Zalo: Từ giấc mơ lãng mạn đến ngôi vị số 1

Khởi đầu chậm chạp và có những lúc sai lầm nhưng Zalo (ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt trên di động) đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục để vươn lên vị trí số 1 Việt Nam.

Đầu năm 2012, khi quyết định tự làm một ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt trên di động mà không phát hành sản phẩm của nước ngoài, nhóm phát triển Zing bị coi là “những chàng Đông Ki Sốt”. Không có nhiều người tin rằng, một sản phẩm Việt Nam có cái tên Zalo lại có thể cạnh tranh và chiến thắng những người khổng lồ, đã có tiếng tăm trong lĩnh vực này trên toàn thế giới như Viber, Wechat, Line, Kakao Talk, hay WhatsApp…
Đội ngũ Zalo những ngày đầu tiên.
Đội ngũ Zalo những ngày đầu tiên.
 
Tháng 12/2011, nhóm phát triển Zalo khởi động và dự kiến ra sản phẩm sau 6 tháng. Trong khi Zalo chưa ra đời, tháng 4/2012, Wechat đã đổ bộ vào Việt Nam với những chiến dịch quảng bá ồ ạt, đạt gần 1 triệu người dùng trong gần 3 tháng và thống trị thị trường ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động.

Dù team Zalo làm việc một cách “điên cuồng”, tháng 8/2012, sản phẩm thử nghiệm đầu tiên mới ra mắt. Thế nhưng, ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt này không có một sự khởi đầu suôn sẻ. Những điều tưởng chừng như thế mạnh của sản phẩm như dùng Zing ID để đăng nhập hay sử dụng chung nền tảng chat của mạng xã hội Zing Me, lại là những cản trở, giới hạn khi tiếp cận nhóm khách hàng trên di động.

Team làm Zalo đứng trước những thách thức khủng khiếp. Họ bị vây quanh bởi sự hoài nghi ngày càng lớn với suy nghĩ: “Sản phẩm công nghệ cao của người Việt thì sức mấy mà đấu với những người khổng lồ của thế giới!”.

Ba tháng sau (11/2012), phiên bản chính thức của Zalo mới ra mắt với những thay đổi rất lớn so với ban đầu, chậm so với kế hoạch 6 tháng và chậm so với Wechat tới 8 tháng. Lúc đó, ngay cả những người lạc quan nhất cũng nghi ngờ về khả năng thành công của ứng dụng này bởi “ông kẹ” Wechat đang thống lĩnh thị trường và có một khoảng cách cực lớn so với “lính mới” Zalo.

Thế nhưng, chỉ sau hơn 1 tháng, điều khó tin đã xảy ra. Trên bảng xếp hạng App Store Việt Nam, Zalo thực hiện một cú nhảy vọt ngoạn mục lên vị trí số 1 vào 8/1/2013 – vượt qua Wechat và liên tục giữ “ngôi vương” tại đây cho tới nay.

Một ứng dụng Việt, mới ra đời lại chinh phục vị trí số 1 tại App Store – “chiến trường” khốc liệt nhất, được đánh giá bởi các khách hàng iOS là một minh chứng hiển nhiên cho chất lượng sản phẩm. Đây cũng là điều bất ngờ với rất nhiều chuyên gia về công nghệ.
Cơn sốt Zalo trong giới trẻ
Cơn sốt Zalo trong giới trẻ

Cuối tháng 1/2013, thị trường càng sôi động hơn khi hai ứng dụng từ Nhật, Hàn Quốc là Line và Kakao Talk đổ tiền ào ạt, tiến hành các hoạt động marketing rầm rộ. Tuy nhiên, ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt  Zalo vẫn được người dùng trong nước ưu ái nhiều nhất và có tốc độ tăng trưởng chóng mặt, vươn lên vị trí số 1 với khoảng 1 triệu người dùng vào cuối tháng 2/2013. Cũng trong tháng 2/2013, trang công nghệ Techniasia chọn Zalo nằm trong danh sách những ứng dụng công nghệ trên di động sáng tạo nhất châu Á.

Trên thực tế, khẩu hiệu trên mà team Zalo với hơn 80 người đều tâm niệm bắt nguồn từ việc toàn bộ nhóm đều coi đây là sản phẩm chiến lược mà nếu thất bại họ sẽ không có đường lùi.

Đến nay, sản phẩm nhắn tin miễn phí thuần Việt đang tạo ra một “làn sóng mới”. Nó hấp dẫn người dùng không chỉ bởi miễn phí mà còn ở phương thức liên lạc mới mẻ mà trước đây họ chưa có: nhắn tin bằng giọng nói (dùng được cả với mạng 2G và 2,5G – điều mà các ứng dụng nước ngoài chưa làm được) và vẽ hình biểu cảm trong khi trao đổi.

Những chàng trai Zalo sẽ đem đến điều bất ngờ gì tiếp theo sau những cơn sốt của giới trẻ và sự thích thú đặc biệt của cả người già? Thời gian sẽ cho câu trả lời với câu chuyện cổ tích công nghệ Việt thời hiện đại.

Theo HL

ICTNews