Thủ tục nhập cảnh 30 giây nhờ áp dụng công nghệ
Chúng tôi vừa trở lại Mỹ lần đầu tiên sau đại dịch Covid. Ở sân bay, nhân viên cửa khẩu không hề xem hộ chiếu, visa và đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu như những lần trước. Họ bảo chúng tôi nhìn vào camera. "Mr. Luong?". "Yes!". "Mrs. Ta Thi?". "Yes!". "Done!". Tất cả mọi thông tin hộ chiếu, visa của chúng tôi đã có sẵn trong hệ thống của họ rồi. Hai vợ chồng tôi mất chừng 30 giây ở thủ tục nhập cảnh.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt được ứng dụng rất tốt cho quản lý xuất nhập cảnh ở sân bay Mỹ.
Chỉ vài giờ sau đó, tại Hội nghị bàn tròn về chủ đề tháo gỡ khó khăn cho du lịch quốc tế diễn ra tại Hà Nội mà tôi tham dự qua Zoom, ông Kenneth Atkinson - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), phản ánh tình trạng hành khách phải xếp hàng chờ đợi quá lâu ở các sân bay Việt Nam khi nhập cảnh, có những lúc đến 2 giờ. Ông đề nghị lắp hệ thống cổng nhập cảnh tự động cho công dân Việt Nam ở các sân bay để vừa nhanh cho bà con ta, lại vừa để người nước ngoài đỡ phải xếp hàng dài chờ nhập cảnh.
Giải pháp ông Kenneth Atkinson đề xuất đang được dùng ở nhiều nước. Ở sân bay Changi (Singapore), tất cả hành khách xuất cảnh (người Singapore và người nước ngoài) đều đi qua các cửa kiểm soát bằng công nghệ, còn khi vào, người Singapore đi qua các cửa nhập cảnh tự động, chỉ người nước ngoài mới phải đi qua cửa nhập cảnh thủ công. Tình trạng phải xếp hàng dài ở sân bay Changi gần như không còn.
Các sân bay quốc tế lớn nước ta đã và đang bị quá tải do thiếu mặt bằng, việc ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa các thủ tục xuất nhập cảnh như ở nhiều sân bay nước ngoài càng có tính cấp thiết. Chúng ta nói nhiều về Cách mạng 4.0, về chuyển đổi số, thì đây chính là một trong những việc rất đáng làm.
Nhân đây, tôi cũng muốn nhắc lại một vấn đề mà tôi đã đề cập rất nhiều lần trong nhiều năm qua, đó là vấn đề visa du lịch. Ngành du lịch Việt Nam còn phải khắc phục nhiều yếu điểm so với các nước và gần nhất so với du lịch Thái Lan, nhưng việc cần làm đầu tiên để Việt Nam thu hút nhiều du khách quốc tế là cánh cửa để họ đến nước ta phải được rộng mở bằng một chính sách visa thông thoáng như của Thái Lan, chứ cứ với kiểu mở cửa he hé như lâu nay thì du lịch nước ta vô phương cạnh tranh với họ.
Mới đây trên báo Dân trí có bài viết của tác giả Võ Quang Huệ so sánh du lịch Việt Nam và du lịch Thái Lan qua chuyến đi Thái Lan vừa rồi của ông, chia sẻ sự trăn trở tại sao sau Covid du khách nước ngoài đến Thái Lan đông đúc thế mà đến Việt Nam èo uột thế. Trong những nguyên nhân mà tác giả đã viết ra, theo tôi, visa là nguyên nhân lớn nhất. Thái Lan miễn visa du lịch cho 65 nước, còn Việt Nam chỉ cho 24 nước (đã bao gồm các nước ASEAN). Thái Lan cho phép du khách được miễn visa lưu trú ở Thái Lan đến 90 ngày, được ra vào nhiều lần, Việt Nam chỉ cho phép tối đa 15 ngày và duy nhất 1 lần nhập cảnh. Không có cách nào để du lịch Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan với mức vênh lớn đến như thế về chính sách visa.
Visa điện tử (E-visa) của ta cũng bất tiện hơn so với Thái Lan. Visa-on-Arrival của ta chưa đúng thực chất, vẫn phải xin phê duyệt trước, không phải cứ đến rồi xin visa trực tiếp ở cửa khẩu như một nước quan tâm phát triển du lịch cho phép.
Trong các tiêu chí về tính cạnh tranh du lịch, visa luôn được coi là một yếu tố quan trọng nhất về độ mở của một quốc gia điểm đến du lịch quốc tế. Trước đại dịch Covid, du khách nước ngoài đến Thái Lan cao gấp đôi Việt Nam, còn trong năm 2022 ngay sau đại dịch Covid là gấp 3 lần. Singapore có độ mở quốc tế còn cao hơn Thái Lan, miễn visa cho 162 quốc gia. Singapore chỉ là một thành phố có diện tích nhỉnh hơn một nửa Đà Nẵng, thế mà trước đại dịch Covid họ đón du khách quốc tế nhiều hơn cả nước Việt Nam.
Visa là khó khăn lớn nhất, là vấn đề nan giải nhất của du lịch, hàng không Việt Nam.
Chúng ta muốn nhiều du khách đến, nhưng tờ visa làm cho họ không muốn đến Việt Nam, mà chọn đi du lịch ở nước nào họ không cần làm visa.
Nước ta muốn phát triển du lịch, trước hết hãy bắt đầu từ chính sách visa du lịch và tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản lý xuất nhập cảnh.
Tác giả: Ông Lương Hoài Nam là tiến sĩ kinh tế hàng không ở Nga và là một doanh nhân; hiện ông là thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!