Tâm điểm
Bích Diệp

Trường chuyên: Kiêu hãnh và định kiến

Trong khi cuộc tranh cãi xung quanh chủ đề "trường chuyên" vẫn chưa có hồi kết, tôi lại nhận được lời đề nghị của một người quen nhờ kiếm giúp địa chỉ để ôn thi vào trường chuyên của tỉnh cho cô con gái vừa học xong lớp 8.

Tôi hỏi chị "vì sao phải thi vào trường chuyên", chị đáp rằng, "có thể đậu hoặc không, nhưng đó vẫn là một mục tiêu lớn phía trước để con biết khả năng của mình". Người mẹ đó cũng như bao phụ huynh khác, họ thực sự muốn gửi gắm con cái vào một môi trường với thầy cô giỏi, bạn bè giỏi, cơ sở hạ tầng khang trang và học phí rất thấp.

Nhận lời đề nghị của chị, qua một số người bạn hiện đang làm giáo viên, tôi được biết, cuộc cạnh tranh vào trường chuyên của tỉnh rất khốc liệt. Tỉ lệ chọi có những năm lên tới 1:10 (10 em thi mới có 1 em đỗ). Theo đó, để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 trường chuyên, nhiều phụ huynh đã tìm kiếm lớp học ôn cho con ngay từ đầu lớp 9.

Cuộc tranh cãi về trường chuyên hiện gồm hai nhóm ý kiến chủ yếu, nhóm ủng hộ duy trì hệ thống trường chuyên và nhóm phản đối, cho rằng trường chuyên là mô hình giáo dục bất bình đẳng và đi ngược xu hướng giáo dục toàn diện.

Tuy nhiên với nhu cầu rất cao của các phụ huynh và học sinh về trường chuyên hiện nay, tôi cho rằng việc đặt ra vấn đề "xóa bỏ trường chuyên" là bất khả thi. Trước hết, ý tưởng này chắc chắn sẽ vấp phải phản đối của những gia đình muốn hướng con em vào trường chuyên, chưa nói tới những cá nhân, tổ chức có liên quan khác.

Trường chuyên: Kiêu hãnh và định kiến - 1

Thí sinh xem danh sách khi tham gia kỳ thi tuyển vào lớp 10 một trường chuyên ở Hà Nội năm 2022 (Ảnh: Tố Linh).

Cần thấy rằng, giáo dục năng khiếu và tài năng (gifted and talented education) là những mô hình được công nhận và phổ biến trên thế giới. Ở nước ta, mô hình trường chuyên ra đời vào năm 1965, và cho đến nay, các trường chuyên vẫn là đích đến của rất nhiều học sinh cấp THCS trên cả nước. Một mô hình trường học tồn tại lâu và nhận được sự tín nhiệm lớn như vậy, hẳn nhiên có lý do.

Trường chuyên, theo định nghĩa tại Luật Giáo dục 2019, là một loại hình trường học được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Theo đó, học sinh có khả năng nổi trội ở một môn học nào đó hoặc tùy vào định hướng phát triển của cá nhân sẽ lựa chọn môn chuyên phù hợp để thi vào. Có học có thi, việc các em phải trải qua nhiều kỳ thi từ cấp trường đến cấp quốc gia gần như đã được mặc định.

Tuy nhiên, cũng từ thực tế này mà nhiều ý kiến chỉ trích rằng trường chuyên là nơi "luyện gà chọi", nhiều áp lực và khiến học sinh phát triển lệch lạc… Những vấn đề đó chẳng phải bây giờ mới được đặt ra mà tôi đã từng nghe tới ít nhất là hơn 20 năm trước.

Về "luyện gà chọi", quả đúng là học sinh trường chuyên sẽ phải học môn chuyên với chương trình "nặng" hơn các môn khác, phải tham gia nhiều cuộc thi. Từng là một học sinh trường chuyên, tôi cũng phải tham gia thi vượt rào giữa các năm học (trượt thì xuống học lớp không chuyên), thi học sinh giỏi tỉnh rồi học sinh giỏi quốc gia. Trong quá trình đó, chúng tôi sẽ có cơ hội được tiếp cận nhiều trang thiết bị, tài liệu mới và nâng cao, được tham gia các lớp học từ những giáo sư đầu ngành ở các trường đại học lớn về đứng lớp.

Ngoài thời gian ôn thi tại trường (vào các buổi chiều), chúng tôi phải tự kiếm tìm tài liệu hoặc tự nghiên cứu, mày mò. Nhờ áp lực "phải" ôn thi, tôi đã đọc được rất nhiều sách quý tại các thư viện, nhà sách. Tôi cũng có thêm bạn khi học vượt để thi cùng lớp trên (lớp 12). Sau những kỳ thi đó, tôi nghĩ thành tích chỉ một phần, điều mà mỗi chúng tôi nhận được là những trải nghiệm đẹp, là một quá trình buộc phải tự mình uốn nắn, rèn giũa bản thân ở cái tuổi "ẩm ương", ngấp nghé trưởng thành.

Còn về áp lực, chẳng phải ngay từ khi vừa cắp sách đến trường, mọi đứa trẻ đã chịu áp lực học bài cũ, thi học kỳ hay sao? Áp lực luôn hiện hữu trong cuộc sống, và bố mẹ thay vì lo sợ con phải va chạm và chịu áp lực thì nên cùng đồng hành với con, chuẩn bị cho con kiến thức, tinh thần để đón nhận và đi qua một cách nhẹ nhàng nhất. Nếu con xếp cuối lớp hay thi trượt một kỳ thi cũng chớ nên trầm trọng hóa vấn đề, bởi, đã có xếp hạng thì sẽ có hạng cao - thấp, đã thi sẽ đậu - trượt, và dù sao đó cũng chỉ là một vài kỳ thi trong đời mà thôi.

Có điều, học trường chuyên thì có lệch lạc không? Trên thực tế, học sinh chuyên vẫn học đủ các môn yêu cầu, và việc học "lệch" thì tôi nghĩ chẳng riêng trường chuyên mà bất cứ trường học nào cũng đều có tình trạng đó. Điều thú vị là lớp chuyên văn của chúng tôi ngày xưa có một số bạn học rất tốt môn toán, lý.

Tôi cũng từng là một học sinh định hướng khối A trước khi thi vào chuyên văn chỉ vì câu nói của cô giáo "Học thật giỏi văn, sau này muốn làm người xấu cũng khó". Đồng thời, nhiều học sinh lớp chuyên tự nhiên lại rất am tường về các môn xã hội, họ cũng viết văn và làm thơ rất hay.

Bên cạnh đó, với cơ chế học bổng tại các trường chuyên, nhiều học sinh nghèo học giỏi đã có cơ hội vươn lên vượt bậc, đoạt nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. "Đặc sản" của các trường chuyên còn là sự đa dạng về văn hóa. Học sinh từ nhiều địa phương trong tỉnh sẽ tập trung, quy tụ lại và bình đẳng với nhau, đây là bước đệm rất tốt để hòa đồng, thích nghi khi học lên đại học hoặc du học.

Nói chung, trường chuyên sẽ mang lại một môi trường học hành có tính thi đua cao, nghiêm túc và sáng tạo với hầu hết học sinh. Cộng đồng cựu học sinh trường chuyên cũng thường đoàn kết và tương trợ nhau chặt chẽ, do đó, việc trở thành học sinh trường chuyên mang lại không ít lợi thế cả trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp.

Trường chuyên: Kiêu hãnh và định kiến - 2

Đoàn học sinh Việt Nam dự Olympic Vật lí Quốc tế 2022 - với các thành viên trong đoàn là học sinh trường chuyên - và các thầy giáo hướng dẫn (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Vấn đề nằm ở cách tiếp cận của phụ huynh và người học. Với những lý do riêng, nhiều người có định kiến cá nhân và sẽ không thích cho con theo học trường chuyên, tôi nghĩ đó là điều bình thường. Ngược lại, chúng ta cũng nên chấp nhận sự đa dạng: khi có trường công lập, trường dân lập, tư thục, trường "quốc tế" thì cũng cần có trường chuyên.

Tôi đồng ý với chị người quen của tôi khi định hướng cho con vào trường chuyên của tỉnh với mong muốn con "gần đèn thì sáng", song tôi cho rằng, phụ huynh cũng cần lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của con mình để cuộc hành trình đó không phải là sự đày ải con cái. Điều mà tôi không đồng tình là việc một số người lớn vì sĩ diện của bản thân mà buộc con cái phải khoác lên những tấm áo quá rộng, tìm đủ mọi cách để "chạy" cho con một suất học chuyên, tạo ra tiêu cực, bất bình đẳng trong trường học. Với Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực từ  15/4, tôi hi vọng rằng, khi bãi bỏ các lớp không chuyên ở trường chuyên, tình trạng này sẽ chấm dứt.

Tôi đã từng thủ khoa đầu vào của một trường chuyên, từng thủ khoa học sinh giỏi quốc gia lớp 12 khi còn đang học lớp 11, nhưng 3 năm phổ thông của tôi vẫn trôi qua nhẹ nhàng, vui vẻ, đầy ắp kỷ niệm với bạn bè đồng trang lứa, trong một tập thể đoàn kết, hòa đồng.

Tôi muốn nhắn nhủ các em học sinh, nếu có cơ hội học trường chuyên, hãy cứ trải nghiệm và phấn đấu hết mình, vì sự cạnh tranh và thi đua lành mạnh là đặc quyền của những năm tháng học tập vô tư nhất trên ghế nhà trường. Sự thành công đúng nghĩa trong học tập là khi người học được truyền lửa, học bằng đam mê và khao khát hiểu biết, chứ không phải là lấy điểm về nhằm hài lòng thầy cô, bố mẹ.

Nếu chẳng may các em không đậu vào trường chuyên thì cũng chẳng sao, vì sự học còn rất dài, vẫn rất nhiều học sinh ở các trường bình thường khác trải qua 3 năm phổ thông vô cùng rực rỡ, vô cùng tự hào. Học hành, đậu đạt chỉ là một phần, không phải là tất cả tuổi hoa niên. Năm tháng ở trường PTTH là bước đệm cho những sự khởi đầu mới, chứ không là điểm dừng của một chặng đường nào đó. Hãy tự hào về trường lớp, yêu quý thầy cô, bè bạn; học tập với niềm vui và khát vọng dù là ở trường chuyên hay không chuyên, vì khoảng thời gian đó chắc chắn là những tháng năm đẹp nhất trong đời.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!