Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

Giao 320 bài tập Tết: Không phải áp lực nào cũng thành kim cương!

"Có áp lực mới có kim cương", một người mẹ ở TPHCM nói vậy khi giao 320 bài tập cho con gái đang học lớp 3 của mình làm trong 16 ngày nghỉ Tết. Người mẹ muốn con gái lớp 3 của mình vẫn giữ được tinh thần học tập, kỷ luật trong những ngày không phải đến trường. Cô bé lớp 3 mai này trở thành viên kim cương hay không thì chưa biết nhưng người mẹ này thực sự đã trở thành người mẹ "cứng" nhất năm rồi. Vì không nhiều người mẹ có thể làm được điều này dù ai cũng muốn con mình mai này trở thành những viên kim cương lấp lánh.

Cha mẹ chỉ muốn tốt cho con. Tôi tin chắc cha mẹ nào cũng vậy. Sinh ra một đứa trẻ là hạnh phúc của người cha, người mẹ. Nhưng hạnh phúc đấy mà cũng đầy lo lắng khôn nguôi. Con nhỏ thì lo sức khỏe, cân nặng nên chuyện ăn uống, ngủ nghỉ thậm chí chuyện đi vệ sinh của con cũng khiến nhiều cha mẹ mất ngủ. Có khi con đi vệ sinh được sau chuỗi ngày táo bón cũng khiến cha mẹ vỡ òa hạnh phúc. Cái ho hắng của con cũng buốt lòng cha mẹ.

Giao 320 bài tập Tết: Không phải áp lực nào cũng thành kim cương! - 1

Một học sinh ở Hà Nội đang làm bài tập Tết sớm để "yên tâm" chơi xuân dịp Tết Nguyên đán 2022 (Ảnh minh họa: PHCC).

Tết nhất, buổi giao mùa, con sụt sịt, nhiều cha mẹ mất Tết. Lớn hơn, khi chúng bắt đầu đến lớp thì nỗi lo càng nhiều hơn. Lo sắp vào lớp 1 mà nửa chữ bẻ đôi cũng chưa biết, lo lớp 3, lớp 4 mà tiếng Anh chưa làu thông là con mình tụt hậu quá rồi.

Nhiều cha mẹ còn viện cả vào sinh trắc vân tay để kẻ đường ray đời con mình. Nhiều đứa trẻ như một toa tàu, chệch đường ray cha mẹ tạo ra là đổ kềnh. Thương nhất là những cơ quan, đoàn thể cứ 1/6 lại bắt cha mẹ nộp bằng khen của con để định mức thưởng quà 1/6. Bởi nhiều cha mẹ thấy xấu mặt vô cùng vì con mình năm đó không có bằng khen. Phải vậy mà có dạo lớp 30 học sinh thì 29 đứa học sinh giỏi, 1 đứa chỉ được học sinh tiên tiến nhưng lại tặng kèm cúp: Học sinh tiến bộ vượt bậc. Âu cũng là nhà trường giữ thể diện cho phụ huynh vậy.

Chúng ta lo lắng cho con hàng ngày. Tình yêu con càng lớn thì nỗi lo càng dày đặc. Tôi đã từng nhất quyết cấm đoán cậu lớn nhà tôi tập đi xe máy vì nỗi lo giao thông ở Việt Nam. Mình có đi cẩn thận đến đâu cũng chẳng tránh khỏi những kẻ đi láo đâm vào con mình. Nhiều cha mẹ lo lắng Internet quá nhiều nguy hiểm mà nhất quyết chỉ cho con dùng điện thoại 2G. Nhiều nhà còn bỏ cả tivi vì sợ con xem tivi, youtube lúc cha mẹ không có nhà. Có người cha nọ, cắt nham nhở mái tóc của con gái chỉ vì con gái mình yêu đương. Cắt tóc nham nhở để con gái xấu hổ mà không yêu đương nữa.

Và nhiều nhất là sự kỳ vọng. Cha mẹ nào cũng kỳ vọng vào con mình. Đầu tư tất tay vào con. Nhiều cha mẹ thu nhập bấp bênh nhưng vẫn cố cho con học trường tư để rồi không đủ tiền đóng học phí, vay mượn khắp nơi. Nhiều người cha, người mẹ vay mượn cho con đi du học chỉ mong con sau này thành tài, kiếm được tiền trả nợ ấy. Như ở bên Singapore, nhiều đứa trẻ ra trường vừa cày cuốc kiếm sống vừa phải trả nợ tiền cha mẹ vay cho con đi học. Những cha mẹ cố gắng cho con học trường chất lượng cao thì kỳ vọng con thi đỗ vào những trường top sau này. Càng kỳ vọng thì càng đòi hỏi. Và thành áp lực đè nặng lên vai đứa trẻ.

Tôi đã từng đi trò chuyện với học sinh của hàng trăm ngôi trường. Ở đâu tôi cũng gặp những áp lực nặng nề trong mắt những đứa trẻ ấy. Thật may, hầu hết chúng đều tha thứ cho cha mẹ. Vì chúng hiểu cha mẹ vất vả là vì mình. Nhưng tha thứ không có nghĩa là hết áp lực. Chúng càng áp lực hơn. Càng yêu thương cha mẹ chúng càng bị áp lực nặng nề. Phải học cho cha mẹ vui. Phải kiếm điểm cao để thấy cha mẹ cười. Nhưng không nhiều đứa trẻ hoàn thành được nhiệm vụ này. Bởi sức học mỗi đứa trẻ một khác. Bởi đôi khi là cả ở cách dạy của giáo viên nữa. Nhưng cha mẹ không hiểu, không muốn hiểu. Cha mẹ vẫn thấy con cái mình nỗ lực chưa đủ. Chúng ta nhìn bài toán khó của một đứa trẻ lớp 3 bằng tư duy của một người lớn, thấy rằng 1+ 1= 2 là rất dễ. Mà quên rằng con của chúng ta không sở hữu não bộ, kiến thức của chúng ta.

Tôi gặp gỡ, trò chuyện với hàng ngàn đứa trẻ để học từ chúng sự bao dung với chính cha mẹ chúng. Rằng chúng ta, những người làm cha làm mẹ đều muốn con mình trở thành những con đại bàng bất chấp việc chúng ta chỉ là những con gà. Mong muốn con tốt hơn mình là một mong muốn chính đáng. Ai không mong con mình trở thành những viên kim cương lấp lánh mai này kia chứ? Nên cũng đừng trách người mẹ giao 320 bài tập Tết cho con. Có áp lực mới có kim cương vậy. Chỉ là sự lấp lánh đâu chỉ có ở kim cương? Đâu cứ cần con phải là kim cương con mới lấp lánh được?

Tôi thật lòng mong các bậc cha mẹ hãy nhìn ra những lấp lánh nơi con mình thay vì bắt con phải trở thành kim cương mới thừa nhận nó lấp lánh. Áp lực tạo ra kim cương nhưng đôi vai gầy guộc nhỏ kia phải gánh thế nào? Giấc mơ cha đè nát cuộc đời con vậy. Chúng ta chỉ muốn tốt cho con nhưng cái chúng ta nghĩ là tốt ấy con cái chúng ta có hiểu được không? Hay nó chỉ ôm giữ trong lòng sự nặng nề ấy, biến tuổi thơ của chúng thành chuỗi ngày u uất.

Khi bữa cơm nào cũng không nuốt trôi nổi lời cha mẹ mắng mỏ, khi bị so sánh với những đứa trẻ khác, khi chính chúng dằng dặc giữ trong lòng sự thất vọng về chính bản thân chúng: Đã không làm cho cha mẹ vui. Đã là nỗi thất vọng của cha mẹ. Chỉ là kẻ khiến cha mẹ vất vả. Và rồi, trong số chúng, giữa dằng dặc của nỗi thất vọng ấy, chúng gieo mình xuống với ý nghĩ: Cha mẹ sẽ bớt vất vả hơn khi không còn con nữa!

Không! Tôi không muốn cha mẹ nuông chiều con, bảo bọc con, cho con tự do muốn gì cũng được, không áp lực, không đòi hỏi. Lũ trẻ cần kỷ luật, nghiêm khắc, định hướng và cả những đòi hỏi trách nhiệm từ cha mẹ. Chỉ là đừng bằng áp lực, áp đặt mà hãy bằng đồng hành, hỗ trợ, lắng nghe, căn chỉnh. Bằng chính mình, cách mình sống, để con cái noi theo.

Như một người bạn của tôi sau khi đọc câu chuyện 320 bài tập kia nói: Nếu mẹ ấy 16 ngày nghỉ Tết, mỗi ngày nấu 3 bữa cơm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, vẫn làm việc công ty không nghỉ, vẫn chăm con đầy đủ không ngơi tay (vì con bận làm bài) thì 320 bài tập giao con chắc chắn con sẽ làm một cách vui vẻ. Vốn là vậy, cha mẹ thế nào sẽ sinh ra con như thế!

Về phần mình, tôi chắc chắn là không giao bài tập cho con dịp nghỉ Tết vì Tết là để nghỉ.

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!