Chuyện khẩu phần ăn của vận động viên
Cơ quan quản lý vừa quyết định thay Huấn luyện viên trưởng đội bóng bàn trẻ quốc gia và trợ lý, do có liên quan tới vụ lùm xùm "bữa ăn 800 nghìn đồng".
Đây là quyết định cần thiết sau dư luận vừa qua, nhưng công chúng vẫn chưa biết rõ thực chất vấn đề là gì, chỉ biết rằng mâm cơm dành cho 8 vận động viên cấp quốc gia nhìn rất là đạm bạc, kể cả so với bữa cơm gia đình thông thường bây giờ.
Bữa cơm như bức ảnh chúng ta được thấy, chỉ gồm có một đĩa cá ba sa kho, một đĩa nem rán, một đĩa đậu rán và một đĩa củ quả luộc. Thế là hết. Vận động viên quốc gia mà ăn uống như vậy ư? Thật là hụt hẫng!
Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ những bữa cơm của đội tuyển bóng đá quốc gia từng được truyền thông đưa lên. Phải nói đủ món sơn hào hải vị. Nhiệm vụ của các tuyển thủ làm sao ăn cho hết khẩu phần. Tôi nhìn vào thấy ăn hết được quả là một nhiệm vụ khá vất vả.
Vẫn biết là chế độ đãi ngộ mỗi môn thể thao có thể khác nhau, tùy vào quy định cũng như sự quan tâm của xã hội (tài trợ) đối với môn ấy. Nhưng thật sự rất chạnh lòng khi nhìn mâm cơm đơn sơ của các vận động viên bóng bàn.
Một facebooker về nấu ăn đã đưa lên trang của mình mâm cơm 800.000 đồng có những gì? Nào là nguyên một con gà, rồi tôm, rồi thịt... to gần gấp đôi mâm cơm của mấy cháu vận động viên bóng bàn. Đặt hai mâm cơm cạnh nhau đúng là hình ảnh nói lên tất cả. Những ai giàu cảm xúc chắc là thấy lòng mình như bị xát muối.
Mà thôi, là một bác sĩ, tôi không để cho cảm xúc lấn át, mà tôi muốn bàn với các bạn về khẩu phần dinh dưỡng cho vận động viên thế nào là hợp lý, rồi sau đó chúng ta sẽ quay lại cái mâm cơm bị đưa lên mạng ấy, xem đã đạt chưa. Còn việc làm rõ vấn đề và kết luận hãy để cơ quan chức năng.
Đầu tiên phải nói đến nhu cầu năng lượng của vận động viên. Năng lượng cần cho con người được y học tính bằng đơn vị Kcal, hoặc thông thường hay gọi tắt là calo. Có công thức để tính nhu cầu năng lượng cơ bản của mỗi người, dựa theo chiều cao, cân nặng và tuổi. Tuy nhiên để cho dễ hiểu, ta ước lượng được rằng, một người trung bình, trong điều kiện nghỉ ngơi, cần tiêu thụ 1.500 Kcal một ngày.
Tùy theo môn thể thao có cường độ khác nhau mà nhu cầu sẽ khác nhau. Ví dụ như môn nhẹ nhàng như bida thì nhu cầu năng lượng sẽ gấp 1,6 lần bình thường, môn bóng bàn cần 1,8 lần, bóng đá cần 2 lần.
Còn cách tính nhu cầu năng lượng khác, dựa vào cường độ tập luyện. Ví dụ như chạy bộ 30 phút tiêu hết 300 Kcal, bóng chuyền hết 120 kcal, bóng bàn hết 210 kcal. Các vận động viên chuyên nghiệp tập luyện ngày 8 giờ, nhân lên cũng khoảng 3.000 Kcal.
Như thế là dù ước tính theo phương pháp nào thì mỗi vận động viên bóng bàn cũng cần năng lượng từ 2.800 Kcal đến 3.000 Kcal. Tiếp đến ta chia tổng năng lượng này cho 3 bữa, thì bữa sáng cần 30%, bữa trưa cần 40%, bữa tối cần 30%. Tuy nhiên với các môn thể thao tiêu thụ nhiều năng lượng, lượng thức ăn bù đắp cần chia nhỏ thành nhiều bữa hơn nữa để dễ hấp thụ.
Nếu ta quy đổi thành thức ăn, ví dụ một bát cơm có 130 Kcal, một tô phở bò 320 Kcal, một gói xôi 220 Kcal, một đĩa cá kho 380 Kcal... thì có thể thấy với mâm cơm như báo chí và dư luận phản ánh, nếu đúng là ăn uống như vậy thì sẽ thiếu năng lượng. Điều này chúng ta chưa biết rõ thực hư vì chưa có kết luận cụ thể như tôi đã nêu ở trên. Nhưng, như thông tin trên báo Dân trí là "các vận động viên cho biết vì ăn uống không đầy đủ nên thường xuyên phải tự đi mua đồ ăn thêm mới đủ sức tập".
Giả sử bữa sáng cần khoảng 800 - 900 Kcal mà chúng ta chỉ được ăn có nắm xôi 220 Kcal thì thiếu là đúng rồi, sức đâu để luyện tập. Bữa trưa và bữa chiều mà cũng ăn đạm bạc thì tình hình tương tự bữa sáng.
Ngoài ra, chúng ta phải bàn đến chất lượng dinh dưỡng. Các bữa ăn cần đảm bảo thành phần chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất...
Chất bột đường rất cần cho vận động viên vì nó được chuyển hóa nhanh thành đường glucose, sinh năng lượng trực tiếp cho cơ thể. Vì thế thông thường đường bột cần chiếm 60% tổng năng lượng vận động viên cần. Với một tổng nhu cầu 2.800 Kcal, đường bột sẽ chiếm tới 1.700 Kcal, nếu chia theo bát cơm thì vận động viên cần ăn tới 13 bát cơm một ngày. Rõ ràng là không thể ăn nổi. Vì thế vai trò của bếp ăn là phải chế biến thành nhiều dạng như cơm cháo, bún phở và bánh kẹo... để vận động viên có thể ăn hết khẩu phần. Nhưng trong trường hợp… ăn cơm còn chưa no thì chắc khó đòi hỏi chế biến đa dạng.
Tiếp đến là chất đạm. Chất đạm cần cho vận động viên xây dựng cơ bắp. Nhất là các bạn trẻ đang trong độ tuổi lớn càng cần lượng đạm nhiều hơn. Ngoại hình thấp bé nhẹ cân ngoài vấn đề di truyền thì còn do ăn chế độ thiếu chất đạm từ bé. Lượng đạm cần chiếm 15 - 20% tổng năng lượng, tức là lượng đạm cần chiếm khoảng 500 Kcal, quy đổi ra thịt mỗi vận động viên cần ăn khoảng 2 đĩa thịt bò xào hay 2 đĩa thịt gà mỗi ngày. Nếu mà 8 người chung nhau 2 đĩa mặn thì khả năng cao là không đủ.
Hơn nữa, không rõ ngoài mâm cơm chính thì các vận động viên bóng bàn của chúng ta có thêm trái cây tươi sau bữa ăn không. Trái cây tươi cung cấp thêm khoáng chất và vitamin, rất cần cho các vận động viên hoạt động thể lực cũng như đang tuổi lớn. Nước ta ở xứ nhiệt đới, hoa trái có quanh năm, nếu kinh phí ít thì hoàn toàn có thể ăn những loại trái cây sẵn có, giá rẻ, nhưng cũng có hàm lượng dinh dưỡng tốt như: chuối, thanh long, cam, bưởi, ổi, dứa, xoài... Ở ngoài chợ, một nải chuối chín 16 quả chỉ có mấy chục nghìn đồng, thanh long thì 5.000 đồng/kg.
Như vậy, qua phân tích cả về cảm quan lẫn khoa học, tôi thấy mâm cơm dành cho 8 vận động viên bóng bàn nếu đúng như báo chí phản ánh thì khá đáng trách với ban huấn luyện. Mong sao qua dịp này, các nhà quản lý hãy rà soát tổng thể và sớm chấn chỉnh nếu phát hiện ở đâu làm chưa tốt, để qua đó góp phần giúp các vận động viên của đất nước giành những thành tích ngày càng tốt hơn.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!