1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57
  3. Hai phi hành gia mắc kẹt ngoài không gian
  4. Tại sao lại thế?

Cách ngủ của nhiều người Việt đang tàn phá gan, tăng nguy cơ ung thư

Minh Nhật

(Dân trí) - Ngủ nhiều tưởng là tốt, ai ngờ lại tiềm ẩn nguy cơ hại gan, thậm chí gây ung thư. Một nghiên cứu lớn kéo dài hơn 15 năm tiết lộ sự thật khiến ai cũng phải giật mình.

Một nghiên cứu từ Đại học Harvard cho thấy, không chỉ thức khuya, mà cả việc ngủ quá nhiều hay ngủ trưa quá lâu cũng có thể làm tổn thương gan - thậm chí làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan.

Ngủ không đúng cách - hại gan hơn bạn tưởng

Theo Aboluowang, BS Tiền Chính Hoằng, chuyên gia gan mật - tiêu hóa, mới đây chia sẻ trên trang cá nhân: "Chỉ thức khuya thôi chưa đủ, ngủ quá nhiều hoặc ngủ trưa quá lâu cũng có thể hại gan".

Cách ngủ của nhiều người Việt đang tàn phá gan, tăng nguy cơ ung thư - 1

Ngủ quá nhiều cũng làm tăng ảnh hưởng có hại đến gan (Ảnh: Getty)

Dẫn nguồn từ nghiên cứu của Đại học Harvard, ông cho biết giấc ngủ - tưởng chừng đơn giản - lại có mối liên hệ chặt chẽ với nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ và ung thư gan.

Đáng chú ý, cả ngủ quá ít (dưới 5 giờ mỗi đêm) lẫn ngủ quá nhiều (từ 9 giờ trở lên) đều có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan lên gấp đôi so với người ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm.

Nghiên cứu trên do Đại học Harvard thực hiện, đã theo dõi gần 296.000 người tham gia trong suốt 15,5 năm. Kết quả cho thấy, mối quan hệ giữa thời lượng ngủ và sức khỏe gan có dạng chữ U, tức là: ngủ quá ít hay quá nhiều đều bất lợi, chỉ khi ngủ vừa đủ mới thực sự tốt cho gan.

Cụ thể:

- Người ngủ dưới 5 giờ/đêm: nguy cơ mắc ung thư gan tăng gấp 2 lần

- Người ngủ từ 9 giờ trở lên/đêm: tăng nguy cơ gấp 1,6 lần.

Vì sao giấc ngủ lại ảnh hưởng đến gan?

Theo BS Tiền, gan là cơ quan có nhịp sinh học riêng, hoạt động mạnh mẽ vào ban đêm để thực hiện các chức năng giải độc, chuyển hóa và phục hồi tế bào.

Việc ngủ quá ít, ngủ sai giờ hoặc ngủ quá lâu đều có thể phá vỡ nhịp sinh học của gan, gây rối loạn hoạt động.

Ông chỉ ra 3 cơ chế chính lý giải vì sao ngủ không hợp lý có thể làm hại gan:

- Rối loạn chuyển hóa đường: Ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều có thể làm gián đoạn quá trình chuyển hóa glucose, từ đó dễ gây tăng mỡ tích tụ ở gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư gan.

- Tăng phản ứng viêm và stress oxy hóa: Thiếu ngủ hoặc ngủ quá mức kích thích sản sinh các cytokine gây viêm và gốc tự do, làm tổn thương tế bào gan và thúc đẩy quá trình hình thành ung thư gan.

- Ảnh hưởng đến hormone melatonin: Đây là hormone quan trọng hỗ trợ gan tái tạo và chống lại tổn thương. Rối loạn giấc ngủ làm giảm hiệu quả của melatonin, khiến gan dễ bị tổn thương hơn.

Ngủ đúng cách để bảo vệ gan

Từ nghiên cứu này, các chuyên gia khuyến cáo:

- Ngủ đủ từ 7-8 giờ mỗi đêm là thời lượng tối ưu để gan được nghỉ ngơi và tái tạo.

- Ngủ trưa ngắn 15-30 phút là hợp lý, tuyệt đối không nên ngủ trưa quá 1 giờ vì có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học.

- Duy trì lối sống đều đặn, không thức khuya kéo dài, tránh ngủ bù cuối tuần, không lệ thuộc vào thuốc ngủ nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Người Việt vốn quen với câu nói "ăn được ngủ được là tiên", nhưng với nhịp sống hiện đại, giấc ngủ ngày càng bị xem nhẹ hoặc lạm dụng sai cách.

Thức khuya vì công việc, ngủ bù vì mệt mỏi, hoặc ngủ trưa kéo dài - tất cả đều có thể gây hại cho lá gan, một cách âm thầm và lâu dài.

Gan là cơ quan không có dây thần kinh cảm giác, nên thường không đau dù đã bị tổn thương. Đến khi phát hiện ra vấn đề, bệnh lý gan - đặc biệt là ung thư gan - thường đã tiến triển nặng.

Hãy bắt đầu bảo vệ gan từ những điều nhỏ nhất như một giấc ngủ đúng giờ, đủ giấc và đều đặn mỗi ngày.