Bạo lực học đường gia tăng, đề xuất phạt cả cha mẹ

Khả Vân

(Dân trí) - Độc giả đề xuất, với học sinh hành hung bạn mà cha mẹ đang làm công chức nhà nước thì hạ thi đua, khen thưởng tháng/năm. Nếu cha mẹ làm tự do thì phạt án tù treo, đưa vào diện theo dõi ở địa phương.

Đọc nội dung và xem hình ảnh về vụ bạo lực của nhóm học sinh gây ra cho bạn mình Nữ sinh lớp 6 bị quây đánh tại lớp, nhà trường báo công an, độc giả Dân trí bày tỏ sự phẫn nộ và bức xúc, đề nghị xử nghiêm nhóm học sinh côn đồ, thậm chí có ý kiến còn cho rằng cần xử phạt cả phụ huynh khi con cái hành hung bạn.

"Thật buồn cười khi học sinh hành hung bạn chỉ bị đình chỉ học vài ngày!"

Gửi bình luận về báo Dân trí, độc giả có nickname Mavericks Ho cho rằng thật buồn cười khi học sinh có tính côn đồ, hành hung học sinh khác thì chỉ đình chỉ học vài ngày rồi trở lại trường như không có gì:

"Vốn dĩ ai từng đối mặt với những vấn nạn bạo lực này đều biết những học sinh này là bất trị, bị đình chỉ học thì càng thích thú vì khỏi phải đến trường chứ có sợ gì đâu. Thời này khác thời xưa, câu nói "trẻ em mà đâu biết gì" không còn thực tế nữa. Nên có những quy định khắt khe hơn với những học sinh này để làm gương, đình chỉ học là cách xử lý hoàn toàn vô tác dụng".

Bạo lực học đường gia tăng, đề xuất phạt cả cha mẹ - 1

Nữ sinh lớp 6 bị đá túi bụi vào đầu, gáy và giẫm đạp lên người (Ảnh cắt từ clip).

Trách nhiệm của nhà trường khi để xảy ra bạo lực học đường cũng được nhiều độc giả đặt dấu hỏi, như ý kiến của anh TrầnThế Kỷ: "Học sinh bị đánh nhà trường nhận trách nhiệm nhanh thế, nhưng chưa thấy đưa ra các biện pháp để ngăn ngừa và bảo vệ học sinh yếu thế.

Trong trường hợp này, một người không còn học sao vào được trường khi tan học? Tại sao trường không bố trí giáo viên dạy tiết cuối có trách nhiệm quản lý học sinh ra khỏi cổng mới hết trách nhiệm nhỉ? Bảo vệ quản người vào trường ra sao, nếu xẩy ra những việc to tát hơn thì ai chịu? Vâng, "mất bò mới lo làm chuồng" là đây. Mong nhà trường trả lời câu hỏi hơn là hứa".

"Nhiều nhà trường đã không có biện pháp ngăn ngừa tích cực ngay từ đầu khi mới xảy ra dẫn đến diễn biến tiếp theo gây hậu quả khó lường. Nhà trường nên có biện pháp ngăn chặn tích cực hiệu quả sự việc ngay từ đầu dù cho sự việc xảy ra nhỏ, có như vậy mới ngăn ngừa được hậu quả lớn", ý kiến của độc giả Lê Hữu Long.

Độc giả Mai Trung Thực thì cho rằng Bộ Giáo dục cần xem lại quy chế xử lý các học sinh hư, bạo lực. "Cần phải có biện pháp răn đe mạnh mẽ chứ không phải chỉ được phép nhắc nhở hạ hạnh kiểm bởi có hạ thế chứ hạ nữa các học sinh này cũng không sợ. Cần phải bắt lao động công ích hoặc cho đi các cơ sở giáo dưỡng một thời gian nhất định".

"Cần xử nghiêm. Những em bị bạo lực học đường có thể gánh những tổn thương tinh thần cả đời. Theo tôi có thể tham khảo phương pháp ở Hàn Quốc để chống bạo lực học đường", độc giả Chỉnh Nguyễn Văn.

"Nên áp dụng hình thức phạt nặng cha mẹ nếu con cái hành hung người khác?"

Độc giả Minh Huy cho rằng có quá nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra, chủ yếu là các em thiếu niên mới lớn từ 13 tuổi trở lên. Độc giả này cũng đề xuất về cơ chế pháp luật cần phải nghiêm khắc hơn với nhóm đối tượng này:

"Pháp luật đang ở đâu? nhà trường và gia đình chắc chắn là bó tay rồi. Đây chính là thời điểm mà pháp luật cần lên tiếng, cần có đạo luật thay đổi. Thay vì đình chỉ học, thay vì phụ huynh xin lỗi nhau, nhà trường thăm hỏi thì nên có 1 điều luật: cho đi cải tạo giáo dưỡng tại các trại giáo dưỡng từ 3 - 5 tháng lao động công ích và các anh, các chú công an sẽ dạy tụi nó. Thế mới răn đe được giới trẻ thanh thiếu niên trong thời kì này".

Bạo lực học đường gia tăng, đề xuất phạt cả cha mẹ - 2

Nam sinh lớp 7 ở huyện Thạch Thất, Hà Nội bị bạn đánh tập thể đến rối loạn tâm thần (Ảnh chụp từ clip).

Độc giả Điền Zilean đề xuất, nên áp dụng hình thức phạt nặng cha mẹ nếu con cái hành hung người khác.

"Tôi đề xuất như sau: Nếu cha mẹ đang làm công chức nhà nước thì hạ thi đua, khen thưởng tháng/năm. Nếu cha mẹ làm tự do thì phạt án tù treo, đưa cả gia đình vào diện theo dõi của xóm, ấp. Hãy để con cái họ (những đứa trẻ lầm lỗi) được làm lại từ đầu... nhưng với họ (cha mẹ) phải chịu chế tài và trách nhiệm với xã hội, với những đứa trẻ khác. Trường hợp cha mẹ bảo là con cái họ bất trị thì ngay lập tức loại bỏ khỏi cộng đồng bình thường đưa vào trường giáo dưỡng để được nuôi dạy theo chế độ đặc biệt. Tránh trường hợp tái phạm gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến những đứa trẻ bình thường khác".

Đồng quan điểm, độc giả với nickname Gomu Gomu No Mi: "Côn đồ từ nhỏ chủ yếu do cha mẹ dạy. Nên đưa đi trường giáo dưỡng cho thành người tốt, nếu không có thể trở thành những thành phần xấu trong xã hội. Đặc biệt nên đưa cha mẹ học sinh này vào diện kiểm soát của địa phương. Hạ bậc thi đua nếu đang làm trong cơ quan nhà nước".

Nên có các trung tâm giáo dưỡng ở mỗi tỉnh, cho các bạn nhỏ có tính côn đồ học tập bắt buộc là đề xuất của độc giả Nguyễn Thị Thanh Hương: "Bạo lực học đường xảy ra nhiều là do luật chưa nghiêm và hình phạt chưa đủ sức răn đe. Nên có các trung tâm giáo dưỡng ở mỗi tỉnh, cho các bạn nhỏ có tính côn đồ học tập bắt buộc. Chi phí do phụ huynh chi trả. Nếu không trả chi phí thì chính bản thân các bạn sẽ phải trả sau này với lãi suất như cho vay đi học. Thông báo rộng rãi trên các phương tiện đại chúng hình phạt bắt buộc này là sẽ giảm hẳn bạo lực học đường".

Độc giả Trần Lan: "Đọc nội dung và xem hình ảnh về vụ bạo lực của nhóm HS gây ra cho bạn mình mà phẫn nộ! Môi trường sư phạm không an toàn gây hoang mang cho mọi người. Thiết nghĩ nguyên nhân phần lớn là do lỗi xử lý thiếu kiên quyết, triệt để của nhà trường mà có thể sợ mất thành tích. Chính quyền địa phương nên lập hồ sơ đưa số HS hư hỏng vào Cơ sở Giáo dưỡng, bởi có cho ăn học chưa chắc đã giúp ích gì cho gia đình và xã hội!".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm