Hội đồng Anh giải thích lý do đột ngột hoãn tất cả các kỳ thi IELTS tại Việt Nam
(Dân trí) - Hội đồng Anh trả lời phỏng vấn của Dân trí về lý do tạm hoãn tất cả kỳ thi IELTS tại Việt Nam, đồng thời làm rõ các vấn đề thí sinh thắc mắc, băn khoăn.
Nhiều thí sinh, phụ huynh đang hoang mang, lo lắng bởi các chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là chứng chỉ IELTS gắn với rất nhiều dự định, kế hoạch học tập sắp tới như nộp hồ sơ vào đại học, đi du học, thi lên cấp học cao hơn… bị tạm hoãn thi và cấp.
Trưa ngày 11/11, trả lời phỏng vấn của Dân trí về lý do tạm hoãn tất cả kỳ thi IELTS tại Việt Nam, đại diện Hội đồng Anh cho biết đây là tình huống "nằm ngoài tầm kiểm soát". Theo đó, quyết định này nhằm tuân thủ theo hướng dẫn mới của Bộ GD&ĐT tại Thông tư số 11 ban hành ngày 26/7/2022.
"Quyết định này có ảnh hưởng tới tất cả các kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ cho tất cả các ngôn ngữ, không chỉ tiếng Anh, cũng như các đơn vị tổ chức các kỳ thi này tại Việt Nam.
Chúng tôi đang làm việc rất sát sao với phía Bộ GD&ĐT theo hướng dẫn mới và hy vọng sẽ sớm được tiếp tục tổ chức kỳ thi IELTS ở Việt Nam", Hội đồng Anh thông tin.
Thời điểm các kỳ thi được tổ chức trở lại sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ GD&ĐT.
"Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Bộ để có được các phê duyệt cần thiết trong thời gian sớm nhất có thể", Hội đồng Anh nhấn mạnh.
Về vấn đề đảm bảo quyền lợi cho thí sinh khi các kỳ thi bị hoãn, phía Hội đồng Anh cho biết "rất lấy làm tiếc" về sự bất tiện mà các thí sinh gặp phải do việc hoãn thi ngoài mong muốn.
"Tất cả thí sinh bị ảnh hưởng bởi quyết định này sẽ được đổi ngày thi miễn phí và chúng tôi sẽ gửi thông báo trực tiếp đến hòm thư điện tử của thí sinh ngay sau khi các kỳ thi được phép tiếp tục tổ chức lại", Hội đồng Anh khẳng định.
Thông tư số 11 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký ngày 26/7/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2022.
Tại Thông tư này, Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài cung cấp thông tin về các yếu tố bảo đảm chất lượng như đề thi, quy trình đăng ký dự thi, quy trình tổ chức thi, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi; việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trước, trong và sau khi thi; kết quả thi;…
Cơ sở tổ chức thi của Việt Nam cũng cần cung cấp thông tin về các yếu tố bảo đảm chất lượng gồm: chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hoặc kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của đơn vị; trang thông tin điện tử chính thức, hợp pháp;
Cán bộ quản lý của đơn vị có trình độ cử nhân trở lên thuộc các ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài thuộc ít nhất 1 ngôn ngữ mà đơn vị có liên kết tổ chức thi; địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị;…
Các bên liên kết cần thực hiện đúng cam kết trong đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được phê duyệt; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp và kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ quản lý, coi thi, chấm thi (nếu có), kỹ thuật viên tham gia hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Đồng thời, lưu trữ hồ sơ về hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định; thông báo bằng văn bản lịch tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với Sở GD&ĐT các tỉnh thành nơi tổ chức thi trước 5 ngày tính đến ngày tổ chức thi.
Được biết, một ngày sau khi Hội đồng Anh thông báo hoãn thi chứng chỉ IELTS và Aptis, sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis giữa 5 đơn vị và Hội đồng Anh (Vương quốc Anh).
5 đơn vị liên kết này gồm: Công ty TNHH British Council (Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông giáo dục và thời đại, Công ty TNHH ETE Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ và Phát triển giáo dục thời đại.
Như vậy, Aptis là chứng chỉ đầu tiên của Hội đồng Anh đã được cấp phép liên kết tổ chức thi sau khi thực hiện Thông tư 11.