"Tự chủ công nghệ, Việt Nam là hình mẫu đầu tư thành công và bền vững"
(Dân trí) - Tổng thư ký ITU Houlin Zhao đánh giá cao những kết quả mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực ICT, nhờ việc nhận thức đúng tầm quan trọng cũng như đầu tư theo cách sử dụng thiết bị tự sản xuất.
Chiều 13/10, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc Tổng thư ký Liên minh viễn thông thế giới (ITU) Zhao Houlin. Cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2021 do Việt Nam đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến từ 12-14/10.
Vai trò của ITU ngày càng to lớn
Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những kết quả mà ITU đã đạt được khi ông Houlin Zhao nắm giữ vai trò Tổng thư ký. Trong đó, khả năng tiếp cận viễn thông và công nghệ giữa các nước được thu hẹp đáng kể. Viễn thông, CNTT và công nghệ số đã hội tụ lại, tạo ra cuộc cách mạng.
"Sự hội tụ này thực sự sẽ tạo ra một cuộc cách mạng. Khi đó, vấn đề không chỉ là công nghệ nữa, mà trở thành vấn đề chính sách và thể chế", người đứng đầu Bộ TT&TT nhận xét.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng công nghệ số đã tạo ra những thay đổi căn bản, tác động sâu rộng, vì vậy ITU cần tham gia định hướng mạnh mẽ hơn các vấn đề ngoài công nghệ. Có thể kể đến như chủ quyền quốc gia trên không gian số, trách nhiệm xã hội của các công ty công nghệ lớn, hoặc câu chuyện về các doanh nghiệp xuyên biên giới.
"Tôi nghĩ rằng vai trò của ITU chưa bao giờ to lớn như ngày hôm nay", Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất một số sáng kiến với Tổng thư ký ITU để huy động nguồn lực chung. Cụ thể, mỗi quốc gia thành viên ITU sẽ nhận và thực thi một sáng kiến bằng nguồn lực của mình. Khi thành công, sáng kiến đó sẽ được ITU phổ biến ra toàn cầu.
"Nếu 193 quốc gia thành viên mỗi năm có 1 sáng kiến thành công thì ITU sẽ có 193 sáng kiến vĩ đại. Tôi nghĩ đấy là một sự thay đổi rất lớn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Việt Nam là hình mẫu đầu tư thành công và bền vững
Tại buổi tiếp, Tổng thư ký ITU Houlin Zhao cho biết đã nhìn thấy sự thay đổi lớn lao của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ mà một trong những biểu hiện là chỉ số tiếp cận công nghệ ngày càng cao. Các thành tựu của Việt Nam đã vượt ngoài khu vực, vươn ra các thị trường nước ngoài.
Ông Houlin Zhao nhận xét Việt Nam đã không đi theo lối mòn là mua sản phẩm, dịch vụ của các công ty lớn mà đã chọn hướng tự nghiên cứu và phát triển. Tổng thư ký ITU cho rằng đây là con đường đi đúng đắn khi Việt Nam tự chủ về công nghệ, bằng các sản phẩm "made in Việt Nam".
"Việt Nam đã vươn ra thị trường nước ngoài, sử dụng những hệ thống do Việt Nam sản xuất. Đây là điều tôi muốn các thành viên của ITU học hỏi bởi đây là cách đầu tư thành công, bền vững", ông Zhao cho biết.
Tổng thư ký ITU cũng đánh giá cao khi Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của ICT. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại sự kiện của ITU cho thấy tầm quan trọng của ICT tại Việt Nam.
Cùng với đó, ông Houlin Zhao cho rằng các đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là những ý tưởng tốt, có thể mang ra thảo luận.
Là chủ nhà tổ chức liên tiếp hai sự kiện trực tuyến (năm 2020 - 2021), Bộ trưởng Bộ TT&TT bày tỏ mong muốn Việt Nam có thể tiếp tục tổ chức Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2022 theo hình thức trực tiếp.
Ngày 24/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Phó Chủ tịch Ủy ban gồm Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực thông tin và truyền thông (Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban); Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.