Tâm điểm
Bích Diệp

Gạo cứu đói và tinh thần "tự mình đứng dậy" của địa phương

Trước thềm Tết Nguyên đán 2024, hai địa phương Quảng Trị và Quảng Bình gây chú ý khi bất ngờ rút khỏi danh sách xin Trung ương hỗ trợ gạo cứu đói.

Trước đó, 2 tỉnh này cùng 14 địa phương khác gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Thuận, đề nghị hỗ trợ hơn 14.100 tấn gạo cứu đói cho trên 181.000 hộ với hơn 935.000 nhân khẩu nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và giáp hạt 2024.

Riêng Quảng Bình đề xuất hỗ trợ 1.757 tấn và Quảng Trị đề xuất cấp hơn 991 tấn gạo hỗ trợ cho các hộ dân thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi đang gặp khó khăn…

Việc một số địa phương xếp hàng xin gạo cứu đói cho người dân gặp khó khăn mỗi dịp Tết đến xuân về đã thành chuyện thường niên.

Gạo cứu đói và tinh thần tự mình đứng dậy của địa phương - 1

Gạo cứu đói được phân bổ cho người dân vùng thiên tai, mưa lũ năm 2020 (Ảnh: Doãn Công).

Trước hết phải khẳng định, việc lo Tết cho người dân một cách chu đáo là điều nên làm, cần phải làm. Trong khi cả nước hân hoan, náo nức chào Xuân mới thì thực tế còn nhiều hộ gia đình, nhiều cá nhân lam lũ, vất vả, thiếu thốn nơi ăn chốn ở, thiếu cái ăn cái mặc. Sự quan tâm của chính quyền địa phương đến người nghèo thể hiện tinh thần nhân văn, nhân bản, vì con người, không ai bị bỏ lại phía sau.

Việc xóa đói giảm nghèo dĩ nhiên chẳng phải đến Tết mới làm mà là nhiệm vụ xuyên suốt, thường trực. Tuy nhiên, Tết là thời khắc đặc biệt. Người nghèo cần sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Những địa phương có kinh tế - xã hội phát triển, nguồn ngân sách dư dả thì chẳng nói làm gì, nhưng với những nơi thực sự khó khăn, ngân sách hạn hẹp, việc đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm nguồn lực để cứu đói một bộ phận người dân, đảm bảo các hộ dân ai cũng có Tết là hợp lẽ.

Đã nói là "gạo cứu đói" nghĩa là đối tượng nhận trợ cấp bị thiếu đói, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Số gạo mà Nhà nước trợ cấp sẽ có ý nghĩa quan trọng. Có câu "một miếng khi đói bằng một gói khi no", nguồn lực vật chất này với những người bình thường không đáng bao nhiêu song là một khoản ý nghĩa để động viên, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt.

Quảng Bình, Quảng Trị cũng như nhiều địa phương xin Nhà nước hỗ trợ gạo cứu đói kể trên xưa nay vẫn được coi là những tỉnh nghèo, nơi thì thường xuyên gặp thiên tai, hạn hán, lụt lội, nơi thì có địa bàn hiểm trở, nơi thì có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn… Năm 2023 lại là một năm kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động thu ngân sách giảm sút và nguồn lực để lo cho người nghèo cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Về tinh thần chung là vậy. Vấn đề là khi đã thành chuyện thường niên, chúng ta dường như không còn băn khoăn, suy nghĩ gì nữa. Cứ thế mà thực hiện? Trong bối cảnh như vậy, việc Quảng Bình, Quảng Trị xin rút khỏi danh sách xin gạo cứu đói đã thực sự gây bất ngờ. Lý do được lãnh đạo 2 tỉnh giải thích là "tỉnh cân đối và tự lo được". Nói với báo chí, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị - nhấn mạnh: "Chăm lo cho người nghèo thì trên tinh thần là tự mình đứng dậy, người nghèo cũng phải tự mình đứng dậy - trên cơ sở hỗ trợ của chính quyền và xã hội - chứ không thể đi xin mãi được".

Phát biểu của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt tư duy của người đứng đầu địa phương.

Xin rút khỏi danh sách không phải vì đã hết khó khăn hay dừng hoạt động cứu đói. Nói cách khác là vẫn còn một bộ phận người dân bị thiếu đói, song tỉnh "tự lo được". Tinh thần này rất đáng trân trọng và cần được khuyến khích, cho thấy ý thức của lãnh đạo tỉnh rằng "xóa đói giảm nghèo" trên địa bàn trước hết là việc của mình; thể hiện tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao của địa phương.

Đồng thời, tư duy "tự đứng dậy" cũng mang tính truyền cảm hứng rất lớn đối với người nghèo, động viên người dân phải nỗ lực thoát nghèo chứ không phải "ráng nghèo bền vững" để hưởng trợ cấp.

Hi vọng rằng tinh thần "tự lực tự cường" của Quảng Bình và Quảng Trị sẽ tiếp tục được lan tỏa đến các địa phương khác.

Điều quan trọng hơn cả sau những lần cứu đói là địa phương cần có các chương trình "đường dài" tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, vừa có thêm nguồn lực để an sinh xã hội, vừa tạo điều kiện về công ăn việc làm và kế sinh nhai để giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!