Nhà sáng lập Huawei không ủng hộ chống iPhone ở Trung Quốc
(Dân trí) - Đối với hầu hết mọi người, trả đũa dường như là một bản năng khi chúng ta bị đối xử không công bằng. Tuy nhiên, nhà sáng lập kiêm CEO của Huawei, Ren Zhengfei lại có một cách nghĩ khác.
Theo báo cáo từ Bloomberg, bất chấp mọi hành động chống lại Huawei từ chính phủ cho đến các tập đoàn ở Mỹ, người sáng lập Huawei - ông Nhậm Chính Phi không muốn chính phủ Trung Quốc trả đũa Apple như nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán.
Khi vận mệnh của một công ty bị đặt giữa cuộc chiến "không khoan nhượng"
Khởi nguồn của mọi vấn đề bắt đầu vào ngày 16/5, khi chính quyền ông Trump bất ngờ đưa Huawei vào "danh sách đen" của Bộ thương mại Mỹ. Điều này ngăn cản Huawei nhận được sự hợp tác, cũng như có được giấy phép kinh doanh với các công ty công nghệ ở Mỹ.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây được xem là động thái quyết liệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc hạn chế sự phát triển đối với Huawei và rộng hơn là nền kinh tế Trung Quốc. Nói cách khác, đây là một hệ quả tất yếu của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vốn đã nhen nhóm từ tháng 8 năm ngoái, và ngày càng có dấu hiệu trở nên căng thẳng khi các bên không chịu ngồi vào bàn đàm phán.
Rõ ràng mặc dù có thể tự sản xuất chip và phần mềm, song Huawei vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào dây chuyền cung cấp ở Mỹ đối với các sản phẩm của mình.
Do đó, việc hủy bỏ hợp tác giữa Mỹ và Huawei đã đẩy công ty rơi vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết. Ngay sau khi quyết định của Mỹ được đưa ra, một loạt đối tác quan trọng của Huawei như Google, Qualcomm, ARM đã tuyên bố chấm dứt hợp tác với Huawei.
Nhiều nhà mạng lớn tại châu Á, châu Âu, cũng rục rịch ngừng các chiến dịch quảng bá cho Huawei, ngừng đơn đặt hàng, và giảm giá một loạt sản phẩm của hãng vì sợ "ế".
Theo báo cáo từ Bloomberg, Huawei sẵn có các linh kiện để hoạt động trong khoảng một năm nữa. Tuy nhiên, họ sẽ sớm phải tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện đáng tin cậy để thay thế. Trong năm ngoái, số tiền được Huawei chi cho các hoạt động mua bán linh kiện ở Mỹ lên tới 11 tỷ USD, cho thấy sự quan trọng của mối quan hệ hợp tác vừa bị phá bỏ này.
Một bộ phận người tiêu dùng Trung Quốc ngay lập tức có phản ứng khi Huawei bị cấm vận. Họ đăng tải lên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội về việc thay thế iPhone bằng điện thoại Huawei. Một người Trung Quốc thậm chí nói rằng thật xấu hổ khi ra đường và rút một chiếc iPhone ra khỏi túi, trong khi những người khác đều đang mang một thiết bị với nhãn hiệu của Huawei.
Tuy nhiên, người sáng lập của Huawei đã chọn những lời tử tế khi nói về đối thủ của mình. "iPhone có một hệ sinh thái tốt và khi gia đình tôi ra nước ngoài, tôi vẫn mua cho họ những chiếc iPhone", ông Ren chia sẻ. "Vì vậy, sẽ là khá hẹp hòi nghĩ rằng tình yêu dành cho Huawei là phải yêu điện thoại của Huawei".
Chủ tịch của Huawei ký thỏa thuận "không gián điệp" với bất kỳ quốc gia nào
Trong một tuyên bố mới đây, ông Nhậm Chính Phi thừa nhận rằng việc Mỹ đưa Huawei vào "danh sách đen" đã gây tổn hại cho công ty. Người sáng lập Huawei nói rằng điều này đã làm gián đoạn "chiến dịch 2 năm" nhằm vượt qua và tạo sự cạnh tranh với các hãng smartphone khác để chiếm lĩnh thị trường, nhưng ông sẽ không từ bỏ.
Ông Phi nói rằng Huawei trước mắt sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế để duy trì hoạt động sản xuất thiết bị cầm tay và 5G. Tuy nhiên, các vấn đề hiện tại liệu có thể cho phép Huawei tiếp tục kinh doanh một cách bình thường hay không lại là vấn đề khác.
Nói cách khác, sự sống còn của công ty giờ đây có thể chỉ phụ thuộc vào hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung. Cả hai nước đang tham gia vào một cuộc chiến thương mại leo thang và nó làm tổn thương người tiêu dùng từ cả hai phía, nhưng bất cứ một biến chuyển nào cũng có thể làm thay đổi tình hình.
Vận mệnh của Huawei có thể được thay đổi bằng chỉ một quyết định được đưa ra từ phía Mỹ hoặc Trung Quốc.
Khi Tổng thống Trump trích dẫn lý do đưa Huawei vào "danh sách đen", ông cũng để ngỏ khả năng sẽ đi đến đàm phán thương mại với Trung Quốc hoặc công ty để cải thiện tình hình. Nói cách khác, Mỹ hoàn toàn có thể đưa Huawei đến "vùng an toàn" để đổi lấy các điều khoản có lợi hơn trong một thỏa thuận thương mại. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc có thể tiếp tục từ chối ngồi lên bàn đàm phán trừ khi Huawei bị loại khỏi "danh sách đen".
Cần nhớ rằng mọi lo ngại của chính phủ Mỹ về Huawei - rồi dẫn tới lệnh cấm, xuất phát từ cáo buộc rằng công ty thu thập thông tin tình báo gián điệp, rồi gửi về cho chính quyền Trung Quốc.
Điều này thậm chí chưa bao giờ được xác minh, mà còn nhiều lần bị Huawei và các giám đốc điều hành hàng đầu của hãng lên tiếng phủ nhận. Trên thực tế, trong thời điểm Huawei cùng 68 chi nhánh của họ bị đưa vào "danh sách đen", Chủ tịch Huawei Liang Hua đã có mặt ở Anh để đề nghị ký thỏa thuận "không gián điệp" với bất kỳ quốc gia nào.
Nguyễn Nguyễn
Theo Bloomberg, PA