Những giải Nobel Y học mang tính cách mạng nhất trong lịch sử

(Dân trí)-Nhân sự kiện giải Nobel Y học vừa được trao cho 3 nhà khoa học người Mỹ và Na Uy, cùng nhìn lại những công trình nghiên cứu đã từng đạt giải Nobel Y học trong quá khứ, đóng vai trò quan trọng và mang tính cách mạng trong cuộc sống hàng ngày của con người.

- Giải Nobel Y học 1901: đây là năm đầu tiên giải Nobel về Sinh lý học và Y học được trao, người giành được vinh dự này là nhà sinh lý học người Đức Emil von Behring.

Những giải Nobel Y học mang tính cách mạng nhất trong lịch sử
Nhà khoa học người Đức Emil von Behring được vinh dự là người đầu tiên nhận giải Nobel Y học với nghiên cứu về huyết thanh

Emi von Behring đã thực hiện nghiên cứu về huyết thanh, một phương pháp điều trị bệnh bằng cách tiêm huyết thanh miễn dịch của động vật, mở ra một con đường mới trong lĩnh vực y tế và trang bị cho các bác sĩ một “vũ khí” giúp chiến thắng chống lại bệnh tật. Đây là một trong những công trình nghiên cứu mang tính cách mạng và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống ngày nay.

- Giải Nobel Y học 1945: Công trình nghiên cứu của nhà khoa học người Scotland Alexander Fleming được xem là một trong những nghiên cứu tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực y học. Năm 1928, Fleming đã khám phá ra kháng sinh tự nhiên đầu tiên, penicillin, chiết xuất từ cây nấm Penicillium.

Trong Thế chiến thứ hai, thương binh cần nhiều kháng sinh, lúc này penicillin trở nên cần thiết, và từ năm 1943 Anh và Mỹ đã sản xuất Penicillin với quy mô công nghiệp, để chữa trị các bệnh nhiễm trùng trên phạm vi rộng.

Kháng sinh penicillin đóng vai trò quan trọng trong ngành y học hiện đại
Kháng sinh penicillin đóng vai trò quan trọng trong ngành y học hiện đại

Đến năm 1945, Fleming mới được trao giải Nobel Y học cùng với nhà hóa sinh người Anh Ernst Boris Chain và nhà nghiên cứu bệnh học người Úc Howard Walter Florey vì khám phá ra thuốc kháng sinh và tác dụng chữa bệnh của kháng sinh đối với các bệnh nhiễm trùng khác nhau.

- Giải Nobel Y học 1952: Giải thưởng năm 1952 được trang cho nhà hóa sinh và vi sinh học người Mỹ Selman Waksman vì đã tìm ra streptomycin, kháng sinh đầu tiên có tác dụng chống bệnh lao.

Quyết định trao giải thưởng cho Selman Waksman vào thời điểm bấy giờ đã gây nên những tranh cãi vì nhà khoa học người Mỹ Albert Schatz cũng đã có công cùng khám phá ra streptomycin với Waksman, nhưng lại không được trao giải thưởng Nobel. Schatz sau đó đã kiện Waksman vì đã giành công trong công trình nghiên cứu này. Schatz sau đó đã đạt được một thỏa thuận với Waksman về một khoản tiền đền bù và sở hữu bản quyền sáng chế, nhưng vẫn không được nhận giải Nobel.

- Giải Nobel Y học 1962: Nhà khoa học người Mỹ James Watson cùng 2 nhà khoa học người Anh Francis Crick và Maurice Wilkins đã giành được giải Nobel Y học năm 1962 cho khám phá của họ về câu trúc và ý nghĩa của Axit Deoxyribo Nucleic hay còn gọi là ADN, và tầm quan trọng của ADN cho việc trao chuyển thông tin trong vật chất sống".

Kháng sinh penicillin đóng vai trò quan trọng trong ngành y học hiện đại
Rosalind Franklin có vai trò quan trọng trong phát hiện ra ADN, tuy nhiên lại không có được vinh dự nhận giải Nobel vì qua đời trước đó

Nữ khoa học gia người Anh Rosalind Franklin cũng đã có những đóng góp quan trọng trong công trình nghiên cứu này nhưng cô đã qua đời vào năm 1958 khi mới 37 tuổi, khiến Franklin không thể được nhận giải thưởng Nobel, do quy định không trao giải Nobel cho những người đã chết.

- Giải Nobel Y học 1983: Nhà di truyền học tế bào người Mỹ Barbara McClintock đã nhận được giải Nobel về Y học năm 1983 vì đã phát hiện ra các yếu tố có khả năng di động trong tế bào. 

Barbara McClintock được đánh giá là một trong những nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới trong lĩnh vực di truyền học tế bào, bà cũng là một trong 10 phụ nữ đã từng nhận được giải thưởng Nobel về y học. Trước đó có thể kể đến Gerty Cori với giải thưởng năm 1947, Elizabeth Blackburn và Carol Greider với giải thưởng năm 2009 và gần đây nhất là nữ khoa học gia người Na Uy May-Britt Mosers với giải Nobel Y học năm 2014.

- Giải Nobel Y học 2010: Được trao cho nhà sinh lý học người Anh Robert Edwards vì khai phá ra phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Kỹ thuật sử dụng biện pháp theo dõi chu kỳ sinh sản của người phụ nữ, sau đó lấy trứng từ buồng trứng, thụ tinh trứng với tinh trang trong ống nghiệm ở phòng thí nghiệm, sau đó cấy trứng đã thụ tinh và tử cung của người phụ nữ.

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm giúp mở ra hy vọng có con cho những cặp vợ chồng hiếm muộn
Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm giúp mở ra hy vọng có con cho những cặp vợ chồng hiếm muộn

Phương pháp của Robert Edwards đã mở giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có được giấc mơ làm cha mẹ. 

Louise Brown, sinh năm 1978, mang quốc tịch Anh, trở thành người phụ nữ đầu tiên sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con.

- Giải Nobel Y học 2013: Cũng tương tự như giải Nobel Y học 2014, giải thưởng năm 2013 cũng được trao cho 3 nhà khoa học, bao gồm 2 nhà khoa học Mỹ là James Rothman (Đại học Yale) và Randy Schekman (Đại học California), người còn lại là nhà khoa học Đức đang sống tại Mỹ, Thomas Sudhof (Đại học Stanford).

3 nhà khoa học này giành được giải Nobel nhờ công trình nghiên cứu tìm ra lời giải về túi tiết, tức cách thức tế bào tổ chức hệ thống vận chuyển của nó. Công trình này có thể giúp tìm ra các biện pháp ngăn chặn bệnh tiểu đường và các bệnh về thần kinh...

Phạm Thế Quang Huy