lực đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, tiến tới phồn vinh.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong lần thăm Mỹ cũng đã nói với cộng đồng người Việt Nam tại quận Cam rằng: "Mẹ hiền Việt Nam lúc nào cũng dang rộng cánh tay đón nhận tất cả những người con của mình về với Tổ quốc. Không có lý do gì, sự bất đồng gì ngăn cản sự đoàn kết, thống nhất trong sự nghiệp phát triển, xây dựng đất nước của chúng ta".
Kỷ niệm ngày 30/4, nhắc lại câu chuyện này để mỗi người hôm nay thêm hiểu rằng, đó là ngày vui chung của đất nước, ngày hội thống nhất và hòa hợp của dân tộc Việt Nam.
Có thể nói rằng, hòa bình, độc lập đã trở thành nền tảng căn bản nhất để xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời là giá trị bất biến để khẳng định rằng, phải cầm súng chiến đấu là việc chẳng đặng đừng của người Việt Nam khi đất nước bị xâm lăng. Để rồi, khi nói đến Việt Nam, người ta không chỉ nhắc đến một đất nước đã đi qua những cuộc chiến tàn khốc nhất, một dân tộc kiên cường nhất; mà hơn hết Việt Nam là xứ sở yêu chuộng hòa bình, người Việt Nam đang làm tất cả để duy trì nền hòa bình cho mình và cho các dân tộc khác trên thế giới.
Ngày vui thống nhất là lúc chúng ta thấm thía và biết ơn hơn mỗi thời khắc của hòa bình. Để thấy rằng, hòa bình với dân tộc Việt Nam mãi mãi là bức tranh tươi đẹp nhất, rạng rỡ nhất, tin yêu nhất. Đó cũng là khát vọng lớn lao nhất, mãnh liệt nhất, trường tồn nhất. Bởi, hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam đã phải đánh đổi vô vàn máu xương của bao thế hệ để tô thắm lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!