1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

"Thất thu" vì phim lậu và cạnh tranh bất bình đẳng với ứng dụng OTT ngoại

(Dân trí) - Các doanh nghiệp truyền hình trả tiền đều than phiền về việc "thất thu" do tình trạng vi phạm bản quyền vẫn tiếp tục tiếp diễn, và sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới.

Doanh nghiệp nội than phiền thiệt hại vì phim lậu và OTT ngoại

Vài năm trở lại đây, dù cơ quan quản lý đã có những biện pháp để dẹp bỏ thị trường phim lậu khi 1 số trang web lớn đã phải đóng cửa hay chuyển đổi mô hình như hayhaytv nhưng các trang web lậu khác vẫn tiếp tục tồn tại mà chưa bị "xờ gáy". Tháng 1/2020, thống kê của We Are Social, top 20 trang web được truy cập nhiều nhất theo Alexa, trang web phim lậu số 1 là phimmoi đang đứng ở vị trí thứ 14 với 5,2 triệu lượt truy cập mỗi tháng.

Chưa kể đến, những năm gần đây, thị trường Việt Nam đã xuất hiện xuất hiện các dịch vụ xem phim trực tuyến (truyền hình OTT) nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam. Tiêu biểu có thể kể đến như Netflix (năm 2016), iFlix (năm 2017) hay mới nhất là những ứng dụng đến từ Trung Quốc như We TV (Tencent), iQiYi (Baidu)...

Thất thu vì phim lậu và cạnh tranh bất bình đẳng với ứng dụng OTT ngoại - 1

Các kênh phim lậu đang khiến các nhà sản xuất nội dung "lao đao".

Trong bài tham luận gửi đến Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ TT&TT, đại diện VNPT Media cho biết, trong bối cảnh thị trường truyền hình đang cạnh tranh và chi phí bản quyền nội dung ngày càng tăng cao, việc vi phạm bản quyền diễn ra ngày càng có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm bản quyền trên Internet rất khó khăn bởi các website đa số có tên miền quốc tế, sử dụng máy chủ lưu trữ (hosting) của nước ngoài.

Bên cạnh đó, dịch vụ OTT xuyên biên giới do không có rào cản nào về mặt công nghệ, cũng như pháp lý có thể sẽ đẩy các doanh nghiệp OTT trong nước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt và phải đối mặt với nguy cơ bị mất thị trường ngay trên sân nhà, tương tự như thị trường game online. Điều này đặt ra thách thức cho các cơ quan nhà nước trong việc quản lý bình đẳng giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trong nước, với các OTT của nước ngoài, tránh tình trạng “bảo hộ ngược” cho doanh nghiệp nước ngoài.

Cụ thể, trong bài tham luận của mình, đại diện VNPT Media đã dẫn chứng về vấn đề thuế giữa doanh nghiệp OTT trong và nước ngoài. Người dùng khi mua một bộ phim nước ngoài có bản quyền trên nền tảng OTT của doanh nghiệp nội đang chịu 3 loại thuế gồm thuế bản quyền, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài như Netflix, iFlix, Apple TV, Tencent và Baidu lại chưa chịu bất cứ quy định về nghĩa vụ thuế cũng như chịu sự quản lý về nội dung khi khai thác tại thị trường Việt Nam.

Cùng quan điểm, cũng trong tham luận gửi Bộ TT&TT, Viettel Media cho rằng, dù Việt Nam là một thị trường tiềm năng nhưng việc thị trường phim lậu vẫn tồn tại, phát triển đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất nội dung và các nhà phân phối, phát triển dịch vụ. Đặc biệt khi mà 95% các nội dung truyền hình, điện ảnh (những nội dung có sự đầu tư về chi phí sản xuất rất lớn) bị khai thác tràn lan bởi các dịch vụ “lậu”, nổi bật là các site như dongphim.net, phimmoi.net, javphim.net, phimsd. org, vtv16.tv...

Chưa kể đến, do là lĩnh vực “phẳng” nên việc cung cấp dịch vụ truyền hình OTT xuyên quốc gia không khó khăn như những ngành công nghiệp khác. Hiện tại, trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp ngoại đang có lợi thế hơn khi chưa thực hiện các nghĩa vụ về quản lý, kiểm soát, nghĩa vụ về thuế đối với nhà nước, trong khi doanh nghiệp Việt đều đang thực hiện những nghĩa vụ này.

Cần chặn việc truy cập truyền hình OTT ngoại "lậu" và các trang web vi phạm bản quyền

Đối với vấn đề quản lý nhà nước, đầu tư, các chính sách thuế, phí, Viettel Media kiến nghị cần xây dựng chính sách và ngân sách đầu tư tương xứng với quy mô của ngành, hỗ trợ truyền thông các sản phẩm nội địa, khuyến khích áp dụng việc sử dụng mạng xã hội trong nước (chat-app liên lạc, quản lý và điều hành công việc…); miễn/giảm thuế, phí trong lĩnh vực sản xuất nội dung để khuyến khích hoạt động sản xuất tăng trưởng trở lại.

Còn về hành lang pháp lý cần thực hiện rà soát, gỡ bỏ các thủ tục rườm rà, các rào cản chưa thực sự cần thiết, tạo nên môi trường cạnh tranh công bằng nhất giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

Cuối cùng, để xử lý vấn đề vi phạm bản quyền cần ban hành các quy định pháp luật xử lý nặng vấn đề này cũng như áp dụng các biện kỹ thuật công nghệ như chặn liên kết đến các trang vi phạm qua các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước.

Còn với VNPT Media, trong tham luận của mình, đại diện đơn vị này cho biết, do Nghị định 06/2016/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể điều chỉnh đối với các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam nên Bộ TT&TT cần bổ sung thêm các quy định về quản lý dịch vụ nội dung cung cấp trên Internet, trên di động, nội dung cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu các nhà mạng tham gia vào việc ngăn chặn việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền bất hợp pháp xuyên biên giới bằng cách chặn các địa chỉ IP cung cấp dịch vụ từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu bổ sung thêm các quy định cũng như các chế tài nhằm kiểm soát chặt chẽ vấn đề vi phạm bản quyền, tạo môi trường thúc đẩy kinh doanh nội dung phát triển. "Với tiềm năng phát triển thị trường vẫn còn khá lớn như hiện nay, việc biến thách thức thành cơ hội trên thị trường truyền hình trả tiền đòi hỏi không chỉ những bước đi sáng tạo, đột phá từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hay đơn vị sản xuất nội dung mà còn phụ thuộc rất lớn vào hành lang pháp lý của nhà nước để điều tiết cũng như tạo sự bình đẳng trên thị trường", đại diện VNPT Media nhấn mạnh.

 Gia Khánh