1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

TikTok giành chiến thắng đầu tiên trong "cuộc chiến sống còn" tại Mỹ

Nam Đoàn

(Dân trí) - Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 18/12 đã đồng ý xem xét tính hợp hiến của đạo luật yêu cầu ByteDance, công ty mẹ của TikTok bán nền tảng này hoặc sẽ bị cấm.

TikTok giành chiến thắng đầu tiên trong cuộc chiến sống còn tại Mỹ - 1

Nếu Tòa án Tối cao Hoa Kỳ quyết định đạo luật cấm TikTok là vi hiến, nền tảng này sẽ tiếp tục được hoạt động tại Mỹ (Ảnh: 20 Minutes).

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đồng ý xem xét khiếu nại

Tháng 4/2024, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật cấm TikTok nhằm ngăn chặn nguy cơ gián điệp và thao túng dữ liệu từ mạng xã hội của Trung Quốc, vốn có hơn 170 triệu người dùng Mỹ sử dụng.

Theo luật cấm, công ty mẹ của TikTok - ByteDance - phải bán nền tảng này hoặc sẽ bị cấm vào ngày 19/1/2025.

TikTok đã nhiều lần phủ nhận việc truyền thông tin cho Bắc Kinh và cam kết từ chối mọi yêu cầu của Trung Quốc liên quan đến vấn đề này.

Đơn kháng cáo của TikTok nhằm chống lại luật cấm đã liên tục bị Tòa phúc thẩm Liên bang ở Washington bác bỏ vào ngày 6 và ngày 13/12.

Tuy nhiên, ngày 18/12, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã đồng ý xem xét vấn đề này.

Cơ quan sẽ tập trung vào câu hỏi liệu luật cấm có vi phạm Bản sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận hay không.

Cuộc tranh luận sẽ được diễn ra vào ngày 10/1/2025, trước khi luật cấm có hiệu lực vào ngày 19/1/2025.

Người phát ngôn TikTok cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng và tin rằng Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ ra phán quyết rằng lệnh cấm là vi hiến".

Một cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận

TikTok và ByteDance coi luật này là một cuộc "tấn công" vào Bản sửa đổi đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ, nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Công ty cho biết: "Quốc hội đã thông qua một hạn chế lớn và chưa từng có đối với quyền tự do ngôn luận của người Mỹ".

Đạo luật này đã thu hút sự chỉ trích từ những người bảo vệ quyền tự do.

Luật sư Yanni Chen thuộc tổ chức phi chính phủ Free Press tố cáo: "Những nhà lập pháp Mỹ đã không chứng minh được các cáo buộc của họ rằng những nội dung trên TikTok đã bị Chính phủ Trung Quốc thao túng".

Ông George Wang, Viện Hiệp sĩ Tu chính án thứ nhất, cảnh báo về tiền lệ nguy hiểm mà luật cấm có thể đặt ra.

"Hạn chế tiếp cận với các nền tảng truyền thông nước ngoài là một chiến thuật mà chúng ta thường gắn với các chế độ đàn áp một cách nghịch lý", ông cảnh báo.

Về phần mình, TikTok cho biết hậu quả kinh tế của đạo luật sẽ gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ và gần 300 triệu USD cho những người sáng tạo nội dung ở Hoa Kỳ.

TikTok mô tả luật này là sự kiểm duyệt quy mô lớn chưa từng xảy ra tại Mỹ.

Tổng thống đắc cử Donald Trump, người sẽ nhậm chức ngay sau khi lệnh cấm có hiệu lực, đã bày tỏ sự quan tâm đến TikTok.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông đã cố gắng cấm ứng dụng này vào năm 2020, trước khi thay đổi quan điểm coi TikTok là một giải pháp thay thế cho Meta: Facebook và Instagram.