Thủ tướng: Chuyển đổi số đặt ra cả cơ hội và thách thức

Đình Nam

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn trong trạng thái bình thường mới, góp phần phục hồi kinh tế với sức khỏe và an toàn người dân được đặt lên hàng đầu.

Tối 12/10 (giờ GMT+7), Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm trực tuyến Thế giới số 2021 (ITU Digital World 2021) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội, thông qua hình thức trực tuyến.

Vì lợi ích và sự tiến bộ của nhân loại

Tham dự sự kiện có ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Houlin Zhao, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số, khẳng định chương trình sẽ góp phần khai mở các giá trị của chuyển đổi số, công nghệ số để phát triển nền kinh tế số hợp tác và chia sẻ, vì lợi ích và sự tiến bộ của người dân ở tất cả các quốc gia.

Thủ tướng: Chuyển đổi số đặt ra cả cơ hội và thách thức - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Quốc Chính

Thủ tướng cho rằng thế giới đang trải qua những biến động nhanh chóng, sâu sắc chưa từng có, đặc biệt do những tác động của đại dịch Covid-19. Là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn khi mà đại dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. 

"Chính phủ Việt Nam coi hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, Chính phủ tin tưởng lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai thành công tiến trình này; để kinh tế số Việt Nam chiếm trên 20% tỷ trọng GDP quốc gia vào năm 2025 và 30% vào năm 2030", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Chuyển đổi số sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia

Thủ tướng: Chuyển đổi số đặt ra cả cơ hội và thách thức - 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số. Ảnh: Quốc Chính

Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng Covid-19 đã tạo ra cho chúng ta rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng rồi sẽ qua đi. "Quan trọng là ai sẽ tận dụng được cơ hội mà Covid mang lại, ai sẽ là người thích ứng nhanh, kịp thời thay đổi để vượt lên với sức sống mạnh mẽ hơn", Bộ trưởng đặt vấn đề.

Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, phát triển nhanh và bền vững thì giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là phát triển số. Các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tập trung chủ yếu cho phát triển số. 

"Đổi mới sáng tạo thì cũng chủ yếu là trong lĩnh vực kinh tế số, xã hội số. Phát triển số có thể coi là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ 21. Việt Nam và các nước thành viên của ITU cam kết cùng nhau thúc đẩy hợp tác với trọng tâm là chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách số giữa các nước", ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Thủ tướng: Chuyển đổi số đặt ra cả cơ hội và thách thức - 3

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Quốc Chính

Ngày 24/9/202, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã được thành lập, do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành ICT, Việt Nam đang kiên cường vượt qua mọi thách thức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để góp phần chiến thắng dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Liên minh Viễn thông quốc tế đánh giá cao Việt Nam

ITU Digital World 2021 bao gồm chuỗi sự kiện: Diễn đàn trực tuyến (diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11) với điểm nhấn là Lễ khai mạc (hôm nay) và Hội nghị Bộ trưởng (từ 12-14/10); Triển lãm trực tuyến (từ 12/10-12/11); Giải thưởng ITU dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (ITU SME Virtual Awards) được trao giải vào tháng 12.

Ông Houlin Zhao, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế ITU, đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ tận tâm và nhiệt tình trong khâu tổ chức sự kiện. Các nước chủ nhà được lựa chọn thông qua quá trình ứng cử cạnh tranh và ông Houlin Zhao cho rằng Việt Nam là nước chủ nhà tuyệt vời để tổ chức sự kiện này.

"Kinh nghiệm và sáng kiến của Việt Nam trong chuyển đổi số, bao gồm cả chiến lược Chính phủ điện tử đầu tiên mới công bố, sẽ giúp định hướng thảo luận và là một mô hình vô cùng tích cực cho các chính phủ khác nghiên cứu, xem xét. Đồng thời, thành tựu đáng kể trong phát triển công nghệ khiến Việt Nam trở thành một điểm sáng cho khu vực và thế giới", Tổng thư ký ITU cho biết. 

Hội nghị và Triển lãm Viễn thông Thế giới được tổ chức bởi Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU. SỰ kiện lần đầu diễn ra vào năm 1971 tại Geneva (Thụy Sĩ). Năm 2020, ITU đã đồng ý với sáng kiến của Việt Nam đổi tên gọi của sự kiện, từ Hội nghị và Triển lãm Viễn thông Thế giới thành Hội nghị và Triển lãm Thế giới số.

Năm nay là lần thứ hai liên tiếp Việt Nam tổ chức sự kiện. Đáng chú ý, Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021 đánh dấu lần thứ 50 của sự kiện danh giá này. Cả hai lần đều được tổ chức online, Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được giao trọng trách đảm nhận hạ tầng phục vụ cho Triển lãm Thế giới số.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm