Một chấp hành viên viết phần mềm thi hành án cho 40.000 người chỉ mất 2 giờ
(Dân trí) - Chấp hành viên của Thi hành án dân sự TPHCM viết một phần mềm giúp việc hoàn trả trên 7.000 tỷ đồng cho hơn 40.000 bị hại trong đại án Vạn Thịnh Phát chỉ trong hơn 2 giờ.
Tại hội nghị công bố quyết định thành lập Thi hành án dân sự TP Hà Nội ngày 8/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống thi hành án dân sự bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã được Bộ Chính trị thông qua với những quan điểm, mục tiêu, yêu cầu mang tính đột phá về đổi mới tư duy, phương thức quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Việc sắp xếp thực hiện bảo đảm đồng bộ với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, tương đồng với tổ chức TAND, VKSND ở địa phương.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi (Ảnh: Bình An).
63 Cục Thi hành án dân sự tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và 693 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện đã được sắp xếp còn 34 Thi hành án dân sự cấp tỉnh, 355 Phòng Thi hành án dân sự khu vực.
Thứ trưởng Khôi cho rằng việc sắp xếp lại bộ máy thi hành án chắc chắn sẽ đối mặt với không ít thách thức trong giai đoạn đầu triển khai. Đặc biệt, ở địa bàn như Hà Nội với quy mô dân số lớn, số lượng vụ việc, số tiền phải thi hành án lớn, thuộc tốp đầu trong cả nước.
Cụ thể, 9 tháng qua, tổng số việc phải thi hành ở Hà Nội gần 58.000, tương ứng số tiền phải thi hành trên 103.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, tham nhũng, kinh tế có số tiền, tài sản phải xử lý đặc biệt lớn, tính chất rất phức tạp…
Việc tổ chức lại 30 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện ở Hà Nội thành 12 Phòng Thi hành án dân sự khu vực sẽ khiến phạm vi địa bàn rộng, lượng việc, tiền phải xử lý bình quân mỗi khu vực (mới) sẽ tăng lên đáng kể. Vì vậy, ông Khôi đề nghị Thi hành án dân sự Hà Nội tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Cục Quản lý Thi hành án dân sự, Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội.
Thi hành án dân sự Hà Nội cần nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, ban hành đầy đủ các quy trình, quy chế hoạt động nội bộ, quy chế phối hợp liên ngành, phân công rõ ràng trách nhiệm, thẩm quyền.
Đặc biệt, ông Khôi lưu ý Thi hành án dân sự TP Hà Nội phải quyết liệt trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nếu không sẽ “không thể tồn tại và bị đào thải”.
Lấy ví dụ về biên lai điện tử, Thứ trưởng Tư pháp nhấn mạnh có thể giúp xử lý rất nhiều vấn đề trên môi trường mạng và kiểm soát nguồn tiền vào - ra, khắc phục tối đa chuyện xâm tiêu tiền thi hành án. Biên lai điện tử và các ứng dựng điện tử khác được coi là yêu cầu tất yếu.
Trong đại án Vạn Thịnh Phát, theo ông Khôi, một chấp hành viên của Thi hành án dân sự TPHCM đã viết phần mềm giúp chi trả cho hơn 40.000 bị hại với số tiền trên 7.000 tỷ đồng chỉ “tiêu tốn” thời gian khoảng 2 giờ và trải qua hơn 1 tuần không có ý kiến, thắc mắc nào.

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát tại một phiên tòa (Ảnh: Nam Anh)
“Nếu chúng ta ứng dụng tốt công nghệ thông tin sẽ giảm rất nhiều thời gian, chi phí, công sức. Thi hành án dân sự TP Hà Nội cũng phải vào cuộc, chủ động, trách nhiệm trí tuệ trong vấn đề này”, Thứ trưởng Tư pháp nêu rõ.
Ông Khôi yêu cầu cơ quan thi hành án Hà Nội tập trung vận hành các quy trình nghiệp vụ mới theo mô hình mới, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để đề xuất biện pháp tháo gỡ. Mục tiêu đảm bảo mô hình hoạt động thông suốt, không ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức
Đối với những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong thi hành án đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra chỉ ra, Thứ trưởng Mai Lương Khôi yêu cầu Thi hành án dân sự TP Hà Nội tập trung khắc phục, chấn chỉnh ngay.

Trụ sở 12 Phòng Thi hành án dân sự khu vực thuộc Thi hành án dân sự TP Hà Nội (Nguồn: Cục Thi hành án Hà Nội).
Như Dân trí thông tin, ngày 17/6, Cục Thi hành án dân sự TPHCM (từ 1/7 là Thi hành án dân sự TPHCM) thông báo đã nhận được bản án vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới do bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm thực hiện (vụ Trương Mỹ Lan giai đoạn 2).
Tính đến ngày 17/6, số tiền dự kiến chi trả cho người được thi hành án (giai đoạn 2) đợt 1 là hơn 8.694 tỷ đồng.
Do số tiền chi trả đặc biệt lớn, số lượng đương sự kỷ lục (43.108 người), để thực hiện chi trả tiền, Thi hành án dân sự TPHCM đã hoàn thiện xây dựng phần mềm thanh toán tiền bằng một lệnh, đảm bảo chi trả đúng theo số tài khoản mà các đương sự đã cung cấp.
Hồi tháng 4, TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm giai đoạn 2 đối với bà Trương Mỹ Lan và quyết định giảm án từ tù chung thân xuống 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, y án 12 năm tù tội Rửa tiền và y án 8 năm tù tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.