Tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển và kiểm soát vệ tinh hay không?

T.Thủy

(Dân trí) - Hình ảnh các tin tặc chiếm quyền kiểm soát vệ tinh để phục vụ cho mục đích riêng đã từng xuất hiện trong nhiều bộ phim hành động và viễn tưởng. Vậy còn ngoài thực tế, điều này có thể xảy ra không?

Tháng 3/2022, khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, nhóm tin tặc Anonymous tuyên bố sẽ tấn công vào các vệ tinh do thám của Nga để ủng hộ Ukraine.

Tuy nhiên, Dmitry Rogozin - Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đã lên tiếng phủ nhận việc vệ tinh Nga bị nhóm tin tặc Anonymous tấn công và chiếm quyền điều khiển. Điều này cho thấy nhóm tin tặc khét tiếng dường như chỉ đe dọa, hơn là thực sự tấn công vào hệ thống vệ tinh của Nga.

Sau sự việc này, nhiều người đã hoài nghi về việc liệu tin tặc có khả năng tấn công và chiếm quyền điều khiển vệ tinh nhân tạo nhằm phục vụ cho mục đích riêng hay không?

Câu trả lời là hoàn toàn có thể.

Tin tặc hoàn toàn có thể tấn công và chiếm quyền điều khiển các hệ thống vệ tinh trong không gian (Ảnh minh họa: iStock).

Tin tặc hoàn toàn có thể tấn công và chiếm quyền điều khiển các hệ thống vệ tinh trong không gian (Ảnh minh họa: iStock).

Vào tháng 4/2022, chuyên gia nghiên cứu bảo mật Karl Koscher và các cộng sự tại Đại học Washington (Mỹ) đã thực hiện một vụ tấn công nhằm vào vệ tinh nhân tạo Anik F1R. Đây là vệ tinh do hãng viễn thông Telesat Canada (có trụ sở tại Ottawa, Canada) phóng lên quỹ đạo vào năm 2005 để phục vụ cho truyền hình và viễn thông.

Dù vệ tinh Anik F1R đã ngừng hoạt động nhưng vẫn còn nằm trên quỹ đạo của trái đất. Thay vì tấn công vào hệ thống điều khiển trên mặt đất của Anik F1R, Karl Koscher và các cộng sự đã tấn công trực tiếp vào Anik F1R trên quỹ đạo, sau đó sử dụng vệ tinh này để truyền đi tín hiệu trên khắp một khu vực rộng lớn của Bắc Mỹ.

Cuộc tấn công của Koscher và các cộng sự được thực hiện một cách hợp pháp, dưới sự giám sát của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ. Mục đích của cuộc tấn công nhằm chứng minh rằng tin tặc hoàn toàn có khả năng chiếm quyền điều khiển các vệ tinh đã ngừng hoạt động vẫn còn lơ lửng trên quỹ đạo.

Karl Koscher và các cộng sự đã cho thấy rằng vệ tinh (bao gồm cả các loại vệ tinh đang hoạt động hoặc đã ngừng sử dụng) hoàn toàn có thể trở thành mục tiêu yêu thích của các hacker, miễn là tin tặc có đủ trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho các cuộc tấn công.

"Cuộc tấn công trình diễn này cho thấy rằng các vệ tinh ngừng sử dụng có thể là mục tiêu ưa thích của các nhóm tin tặc, miễn là tin tặc có đủ trang thiết bị để thực hiện các vụ tấn công", Karl Koscher cho biết.

Sau khi chiếm quyền điều khiển, tin tặc có thể sử dụng vệ tinh cho những mục đích riêng của chúng như phát đi các tín hiệu tuyên truyền, sử dụng cho mục đích giám sát hoặc gián điệp…

Chẳng hạn như vào năm 2009, cảnh sát Brazil đã bắt giữ 39 người vì cáo buộc hack và chiếm quyền điều khiển các vệ tinh cũ của Hải quân Mỹ để sử dụng cho kênh liên lạc riêng nhằm phục vụ cho các phi vụ buôn bán ma túy.

Không chỉ những nhóm tội phạm hay tin tặc, các quốc gia cũng hoàn toàn có thể nhắm đến việc tấn công các hệ thống vệ tinh của những quốc gia đối địch. Tuy nhiên, điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ leo thang căng thẳng về ngoại giao, dẫn đến xung đột vũ trang hoặc "chiến tranh trong không gian" khi các quốc gia tấn công vào hệ thống vệ tinh của nhau.

Tóm lại, việc các tin tặc tấn công và chiếm quyền điều khiển các hệ thống vệ tinh là hoàn toàn có thể xảy ra ngoài thực tế, chứ không chỉ xuất hiện trong các cảnh phim hành động hoặc khoa học viễn tưởng.

Theo Vice/FreeThink