Xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia

Thế Anh

(Dân trí) - Dữ liệu tại cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là nguồn tài nguyên dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.

Chiều 30/11, với 451/458 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Dữ liệu. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, trong đó quy định về việc lập cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dữ liệu tại cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là nguồn tài nguyên dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.

Xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia - 1

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu vào chiều 30/11 (Ảnh: Quochoi.vn).

Việc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính, tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số.

Các thông tin được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được chia sẻ phục vụ việc khai thác chung cho các Bộ, ngành, địa phương. Cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được cập nhật, đồng bộ, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Bên cạnh đó, Luật Dữ liệu còn quy định về việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được Nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Việc chuyển dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng bao gồm chuyển dữ liệu đang lưu trữ tại Việt Nam tới hệ thống lưu trữ dữ liệu đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển dữ liệu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam sử dụng nền tảng xử lý ở ngoài lãnh thổ Việt Nam để xử lý dữ liệu.

Việc chuyển, xử lý dữ liệu quy định trên phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chính phủ được giao việc quy định chi tiết điều này.

Ngoài ra, Luật Dữ liệu có nhiều quy định về hoạt động quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý Nhà nước về dữ liệu, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.