"Wimax sẽ chiếm lĩnh thế giới dịch vụ viễn thông!"
Cũng là truy nhập Internet băng rộng không dây như Wi-Fi, nhưng xem ra công nghệ ''mới ra lò'' Wimax đang là tâm điểm chú ý của giới viễn thông. Tại thời điểm này, Wimax được đánh giá là sự hội tụ đầy đủ của bộ ba máy tính-di động và cố định.
Wimax là công nghệ mới xuất hiện trên thế giới và Việt Nam, hiện tại, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là doanh nghiệp tiên phong thử nghiệm công nghệ này. Phó Tổng giám đốc VNPT - ông Trần Mạnh Hùng cho biết: “Khi được chính thức triển khai dịch vụ này, sẽ có sự bùng nổ của ''triều đại'' Wimax trong tất cả các lĩnh vực viễn thông như Internet, điện thoại di động, điện thoại IP Phone, điện thoại VoIP...”
- Chính phủ vừa cho phép cung cấp dịch vụ WiMax tại Việt Nam. Là đơn vị tiên phong trong việc thử nghiệm dịch vụ này, xin ông cho biết một số đặc điểm cơ bản của WiMax?
- Đây là dịch vụ truy nhập Internet băng rộng vô tuyến. Đặc biệt, việc truy nhập này có cả dịch vụ thoại, nhưng khác với các dịch vụ viễn thông khác, trong công nghệ Wimax, thoại chỉ là 1 ứng dụng. Băng tần của di động là 800-1.800 MHz còn băng tần của Wimax cao hơn, là 2.3 - 3.3 GHz, băng tần 3G là 1.900-2.100 và 2.200 GHz.
Ưu điểm của công nghệ này 1 trạm BTS của Wimax có thể phủ sóng từ 10 đến 50km, lại chỉ cần ít trạm phát sóng, nhưng chất lượng dịch vụ vẫn được đảm bảo. Do đó, việc lắp đặt rất dễ triển khai, thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Với một trạm BTS Wimax, có thể quy định được 10 người ở chế độ ưu tiên, trong khi vẫn đảm bảo được băng tần. Bên cạnh đó, nhà cung cấp dịch vụ có thể cấp tiếp cho 50 người khác dùng dịch với với mức độ ưu tiên ít hơn. Do đó, việc phân loại giá thành, cũng như nhu cầu sử dụng dịch vụ phù hợp với từng đối tượng dịch vụ cũng đa dạng hơn.
Mức độ phổ cập dịch vụ phụ thuộc thiết bị đầu cuối cá nhân. Thiết bị đầu cuối để sử dụng Wimax gồm PDA, điện thoại di động, máy tính có chức năng thu vô tuyến. Có thể dùng card cắm vào máy tính để truy nhập, nếu nhà ở xa trạm phát (trên 5km) phải dùng 1 ăng-ten parabol nhỏ để thu tín hiệu.
- Cụ thể trong lĩnh vực điện thoại di động, công nghệ Wimax sẽ có ảnh hưởng như thế nào?
- Đối với dịch vụ điện thoại di động, khi đã có công nghệ Wimax phổ cập, chắc chắn sẽ khiến nhu cầu sử dụng máy đầu cuối - máy di động hỗ trợ công nghệ này (tương tự như các đời máy có hỗ trợ GPRS trước đây-PV). Theo đánh giá của tôi, chỉ trong vòng 1-2 năm nữa, các loại máy cao cấp này sẽ xuất hiện đại trà ở Việt Nam. Đặc điểm của các máy này tương tự giống như PDA nhưng có chức năng thu tín hiệu vô tuyến.
Wimax có ưu điểm là tốc độ truyền dẫn dữ liệu cao, có khi lên tới 70 Mbps, yếu tố bảo mật tốt, sử dụng cả phổ tần cấp phép và không được cấp phép. Vì vậy, việc phát triển các dịch vụ nội dung trên điện thoại di động được hỗ trợ bởi công nghệ Wimax sẽ đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.
- Xin ông cho biết về chi phí đầu tư vào hạ tầng cung cấp dịch vụ Wimax?
- Hiện nay thiết bị chưa có, chưa đấu thầu nhưng chi phí đầu tư thiết bị sẽ tương đương đầu tư cho mạng di động hiện nay. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa cấp phép cung cấp dịch vụ Wimax di động và cố định, nên chúng tôi đang chờ Bộ BCVT cấp phép băng tần để thử nghiệm.
Trước đây, VNPT cũng đã thử nghiệm Wimax nhưng là chuẩn khác, không phải là chuẩn mới hiện nay. Chuẩn hiện nay liên quan nhiều hơn đến di động và đến mạng thế hệ mới NGN. Tổng công ty đang làm dự án về dịch vụ Wimax.
Cụ thể là, phần truy nhập vô tuyến do các bưu điện tỉnh làm. Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC triển khai dịch vụ Internet, còn về nội dung dịch vụ có thể do nhiều đơn vị tham gia như Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC. Công nghệ Wimax gần như chỉ làm phần truyền dẫn và đảm bảo chất lượng cho phần này…
Dự kiến, đến thời điểm năm 2008-2010, chúng tôi sẽ triển khai rộng khắp mạng thế hệ mới cho hạ tầng mạng nội hạt. Và chắc chắn, thời gian này, các dịch vụ Wimax sẽ được phổ biến.
- Dịch vụ Wimax có đặc điểm khác biệt gì so với dịch vụ Wi-Fi?
- Bán kính phủ sóng của 1 hotspot của Wi-Fi chỉ là 150m, và công nghệ này cũng cần nhiều trạm hotspot cho một khu vực nhất định. Vì vậy, dịch vụ này khó triển khai rộng. Để dễ hiểu, chúng ta có thể ví Wi-Fi giống như dịch vụ CityPhone - dịch vụ điện thoại nội vùng. Một trạm của CityPhone cũng có bán kính như vậy, không phủ hết được các “lỗ trống”.
Mặt khác, nếu càng có đông người sử dụng WiFi thì tốc độ càng giảm xuống. Đồng thời, chất lượng của Wi-Fi không được tốt bằng ADSL, không đảm bảo được chế độ ưu tiên như Wimax.
- Nói như vậy, liệu Wimax trong tương lai có thay thế Wi-Fi không?
- Wimax không thay thế được Wi-Fi vì Wi-Fi đã và đang dùng cho từng cửa hàng, gia đình, cá nhân, gần như mạng nội bộ. Nếu đường truyền dẫn của dịch vụ Wi-Fi được chạy cáp về trung tâm, sẽ rất phức tạp và tốn kém. Trong khi Wimax lại dễ dàng triển khai rộng tại nơi công cộng. Wimax chỉ cần vài ba trạm phát sóng, vì tận dụng được cáp quang. Công tác thi công lại không phụ thuộc việc đào đường, khắc phục được việc triển khai chậm, tiết kiệm thời gian.
Công nghệ này có thể được ví một giai đoạn bước đệm cho việc triển khai nhanh, quan trọng là đáp ứng được thuê bao di động cầm tay PDA, đáp ứng nhu cầu thông tin cá nhân, có thể truy cập Internet. Thậm chí, việc triển khai công nghệ này đơn giản hơn 3G, và có thể so sánh Wimax tương đương gần như công nghệ 4G.
- Giới chuyên môn cũng có ý kiến cho rằng, sẽ có sự loại trừ nhau giữa công nghệ Wimax với 3G. Ông nhận xét thế nào về nhận định này?
- Hiện tại, các mạng di động Việt Nam đang sử dụng công nghệ từ 2,5-3G. Đây là công nghệ dành cho những lớp khách hàng khác nhau, có truy nhập Internet nhưng chuyên về thoại là chính. Ngược lại, công nghệ Wimax hay 4G có băng rộng hơn lại được sử dụng chuyên truy nhập Internet có dịch vụ thoại, có tính năng thoại. Ví dụ như một số dịch vụ gia tăng dựa trên công nghệ Wimax như gọi IP Phone qua máy tính, VoIP... Nghĩa là, hai công nghệ này cùng tồn tại song song, và xét ở khía cạnh nào đó, chúng hỗ trợ, tương tác lẫn nhau.
- Dịch vụ này sẽ có mức cước thế nào, thưa ông?
- Giá cước của Wimax sẽ cạnh tranh với ADSL. Vì vậy, trong tương lai, mức cước này sẽ không thể cao hơn ADSL quá nhiều!
- Xin cảm ơn ông!
Theo Hoàng Hùng
VietNamNet