Tâm điểm
Trương Chí Hùng

Chợ nổi đang "chìm"

Miền Tây Nam Bộ là vùng có nhiều sông ngòi, kênh rạch. Trước đây, hệ thống đường bộ chưa phát triển, người dân đi lại bằng xuồng ghe là chủ yếu, kể cả "họp chợ" cũng diễn ra trên không gian sông nước, từ đó hình thành các chợ nổi như một nét văn hóa độc đáo.

Ký ức của những người con sông nước miền Tây chắc chắn không thể tách rời hình ảnh những buổi họp chợ nhộn nhịp trên sông.

Theo dòng chảy của thời gian, bên cạnh giữ được chức năng mua bán truyền thống, nhiều nơi bà con đã biết khai thác chợ nổi như một sản phẩm du lịch. Có thể kể đến chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Long Xuyên (An Giang), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng)... Tiếc là gần đây có nhiều phản ánh về việc sản phẩm phục vụ du lịch tại các chợ nổi chưa thực sự hấp dẫn, khiến khách tham quan thấy nhàm chán, đi rồi không muốn trở lại.

Chợ nổi đang chìm - 1

Du khách tham quan chợ nổi Long Xuyên (Ảnh: Quỳnh Tâm)

Cuối tuần qua, một nhóm du khách từ nơi khác đến chơi nhờ tôi tổ chức cho tham quan chợ nổi Long Xuyên. Để đón bình minh và chứng kiến hoạt động mua bán trên sông, cả đoàn phải đi từ rất sớm. Đúng 5h30 sáng, chúng tôi đã có mặt ở bến phà Ô Môi, cùng lên chiếc ghe tam bản chạy ra chợ nổi. Thời gian di chuyển trên sông chưa đầy 20 phút thì chủ ghe đã thông báo chợ nổi ngay trước mặt.

Tôi quan sát thấy nhiều người trong đoàn có vẻ hơi hụt hẫng, vì trong sự hình dung của họ, chợ nổi phải đông đúc hơn, sôi động hơn rất nhiều so với những gì họ đang chứng kiến. Vài chiếc ghe lớn neo lại giữa sông, trên có cắm cây "bẹo" treo khoai mì, củ sắn, dưa hấu, dừa khô. Đó là tất cả những mặt hàng chính được bán ở chợ nổi Long Xuyên. Tiếc là ghe bán hàng đậu lưa thưa mà ghe mua hàng còn ít hơn, nên du khách hầu như không chứng kiến được hoạt động mua bán trên sông. Thay vào đó, họ phải nhìn cảnh những người trên ghe mới thức dậy, làm vệ sinh cá nhân và rất nhiều rác dân thương hồ xả hết xuống dòng sông.

Tôi phải giải thích với cả đoàn là hiện nay hoạt động lưu thông đường bộ ở miền Tây khá thuận lợi, nên việc bán mua trên sông không còn nhộn nhịp như trước. Hơn nữa, có nhiều mặt hàng khó bảo quản lâu, nếu chuyên chở bằng ghe từ ruộng vườn tới chợ nổi cũng dễ hư hỏng, nên bà con không còn thiết tha với mô hình này như trước nữa. Dù cố gắng thuyết minh thêm những giá trị văn hóa sông nước nói chung và chợ nổi nói riêng, nhưng cả buổi sáng hôm ấy tôi cảm giác các vị khách của mình không vui, không thỏa mãn thị hiếu.

Lần khác, khi đồng hành cùng một nhóm bạn trẻ tham quan chợ nổi Cái Răng, tôi cũng chứng kiến sự thất vọng tương tự. Ngoài ghe xuồng xuôi ngược trên sông với hoạt động mua bán khá tẻ nhạt, du khách khó có thể trải nghiệm gì nhiều khi đi chợ nổi. Họa chăng may mắn gặp những hôm thời tiết đẹp, ngồi hoặc đứng ở mũi ghe chụp một bức ảnh sống ảo để khoe với bạn bè. Các ghe hàng bán nước giải khát và đồ ăn trên chợ nổi cũng bị một số du khách phàn nàn là không ngon mà giá tương đối cao. Nhiều người tham quan chợ nổi xong thẳng thừng bảo sẽ không bao giờ quay lại nữa vì tốn tiền mà chẳng có gì hấp dẫn.

Có thể nói, sự bấp bênh trong việc khai thác du lịch tại các chợ nổi ở miền Tây đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho người dân và các cơ quan chức năng. Đã đến lúc, chúng ta phải thừa nhận, làm du lịch một cách tự phát, bằng những sản phẩm du lịch có sẵn đôi khi thiếu bền vững. Các địa phương ở miền Tây cần quy hoạch lại du lịch, thiết kế các sản phẩm du lịch độc đáo, ổn định nếu muốn phát triển lâu bền.

Điển hình như chợ nổi, khi hoạt động mua bán tự phát của người dân không còn nhiều như trước, chúng ta không thể đưa du khách đến, bắt họ bỏ tiền ra nhưng chẳng có gì thú vị để trải nghiệm. Thay vào đó, nên chăng chính quyền sở tại, đặc biệt là các cơ quan quản lý du lịch phục dựng chợ nổi ở một khúc sông có cảnh quan đẹp, có vườn cây ăn trái, có các làng nghề truyền thống, có hoạt động đánh bắt cá miệt sông nước, có đàn ca tài tử cải lương. Với một không gian tích hợp nhiều sản phẩm du lịch như thế, chắc chắn sẽ chinh phục được thị hiếu của du khách.

Cũng từ câu chuyện chợ nổi miền Tây, chúng ta cần nghĩ đến cách xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, thay vì chỉ dựa vào tài nguyên sẵn có. Nhiều năm qua, du lịch xứ này đã tận dụng khá triệt để cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa bản địa, sản vật đặc trưng… Có điều, việc khai thác tự nhiên làm du lịch phải được tính toán chừng mực, không thể lạm dụng quá mức. Đặc trưng văn hóa vùng miền cũng có dấu hiệu biến đổi, mai một. Sản vật thì ngày càng sụt giảm, khan hiếm.

Chính vì thế, muốn duy trì và phát triển du lịch, thiết nghĩ miền Tây phải năng động hơn trong việc tạo ra sản phẩm du lịch mới dựa trên tiềm năng của mỗi địa phương. Công việc này đòi hỏi sự quyết tâm của các cơ quan chức năng, sự chung tay đóng góp ý tưởng của các chuyên gia du lịch và sự đồng lòng của người dân. Chắc chắn có những khó khăn, thử thách đáng kể, nhưng đây là vấn đề cấp thiết, cần sớm thực hiện để đưa du lịch miền Tây trở nên hấp dẫn du khách hơn nữa.

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!