Truyền hình trả tiền: “Cuộc chiến” giá, quên chất lượng

(Dân trí) - Truyền hình trả tiền đang diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá để giành thị phần. Tuy nhiên, cũng diễn ra tình trạng dù là truyền hình dịch vụ mà vẫn nghèo nàn về nội dung.

Theo số liệu Sách Trắng thống kê, đến hết năm 2014, tổng doanh thu của phát thanh truyền hình vẫn đạt mức 276,4 triệu USD, tăng 38%. Tính đến thời điểm này, cả nước đã có 5 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất, trong đó có 3 doanh nghiệp được thiết lập mạng trên phạm vi toàn quốc là: VTV, VTC, AVG và 2 doanh nghiệp được thiết lập mạng ở phạm vi khu vực là công ty RTB ở khu vực Bắc Bộ và công ty SDTV ở Nam Bộ.

Chuyên gia kinh tế nhận định, phân khúc truyền hình trả tiền đã và đang phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, giống như thị trường viễn thông của 5 năm trước đây. Điều này cũng đồng nghĩa với thực tế, thị trường truyền hình trả tiền cũng đang diễn ra những cuộc cạnh tranh thị phần cực kỳ quyết liệt.

Thực tế, hồi giữa năm 2014 thị trường đã chứng kiến cuộc rượt đuổi của các nhà đài về mức giá cước cũng như khuyến mại. Cụ thể, sau khi SCTV giảm gói cước tới 49%, chỉ còn 80.000 đồng/tháng thì VTVCab lập tức tung ra chương trình khuyến khích khách hàng đóng trước từ 1-2 năm sẽ được giảm giá 15-20%. Truyền hình An Viên (AVG) cũng không chịu kém cạnh trong cuộc đua khi đưa ra hàng loạt hình thức khuyến mãi, giảm giá như tặng đầu thu, miễn phí hòa mạng. Thậm chí, AVG còn đưa ra gói dịch vụ truyền hình số mặt đất chỉ với mức cước 20.000 đồng/tháng. Kết quả, AVG đã hút được lượng khách hàng không nhỏ chỉ trong thời gian ngắn.

Trước ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp đua nhau giảm giá, có nguy cơ làm phá hỏng thị trường truyền hình trả tiền, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng khẳng định: Dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ được nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của doanh nghiệp.

Ở góc độ người tiêu dùng khá nhiều khách hàng bày tỏ ý kiến hài lòng với mức cước phí khá “mềm”, với chất lượng âm thanh và hình ảnh hơn hẳn hình thức  truyền hình truyền thống trước đây.

Tuy nhiên, tại hội nghị quốc tế về truyền hình trả tiền vừa được tổ chức tại Hà Nội, câu chuyện cước phí  và chất lượng nội dung của các kênh truyền hình đã được nhiều người nhắc tới. Nhiều chuyên gia cho rằng, do chạy theo cạnh tranh về giá cước phí đa số các nhà đài quên nhiệm vụ cải thiện chất lượng nội dụng. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam không có nhiều chương trình chất lượng cao.

Không chỉ nội dung trong nước nghèo nàn, nhạt nhẽo, những nội dung mua bản quyền cũng không chất lượng. Dễ dàng nhận ra, có đến hơn nửa kênh sóng của các đài là giống nhau. Nhiều phim quay vòng từ nhà đài này qua nhà đài khác.

Truyền hình trả tiền đang diễn ra cuộc cạnh tranh về giá khốc liệt. (Ảnh minh họa)
Truyền hình trả tiền đang diễn ra cuộc cạnh tranh về giá khốc liệt. (Ảnh minh họa)

Thực tế này cũng được các nhà đài thừa nhận. Đại diện K+ cho rằng, do cạnh tranh gay gắt nên một số đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước không còn cách nào khác là buộc phải giảm giá dich vụ để giữ thị phần. Tuy nhiên, hệ lụy kéo theo là doanh nghiệp không có chi phí sản xuất hay mua bản quyền những chương trình chất lượng. Vì thế, giá cước rẻ chưa phải là tất cả.

Đại diện của nhà đài này cũng thừa nhận, về lâu dài các kênh truyền hình không thể chọn phương án cạnh tranh bằng giảm giá được nữa mà phải tập trung đầu tư cho nội dung mới ở mức cao để thu hút thuê bao.

Theo ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), các đơn vị truyền hình trả tiền cần cạnh tranh trong sự hợp tác, không nên dùng những phương cách gây bất lợi cho các đơn vị khác để giành thị phần.

Ông Cường cho rằng, muốn cạnh tranh tốt dù thế nào thì các đài vẫn phải chú ý tới kênh chất lượng tốt hoặc phát triển các thế mạnh của mình thì mới thu hút và giữ được chân thuê bao.

Vừa qua, VN PayTV đã gửi Đề án xây dựng đơn giá truyền hình trả tiền lên Bộ TT&TT. Đề án này chia theo nhiều mức giá khác nhau, cho từng loại dịch vụ truyền hình dựa theo phương thức truyền dẫn và gói kênh. Theo đó, gói dịch vụ có đơn giá thấp nhất là 60.000 đồng/tháng. Nếu căn cứ theo Đề án, một số nhà đài sẽ phải điều chỉnh tăng giá.

Đề án này nhằm đóng góp dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (trong đó có nội dung quy định quản lý giá dịch vụ phát thanh, truyền hình) mà Bộ TT&TT đang xây dựng.

Khi đó, đề án của VN PlayTV đã gây khá nhiều tranh cãi trong dư luận. Về vấn đề này, lãnh đạo Cục phát thanh và Truyền hình khẳng định, theo quy định của pháp luật về giá, dịch vụ truyền hình trả tiền không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mà nhà nước phải quản lý giá theo các biện pháp bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá hay kiểm tra yếu tố hình thành giá.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ phải thực hiện công khai thông tin về giá dịch vụ gắn với thông số kinh tế, kỹ thuật cơ bản của dịch vụ; doanh nghiệp cũng phải niêm yết giá tại những điểm giao dịch với khách hàng.

Phạm Thanh