Spotify vào Việt Nam, người Việt có chịu chi tiền để nghe nhạc?
(Dân trí) - Spotify, dịch vụ stream âm nhạc lớn đã chính thức vào Việt Nam, tạo nên một luồng không khí mới mẻ cho thị trường âm nhạc trực tuyến vốn ảm đạm thời gian qua. Tuy nhiên, sự xuất hiện của gã khổng lồ này có đủ hấp dẫn để tác động đến thói quen người dùng, có chịu trả tiền để nghe nhạc, kích thích sự phát triển cho thị trường này?
Chừng nào còn "hack" được thì mua làm gì!
Chưa đầy vài tiếng sau khi hãng này công bố chính thức ra mắt tại Việt Nam trong một sự kiện diễn ra ở TPHCM thì trên các diễn đàn công nghệ lớn đã có những topic (chủ đề) hướng dẫn cách hack tài khoản Premium của Spotify sử dụng hoàn toàn miễn phí, thay vì trả 59 ngàn đồng/tháng.
Đây thực sự là một tin chẳng hề vui cho hãng này và cả thị trường âm nhạc trực tuyến ở Việt Nam bởi cái thói quen dùng miễn phí đã ăn sâu vào tiềm thức của người dùng.
Năm ngoái, Zing Mp3 cũng là gặp tình trạng tương tự khi tung ra bản cập mới vào tháng 4/2017, chuyển đổi tất cả các tài khoản Zing ID sang tài khoản Zalo. Trong lần chuyển đổi lần này có lẽ đã xuất hiện lỗ hổng, khiến cho các hacker có thể khai thác biến tài khoản Zing Mp3 thường thành Zing Mp3 Vip sử dụng trong vòng 10 năm một cách dễ dàng. Nếu tính theo giá tiền mà VNG cung cấp thì 1 tháng là 30 ngàn đồng, 1 năm chi phí phải bỏ ra là 270 ngàn đồng, mua 2 năm sẽ là 500.000 đồng. Như vậy, với 10 năm, người dùng đã "đỡ tốn" đến 2,5 triệu đồng để sử dụng tài khoản VIP nghe nhạc trên Zing MP3.
Điều đáng nói là màn "qua mặt" Zing Mp3 lần đó đã được cộng đồng mạng đón nhận và hồ hởi chia sẻ với nhau, hướng dẫn nhau chỉ vì không muốn mất 30 ngàn đồng/tháng để trả cho chi phí bản quyền, nhân sự và chưa kể cả hạ tầng mà đơn vị này cung cấp.
Có nhiều ý kiến cho rằng, người dùng Việt đã quá quen với việc miễn phí và thu nhập vẫn còn thấp nên họ ưu tiên hơn cho việc chi trả các hóa đơn nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống thay vì là dịch vụ nghe nhạc.
Spotify sẽ thay đổi được?
Khó để có thể nói trước được hãng này có thể thành công hay không trong tương lai gần nhưng thực tế, đây là một thách thức không nhỏ cho hãng này ở Việt Nam trong việc tồn tại, chưa kể đến là tìm kiếm doanh thu.
Hành vi tiêu dùng của người Việt đối với việc trả tiền để nghe nhạc trực tuyến được thể hiện rất rõ trong sự phát triển của mô hình kinh doanh dịch vụ này tại Việt Nam. Điển hình trong năm 2016, FPT Telecom đã đóng cửa kho nhạc trực tuyến nhacso.net trước tình hình kinh doanh dịch vụ này gặp khó khăn. Thậm chí các ông lớn khác như Zing Mp3, nhaccuatui... cũng gặp khó khăn tương tự trong việc thu phí của người dùng nghe nhạc trực tuyến. Hầu như doanh thu hiện nay đều đến từ quảng cáo và tải nhạc chờ. Một chuyên gia trong ngành này cũng tiết lộ, số người dùng Việt mua tài khoản vip trả phí để nghe nhạc chiếm cực thấp và vô cùng nhỏ.
Một điển hình khác cũng thể hiện rất rõ hành vi tiêu dùng của người Việt cho các loại hình dịch vụ trực tuyến mới, khi tháng đầu cho dùng thử, số lượng tăng theo cấp số nhân từng ngày. Nhưng bắt đầu thu phí thì số lượng người dùng tụt không phanh, minh chứng thể hiện rất rõ qua các dịch vụ như Apple Music hay Netflix... tại thị trường này.
Như vậy, việc tung ra gói cước 59 ngàn đồng/tháng của Spotify, thật sự đã đủ hấp dẫn người dùng móc hầu bao sử dụng chưa? Xin nói ngay là chưa! Bởi các dịch vụ chia sẻ nhạc trực tuyến đình đám của Việt Nam sở hữu gói cước rẻ gấp đôi, chỉ 30 ngàn đồng/ tháng cũng không đủ lôi cuốn người dùng chi trả, mà còn tìm cách biện pháp để hack tài khoản như kể trên.
Và thậm chí Spotify thực chất cũng là một ứng dụng nghe nhạc trực tuyến như bao ứng dụng khác. May thay lắm, nó có các ưu điểm mà người dùng cho rằng là đặc biệt như đưa ra gợi ý bài hát thú vị dựa trên thói quen của người dùng, điều khiển phát âm nhạc từ thiết bị di động đến các thiết bị hỗ trợ kết nối Internet khác cực nhanh... Nhưng lại thua kém các ứng dụng nội địa của Việt Nam như việc không hỗ trợ chất lượng cao lossless cho tài khoản đã trả phí. Đối với tài khoản miễn phí còn hạn chế việc bỏ qua 6 bài hát...
Như vậy, các ưu điểm ấy cũng chưa có gì là quá đình đám để phải chi trả thêm gấp đôi số tiền so với các dịch vụ chia sẻ trong nước. Chưa kể, nếu đi so với Youtube, người dùng còn có thể vừa xem hình vừa nghe nhạc mà chẳng mất bất cứ đồng phí nào, Do đó, thách thức cho hãng này ở Việt Nam là vô cùng khó khăn trong tương lai sắp tới. Và tất nhiên, cũng khó có thể mà thay đổi được thói quen của người dùng tại đây trong tương lai gần.
Tuy vậy, sự gia nhập của Spotify cũng là một dấu hiệu đáng mừng cho thị trường này, để kích thích sự tăng trưởng cũng như nâng cao ý thức cho người dùng về lợi ích và trách nhiệm trong việc "Nghe có ý thức" - một chiến dịch thu phí tải nhạc khởi xướng từ năm 2012 dù đã thất bại.
Gia Hưng