Smartphone pin rời sẽ được hồi sinh vào năm 2027

T.Thủy

(Dân trí) - Đến năm 2027, các mẫu smartphone với thiết kế pin rời sẽ được hồi sinh, giúp người dùng dễ dàng thay pin cho sản phẩm của mình.

Hầu hết smartphone, máy tính bảng hay laptop ngày nay đều có thiết kế nguyên khối, pin được gắn liền trong sản phẩm. Kiểu thiết kế này giúp tăng tính thẩm mỹ và đảm bảo được tính năng chống nước, chống bụi trên các sản phẩm.

Tuy nhiên, nhược điểm của kiểu thiết kế này đó là người dùng không thể tự thay pin trong trường hợp pin trên smartphone, máy tính bảng hoặc laptop bị hỏng, mà cần phải mang thiết bị đến các trung tâm bảo hành.

Mới đây, Nghị viện châu Âu vừa thông qua một luật mới về quy định thiết kế, sản xuất và tái chế các loại pin có thể sạc được bán tại các quốc gia trong Liên minh châu Âu.

Smartphone sẽ quay trở lại kiểu thiết kế pin rời do luật mới được thông qua tại châu Âu (Ảnh minh họa: Getty).

Smartphone sẽ quay trở lại kiểu thiết kế pin rời do luật mới được thông qua tại châu Âu (Ảnh minh họa: Getty).

Đạo luật mới quy định rằng tất cả các loại xe điện (bao gồm cả xe máy điện) và pin công nghiệp có thể sạc lại (trên 2kWh) đều phải dán nhãn đánh dấu và hộ chiếu kỹ thuật số.

Đạo luật mới cũng quy định đối với các thiết bị sử dụng pin sạc được như smartphone, máy tính bảng, máy ảnh, laptop… sẽ phải có thiết kế để người dùng dễ dàng tháo lắp và thay thế pin trên thiết bị.

Điều này đồng nghĩa với việc các hãng sản xuất sẽ phải cho ra mắt các mẫu smartphone, máy tính bảng… với thiết kế pin rời, cho phép người dùng có thể tháo và thay thế pin trên sản phẩm một cách dễ dàng khi cần thiết.

Các thành viên của Nghị viện châu Âu đã rất tán thành dự luật mới này, với 587 phiếu thuận, chỉ có 9 phiếu chống và 20 phiếu trắng.

Luật mới thông qua này sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2027, nghĩa là các hãng smartphone vẫn còn khá nhiều thời gian để thay đổi thiết kế trên sản phẩm để có thể bán ra tại thị trường châu Âu.

Không loại trừ khả năng, các hãng smartphone sẽ cho ra mắt sản phẩm dành riêng cho thị trường châu Âu với thiết kế pin rời, trong khi đó tại các thị trường khác sản phẩm vẫn sẽ giữ nguyên kiểu thiết kế nguyên khối như hiện nay.

Nghị viện châu Âu cũng dự định đưa các loại pin không thể sạc vào chương trình nghị sự và sẽ đánh giá về tác động của loại pin này với môi trường trước ngày 31/12/2030. Rất có thể các loại pin không thể sạc sẽ bị cấm tại châu Âu trong thời gian tới nếu chúng bị đánh giá là gây hại cho môi trường.

Trước đó, Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua luật buộc các hãng smartphone phải sử dụng một chuẩn sạc chung đối với các sản phẩm bán ra tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.

Chính quy định này đã buộc Apple phải từ bỏ cổng sạc Lightning trên iPhone 15 để chuyển sang sử dụng cổng USB-C nhằm phù hợp với quy định tại châu Âu.

Theo YN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm