Tâm điểm
Đinh Duy Hòa

Lại bàn về thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý

TPHCM sắp tổ chức thi tuyển chức danh Phó Giám đốc của 3 sở là Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Khoa học và Công nghệ. Đây là lần đầu tiên thành phố tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý (LĐQL) cấp sở. Trước đó, từ cuối năm 2022, thành phố đã bắt đầu thi tuyển 13 chức danh LĐQL cấp phòng và tương đương tại 6 sở, quận, huyện.

Việc TPHCM tổ chức thi tuyển chức danh LĐQL không phải là điều quá mới trong hệ thống hành chính nước ta, bởi việc này đã được một số bộ và địa phương thực hiện từ trước đó.

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, Đà Nẵng, Long An, Hải Phòng đã thí điểm thi tuyển chức danh LĐQL các phòng nghiệp vụ. Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của thành phố Hải Phòng đã đi tiên phong trong công tác thi tuyển chức danh LĐQL.

Lại bàn về thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý - 1

Trụ sở UBND TPHCM (Ảnh minh họa: Hải Long)

Năm 2012, Quảng Ninh tổ chức thi tuyển 2 chức danh LĐQL cấp sở là Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông. Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành thi tuyển chức danh LĐQL cấp sở. Đây có thể được coi là bước đột phá trong công tác cán bộ của tỉnh.

Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải thi tuyển chức danh lãnh đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Vụ trưởng Vụ Vận tải…

Sau một thời gian thí điểm, ngày 26/5/2015, Bộ Chính trị có Kết luận số 202-TB/TW về Đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng".

Kết luận đã nhấn mạnh: Đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức LĐQL cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là nhiệm vụ quan trọng nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức LĐQL cấp vụ, cấp sở, cấp phòng…

Trên cơ sở Kết luận số 202-TB/TW, Bộ Nội vụ đã có văn bản số 2424/BNV-CCVC ngày 9/5/2017 về việc hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng. Văn bản này xác định rõ 3 đối tượng tham gia dự tuyển thi chức danh LĐQL là:

- Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn và đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn;

- CBCCVC không công tác tại cơ quan, đơn vị tuyển chọn có nhu cầu bổ nhiệm nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện  bổ nhiệm và nằm trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn đang công tác trong cùng bộ, ban, ngành, lĩnh vực, địa phương;

- CBCCVC không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn được tập thể lãnh đạo của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử và được cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh đó đồng ý bằng văn bản.

Cũng theo văn bản này, sẽ có 14 cơ quan trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm. Việc thí điểm sẽ kéo dài từ 2015 đến 2018, sau đó sẽ tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả thực hiện thí điểm.

Việc thi tuyển chức danh LĐQL cấp vụ, cấp sở và cấp phòng thời gian qua đã thực sự mở ra một cách làm mới trong tuyển chọn LĐQL, đặc biệt là tạo điều kiện cạnh tranh thông qua thể hiện năng lực để được trúng tuyển vào vị trí LĐQL.

Tuy nhiên, việc thi tuyển chức danh LĐQL cũng đang đặt ra một số vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu và có giải pháp phù hợp, cụ thể là:

Một là, thời gian thí điểm đã tương đối dài, chí ít cũng từ 2008 đến nay là 15 năm. Để kiểm nghiệm một chính sách đưa ra có thành công hay không thường người ta lựa chọn giải pháp thí điểm thực hiện. Nhưng sự thí điểm cũng cần có giới hạn về thời gian. Thời gian thí điểm quá lâu đã ít nhiều nói lên sự lưỡng lự, phân vân trong đánh giá để đi kết luận dừng hay chính thức thực hiện chính sách.

Hai là, phạm vi thí điểm không rõ ràng dẫn đến sự tùy nghi trong triển khai. Cùng một bộ, chức danh lãnh đạo cấp vụ này thì phải qua thi, chức danh lãnh đạo cấp vụ khác lại thực hiện theo quy trình bổ nhiệm truyền thống.

Ba là và đây là điểm then chốt của vấn đề, đó là thi cạnh tranh chức vụ LĐQL phải đặt dưới sự lãnh đạo công tác cán bộ của Đảng.

Thi chức danh LĐQL khác hẳn thi công chức. Thi công chức là mở ra khả năng cho mọi đối tượng trong xã hội đều có quyền dự thi, trong khi thi chức danh LĐQL có vô số tiêu chuẩn, điều kiện ràng buộc để loại đi khả năng mọi đối tượng đều có quyền tham dự.

Nhìn ra thế giới, ở nhiều nước, thi công chức là phổ biến, nhưng thi tuyển chức danh LĐQL trong hành chính thì mỗi nước một khác, trong đó yếu tố đảng chính trị cầm quyền đóng vai trò quan trọng. Ví dụ, trong cơ cấu tổ chức Văn phòng Thủ tướng Liên bang Đức có một số vụ trưởng phải thay ngay lập tức nếu đảng hoặc liên minh đảng khác thắng cử trong bầu cử nghị viện và được đứng ra lập Chính phủ mới.

Với Việt Nam, việc thi tuyển các chức danh LĐQL cấp vụ, cấp sở và cấp phòng trước hết cần đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện trong công tác cán bộ. Đến nay đây không phải là vấn đề mới mẻ, nhưng là vấn đề luôn phải được xem xét kỹ và toàn diện.

Từ đó mới có thể thấy rõ tại sao lại quy định về 3 đối tượng được tham dự thi tuyển chức danh LĐQL theo văn bản số 2424 của Bộ Nội vụ và tại sao đã là thi cạnh tranh mà không phải bất kỳ ai cũng có quyền tham dự.

Bốn là, từ thực tiễn thí điểm thời gian qua đã đủ để kết luận thi tuyển chức danh LĐQL là một cách làm đột phá, nếu thực hiện tốt sẽ mở rộng điều kiện, cơ hội cho những người có năng lực, phẩm chất, tránh tình trạng "cục bộ, khép kín" so với bổ nhiệm theo truyền thống.

Từ các phân tích nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan tham mưu và cấp có thẩm quyền nên tiến hành tổng kết, sớm quyết định dứt khoát trong hoạch định chính sách. Theo tôi, chúng ta nên chính thức cho triển khai thi tuyển chức danh LĐQL, trước mắt cho các chức danh LĐQL cấp vụ, cấp sở và cấp phòng. Và nếu chính thức cho triển khai tức là ưu tiên thi tuyển, tiến tới xem xét dừng cách thức tuyển chọn theo quy trình truyền thống từ trước đến nay.

Tác giả: TS Đinh Duy Hòa nguyên là Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!