Tâm điểm
Trịnh Minh Tuấn

Làm gì để nhà nghiên cứu không phải "bán" công trình khoa học?

Ở nhiều nước trên thế giới, nhất là quốc gia phát triển, các đại học hàng đầu đã trở thành một định chế đầy quyền lực, có thể sở hữu vài chục trường đại học thành viên, vài giải Nobel, hàng nghìn bằng sáng chế và có cổ phần ở hàng loạt doanh nghiệp lớn...

Đại học trở thành định chế quyền lực như vậy bởi nó là nơi sản sinh tri thức và dẫn dắt đổi mới sáng tạo. Hạt nhân của sản sinh tri thức, đổi mới công nghệ và sáng tạo chính là đội ngũ các nhà khoa học. Các nhà khoa học được tự do theo đuổi những lĩnh vực nghiên cứu từ cơ bản, lý thuyết cho tới ứng dụng mà ít bị can thiệp bởi các yếu tố khác. Từ những công trình cần sự hợp tác của hàng trăm nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, hàng chục tổ chức tới những đề tài chỉ là sự đeo đuổi mang tính chất cá nhân. Điều này có thể gọi là tự do học thuật.

Tự do học thuật của đội ngũ các nhà khoa học luôn song hành với nghĩa vụ học thuật và tài sản trí tuệ.

Nghĩa vụ học thuật là một khái niệm rộng bao hàm cả trách nhiệm nghề nghiệp. Và trong trách nghiệm nghề nghiệp bao gồm đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp nhằm đảm bảo không có hành vi sai trái trong nghiên cứu hoặc hành vi sai trái trong học thuật. Gần đây hai khái niệm này đã trở nên đồng nghĩa.

Còn tài sản trí tuệ hay còn gọi là tài sản tri thức, theo luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành thì bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Đề cập tới tài sản trí tuệ với hàm ý là cá nhân, tổ chức trong trường đại học thực hiện mua/bán, chuyển nhượng, chuyển giao tài sản trí tuệ ra bên ngoài khuôn viên đại học cho cá nhân, tổ chức khác. Khi cá nhân, tổ chức trong trường đại học chuyển nhượng, chuyển giao tài sản trí tuệ thì cần đảm bảo hai yếu tố là: Không xung đột lợi ích và không xung đột bổn phận.

Đinh Công Hướng_Hoài Nam.png

Câu chuyện PGS.TS Đinh Công Hướng "bán" công trình nghiên cứu được dư luận quan tâm thời gian qua (Ảnh: Hoài Nam).

Gần đây dư luận quan tâm câu chuyện của PGS.TS Đinh Công Hướng "bán" công trình nghiên cứu, và đã có nhiều bình luận, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giảm thiểu hành vi sai trái trong học thuật, đảm bảo lợi ích cho các bên (nhà khoa học, trường đại học, nhà đầu tư, doanh nghiệp và xã hội) nhằm thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ trong trường đại học.

Hành vi sai trái trong học thuật, về cơ bản, gồm ba loại hành vi. Loại thứ nhất liên quan đến vấn đề tư cách tác giả và việc phân bổ công trạng trong công trình học thuật. Loại thứ hai gồm việc chiếm hữu không chính đáng những ý tưởng hay những hình thức biểu đạt ý tưởng của người khác. Loại thứ ba là cố tình ngụy tạo dữ liệu hoặc kết quả thí nghiệm.

Việc PGS.TS Đinh Công Hướng "bán" công trình nghiên cứu khoa học không thuộc ba hành vi sai trái nêu trên. Vì vậy, về mặt logic hình thức, khó có thể kết luận PGS.TS Đinh Công Hướng có hành vi sai trái trong học thuật hoặc vi phạm liêm chính khoa học.

Tuy nhiên, hành vi đó có vi phạm nguyên tắc xung đột lợi ích và nguyên tắc xung đột bổn phận khi chuyển nhượng tài sản trí tuệ không?

Theo định nghĩa của đại học Stanford (Mỹ), xung đột lợi ích xảy ra khi có sự chia rẽ giữa lợi ích riêng của một cá nhân và bổn phận của người này đối với đại học. Và dạng xung đột lợi ích được nhiều người biết đến nhất liên quan đến lợi ích tài chính của cá nhân, thường gọi là "lạm dụng quyền hạn để tư lợi".

Ví dụ, nếu một nhà khoa học sử dụng những tài nguyên của trường đại học để hỗ trợ cho việc kinh doanh của mình thì người này đã vi phạm những điều khoản trong quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động (trường đại học). Hoặc người này sử dụng danh tiếng của đại học vào mục đích kinh doanh cá nhân. Việc lạm dụng quyền hạn để tư lợi gây thiệt hại cho trường đại học, bởi vì xã hội mong đợi rằng trường đại học tồn tại vì lợi ích công chứ không vì mục đích tạo ra lợi ích cá nhân cho những thành viên của trường đại học đó.

Còn xung đột bổn phận nảy sinh khi những hoạt động bên ngoài (hợp tác nghiên cứu, tư vấn…) làm cho nhà khoa học không thể dành toàn bộ năng lượng nghề nghiệp của mình cho trường đại học. Việc này có thể làm giảm chất lượng nghiên cứu và giảng dạy.

Nghĩa vụ bổn phận có thể diễn giải là nhà khoa học phải có lòng trung thành về mặt nghề nghiệp đối với cơ sở giáo dục của mình, mà trước hết là đối với sinh viên của mình. Cụ thể hơn là nhà khoa học phải chuẩn bị tốt những giờ dạy và phải duy trì những chuẩn mực trong công việc học thuật; nhà khoa học phải dành thời gian và năng lượng tri thức cho các chương trình giáo dục, nghiên cứu và học thuật của trường đại học nơi mình công tác.

Câu hỏi đặt ra là ai và tổ chức nào có thẩm quyền giám sát xung đột lợi ích, xung đột bổn phận của nhà khoa học? Câu trả lời là Trường đại học nơi nhà khoa học đó ký hợp đồng tuyển dụng toàn thời gian. Trong trường hợp của PGS.TS Đinh Công Hướng, chỉ có Trường Đại học Quy Nhơn mới đủ thẩm quyền phán xét rằng PGS. Hướng có xung đột lợi ích hoặc xung đột bổn phận khi chuyển nhượng tài sản trí tuệ của mình cho hai trường đại học khác hay không?

Tuy nhiên, câu chuyện của PGS.TS Đinh Công Hướng không chỉ đặt ra câu hỏi về vấn đề sai trái trong học thuật; câu hỏi xung đột lợi ích và xung đột bổn phận khi thực hiện hợp đồng nghiên cứu hoặc chuyển nhượng tài sản trí tuệ ra bên ngoài. Nó còn đòi hỏi một giải pháp tổng thể để giảm thiểu các hành vi sai trái trong học thuật, xung đột lợi ích và xung đột bổn phận của nhà khoa học khi thực hiện các hợp đồng nghiên cứu hoặc các hợp đồng chuyển nhượng tài sản trí tuệ.

Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ cho thấy, các trường đại học cần thành lập Phòng Liêm chính khoa học/Office of Scientific Intergrity (OSI). Hiện nay, phòng này đổi tên thành Phòng Liêm chính trong nghiên cứu/Office of Research Intergrity (ORI).

Các trường cũng có thể xuất bản sổ tay về liêm chính học thuật cho sinh viên đại học và sau đại học.

Ở cơ quan lập pháp, Quốc hội Hoa Kỳ đã thành lập Ủy ban Liêm chính trong nghiên cứu (The Commission on Research Intergrity).

Tại Việt Nam, để đảm bảo Liêm chính học thuật trong cơ sở giáo dục đại học, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2022 ngày 30/12/2022 Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

Điều 20 của Nghị định này nêu rõ: 1). Cơ sở giáo dục đại học ban hành nội bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế. 2). Cơ sở giáo dục đại học ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Khoản 8 Điều 31 Nghị định 109 nêu rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học là: Ban hành quy định và tự chịu trách nhiệm về liêm chính học thuật đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cơ sở giáo dục đại học.

Như vậy, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã có đủ căn cứ pháp lý để đảm bảo liêm chính học thuật.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một mặt của vấn đề. Mặt còn lại là làm thế nào để khuyến khích các nhà khoa học phát triển sở hữu trí tuệ trong trường đại học; rồi trách nhiệm của trường đại học là đăng ký quyền tác giả, sáng chế rồi quản lý và khai thác tài sản sở hữu trí tuệ đó như thế nào để những nhà khoa học không phải "bán" bài nghiên cứu để cải thiện cuộc sống?

Một lần nữa Hoa Kỳ lại cho chúng ta bài học quý giá để khuyến khích phát triển sở hữu trí tuệ trong trường đại học, và giúp các nhà khoa học có thể sống đàng hoàng nhờ thu nhập hợp pháp và tử tế từ việc thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Năm 1980, Hoa Kỳ ban hành đạo luật Bayh Dole Act. Đây là đạo luật có ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ trong gần nửa thế kỷ qua. Đạo luật này vĩ đại bởi nhà nước đã trao quyền/từ bỏ quyền sở hữu tài sản trí tuệ cho trường đại học - nơi đã thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu - bằng kinh phí do chính phủ tài trợ.

Các trường đại học có thể chuyển nhượng, chuyển giao, góp vốn, cấp bằng li-xăng (cấp phép) độc quyền, thậm chí là mở cả doanh nghiệp để thương mại hóa các tài sản trí tuệ.

Các nhà khoa học có thể nhận lợi ích tài chính từ việc trường đại học chuyển nhượng, chuyển giao, đầu tư, cổ phần, cổ tức… tài sản trí tuệ. Ví dụ, mỗi năm Đại học MIT và Đại học Stanford (Hoa Kỳ) có thể tạo ra 20-30 công ty dựa trên các bằng sáng chế và phần mềm có nguồn gốc từ nghiên cứu; còn văn phòng chuyển nhượng công nghệ của đại học Stanford thì có doanh số khoảng 400 triệu USD từ hoạt động chuyển giao công nghệ.

Để học hỏi Hoa Kỳ, Việt Nam cần sửa đổi hàng loạt các bộ luật điều chỉnh lĩnh vực khoa học và công nghệ, như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và công nghệ, Luật chuyển giao công nghệ, Luật quản lý tài sản công, Luật viên chức, Luật Doanh nghiệp…

Gần một thế kỷ trở lại đây, định chế đại học đã trở thành trung tâm của nền kinh tế tri thức và động lực của đổi mới sáng tạo quốc gia. Vì vậy, chúng ta cần "cởi trói" hơn nữa chính sách để đại học Việt Nam thật sự trở thành nơi sản sinh tri thức, nơi tiên phong đổi mới công nghệ và sáng tạo nhằm giúp chính các đại học đạt được sự thịnh vượng bền vững. Khi đó, nhà khoa học mới không phải "bán" bài nghiên cứu để mưu sinh.

Tác giả: Ông Trịnh Minh Tuấn là người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks và Trung tâm nghiên cứu xuất bản - giáo dục IPER.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!